Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hôm nay (11-6), vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục phát triển và mở rộng về phía Đông Nam cộng với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên Bắc Bộ tiếp tục nắng nóng.
Nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Trung Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi trên 40 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10 giờ đến 17 giờ. Đợt nắng nóng này có thể kéo dài thêm 2 ngày nữa.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, lượng người nhập viện vì các bệnh mùa nắng ở Bệnh viện (BV) Đa khoa Quảng Ngãi tăng nhanh. Ông Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng Khoa Nhi BV Đa khoa Quảng Ngãi, cho biết 3 ngày gần đây, số lượng trẻ em mắc các bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng.
Tại tỉnh Quảng Nam, các bãi biển, kênh thủy lợi trên địa bàn tỉnh đông kín người đi giải nhiệt. Tương tự, ở biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến tắm biển và hóng mát. Xe con, xe du lịch từ các tỉnh đổ xô về đậu gần kín các lề đường An Dương Vương và Xuân Diệu cũng như các bãi đậu xe dọc tuyến biển.
BV Đa khoa Quy Nhơn và BV Đa khoa Bình Định chật kín bệnh nhân. ThS Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định, cho biết thời điểm nắng nóng như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.
Người dân đổ xô xuống biển Quy Nhơn Ảnh: LÊ HỒ BẮC
Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, trong ngày 10-6, nhiệt độ lên đến 40 độ C ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Những lúc cao điểm từ 12-15 giờ, trên các tuyến đường ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An), TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vắng bóng người. Tại thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An), ông Đặng Thái Sơn (SN 1965, trú phường Quang Tiến) đã tử vong do bị sốc nhiệt trong lúc đốt nương. Trong khi đó, hàng ngàn người dân đổ xô đi tắm biển, tránh nóng.
Ở BV Bạch Mai (Hà Nội), mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận hàng chục trường hợp cấp cứu do bị đột quỵ. Trong khi đó, một số dịch bệnh như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy... có xu hướng gia tăng. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết qua giám sát dịch tễ cho thấy có tới 10 loại bệnh truyền nhiễm dễ gia tăng và lây lan từ tháng 5 đến tháng 8, gồm: cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, lỵ trực trùng, thủy đậu, Rubella, viêm não virus... Phần lớn đều là các dịch bệnh dễ lây lan thông qua môi trường, đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc.
Các chuyên gia cảnh báo từ 12 giờ đến 16 giờ là thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, người dân nên hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc. Ngoài ra, cần chủ động uống nước, có chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, nhiều vitamin C, tập thể thao hợp lý, vừa sức.
Chỉ số cảnh báo tia tử ngoại (UV) có giá trị từ 8 đến 10 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao cho cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp ánh nắng trong đợt nắng nóng gay gắt này. |
Miền Bắc sắp đón mưa dông diện rộng
Hôm nay, mưa dông và mưa lớn cục bộ xuất hiện ở khu vực vùng núi phía Bắc, đến ngày 13/6, mưa dông diện rộng ... |
Bắc và Trung Bộ ngày nắng nóng như thiêu như đốt, tối mưa dông lốc sét
Đợt nắng nóng gay gắt lần này ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài từ nay đến ngày 12-13/6. |
Nhóm Phóng viên