Cần loại bỏ căn bệnh thành tích và hô hào thành tích trên mọi khía cạnh...
Mục tiêu phải tương xứng với công cụ
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu thường niên 2018 vừa được Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho thấy, Việt Nam tụt hạng 3 bậc, từ vị trí 74 xuống xếp thứ 77 trong số 140 nền kinh tế được xếp hạng. Đáng chú ý, trong số 12 trụ cột đánh giá, ở trụ cột "năng lực sáng tạo", Việt Nam đạt mức thấp, chỉ đạt 33 điểm. Nhìn nhận về kết quả trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga (ĐH Kinh tế - Luật, TP.HCM) cho rằng, hoàn toàn không bất ngờ.
Năng lực cạnh tranh VN bị tụt hạng do năng lực sáng tạo thấp. Ảnh: Kinh tế đô thị
Vị PGS phân tích, tại báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu thường niên 2018 có tính đến và dựa trên quan điểm cuộc CMCN lần thứ tư (gọi là Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0: GCI 4.0). Nói thẳng là VN chúng ta chưa sẵn sàng hoặc chậm thay đổi so với đòi hỏi của CMCN 4.0.
"Năng lực sáng tạo chỉ có thể có tại nơi mà tư duy sáng tạo, đổi mới được hoan nghênh và giảng dạy tại các cấp, tại nơi chấp nhận sự khác biệt và tự do tư duy cùng khả năng làm việc nhóm hiệu quả. Mà những thứ đó vẫn còn đang "trống vắng" ở VN", PGS Nguyễn Hồng Nga than thở.
Đặt trong bối cảnh VN đang tích cực thực hiện tái cơ cấu kinh tế tận dụng cuộc cách mạng 4.0, vị PGS cho rằng đang có sự mâu thuẫn, lệch pha quá lớn giữa mục tiêu đẹp và thực thế hiện nay.
Vị PGS nói rõ, việc nền kinh tế tự điều chỉnh để phù hợp với đòi hỏi mới tại giai đoạn mới với thế và lực cùng vô vàn lợi thế của cuộc CMCN hiện nay là hiển nhiên và theo qui tắc của Bàn tay vô hình mà Adam Smith đã nói cách đây gần 250 năm. Quan trọng ở đây là tạo điều kiện về môi trường, về cạnh tranh và về điều chỉnh các động cơ kích thích để người dân, các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tự điều chỉnh nhằm thích nghi và phù hợp với bối cảnh mới.
"Việc đặt mục tiêu là cần thiết nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh và đất nước con người hiện tại. Mục tiêu phải tương xứng với những phương tiện để đạt được mục tiêu này và có những con người để thực hiện những phương tiện đó", PGS Nguyễn Hồng Nga nêu quan điểm.
Cần loại bỏ bệnh thành tích
Tiếp tục phân tích, vị chuyên gia nhấn mạnh, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng nhất để tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Trong đó, 2 trụ cột để phát triển bền vững là Giáo dục và công nghệ. Theo vị PGS, không áp dụng KHCN thì không thể tạo ra sản phẩm mới tốt hơn, nhanh hơn, chất lượng hơn và chi phí thấp hơn, không thể có sản phẩm có lợi thể cạnh tranh qui mô toàn cầu. Và quan trọng hơn, chúng ta không thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để tạo chỗ đứng vững vàng và bền vững cho cả nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, nhìn vào các tiêu chí đánh giá GCI 4.0 (như nguồn nhân lực, mức độ sáng tạo, đổi mới, mức độ kháng cự với các cú sốc bên ngoài và sự nhạy bén, văn hoá doanh nhân, doanh nghiệp có ý tưởng đột phá, sự phối hợp của nhiều bên liên quan, tư duy phản biện, niềm tin của xã hội, ứng dụng CNTT, cơ sở hạ tầng, ổn định kinh tế vĩ mô, quyền tài sản,... )..,thì dễ dàng thấy được sự yếu kém của nền kinh tế VN, trong đó chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô được coi là điểm sáng của VN, nhưng đó chỉ là kết quả của nỗ lực “kiến tạo” các chỉ số vĩ mô.
"Về ngắn hạn thì có tác dụng nhưng dài hạn sẽ gây ra nhiều hệ quả không tốt cho nền kinh tế. Chừng nào chúng ta còn chưa đặt niềm tin thật sự vào thị trường và các tín hiệu của thị trường (bàn tay vô hình) thì nền kinh tế sẽ chưa thể phát huy được sức mạnh và hiệu quả của thị trường, dĩ nhiên cần phải tạo ra một thể chế (luật chơi) hiệu quả với một tinh thần doanh nhân và pháp luật bình đẳng và nghiêm minh, chống độc quyền và lợi ích nhóm…", PGS Nguyễn Hồng Nga phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, điểm yếu nhất của VN hiện nay là giáo dục chưa khuyến khích sự khác biệt, chưa động viên tinh thần khai phá, chưa kích thích sáng tạo và tư duy phản biện xã hội…
Từ cách nhìn nhận trên, PGS Nguyễn Hồng Nga cho rằng, cần loại bỏ căn bệnh thành tích và hô hào thành tích trên mọi khía cạnh của nền kinh tế, nhất là trong giáo dục. Hạn chế khẩu hiệu suông và đi vào thực chất của mọi vấn đề.
Việt Nam tụt hạng năng lực cạnh tranh: Điều không ngạc nhiên |
Đứng từ góc độ quản lý, vị PGS cho rằng, nhà nước cần phải công tâm và hỗ trợ người giỏi thực sự để họ có thể cống hiến tài năng và nghị lực cho nước nhà. Không để hiện tượng con ông cháu cha lấn át người tài và người thẳng thắn dám nói sự thật.
Theo ông, những thứ đang tồn tại chưa chắc đã hợp lý, nhưng những thức hợp lý nhất định phải có chỗ đứng. Vì thế, chỗ đứng hiện nay là tri thức và sự dũng cảm của đội ngũ tri thức, không có chỗ đứng cho những kẻ giả mạo tri thức hay tri thức lưu manh. Không thể áp dụng được những thành quả của cuộc CMCN lần thứ 4 nếu thiếu khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới, kiến thức mới và nhu cầu mới, những khả năng này chỉ tồn tại với những ai có nền tảng tri thức hiện đại, biết các công cụ tư duy, khả năng chuyên môn vững vàng và các kỹ năng hiện đại, trong đó có kỹ năng thuyết trình và nói chuyện hiệu quả.
"Nhà nước phải làm sao tạo ra thể chế và con người để tạo ra niềm tin cho dân chúng và quốc tế.
Hơn nữa, nhà nước cần phải có cách thức kiểm soát bản thân và đội ngũ của mình minh bạch và hiệu quả", PGS. Nguyễn Hồng Nga chỉ rõ.
Lan Vũ
Toàn cảnh năng lực cạnh tranh của 63 tỉnh thành phố
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017, theo đó Quảng Ninh vươn ... |
Máy vi tính, điện thoại,…sẽ được ưu tiên để tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ... |