Mặc dù GDP khả năng không đạt được mục tiêu, nhưng sự phục hồi của nền kinh tế năm 2023 và tăng trưởng của tháng sau luôn cao hơn tháng trước, tạo đà cho sự tăng trưởng cao hơn vào cuối năm, cũng như năm 2024 rất tích cực.
Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2023, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được dự báo sẽ không đạt được mục tiêu 6-6,5%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là tình hình khó khăn chung của thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ. Mức GDP đạt được năm 2023 cũng sẽ là động lực để năm tiếp theo cho kinh tế tăng trưởng tốt hơn.
Vẫn nhiều điểm sáng
Nhìn lại số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê 11 tháng vừa qua cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản đạt được, đặc biệt một số lĩnh vực có kết quả khá tốt. Cụ thể:
Về vốn đầu tư hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước, tính chung 11 tháng năm 2023, ước đạt 549,1 nghìn tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 74,9% và tăng 20,9%). Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của hầu hết các tháng đầu năm 2023 tăng thấp hoặc giảm so với các tháng cùng kỳ năm trước.
Về tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá 11 tháng năm 2023 đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2023 ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước lũy kế 11 tháng năm 2023 đạt 1.502,9 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán năm.
Liên quan đến tình hình đăng ký doanh nghiệp, tính chung 11 tháng năm 2023, cả nước có 201,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 158,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Về đầu tư công, ước giải ngân đến hết tháng 11 năm 2023 đạt khoảng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77% về tỉ lệ và cao hơn khoảng 123 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Một số chuyên gia cho rằng, trong khi kinh tế của nhiều nền kinh tế khác trên thế giới cũng như khu vực tăng trưởng thấp, thì kinh tế Việt Nam vẫn là một trong các điểm sáng.
Nhiều cơ hội cho tăng trưởng
Bình luận về vấn đề này, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty Economica Việt Nam cho biết, 2023 là một năm khó khăn không chỉ đối với kinh tế thế giới mà khó khăn đó còn tác động rất mạnh tới kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của Chính phủ, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những điểm sáng.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định. Đây là điểm rất quan trọng cho toàn bộ nền kinh tế. Chỉ số lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Hệ thống tài chính, ngân hàng đảm bảo sự ổn định. Niềm tin của các doanh nghiệp và các chỉ số cân đối lớn của nền kinh tế như thu – chi ngân sách tiếp tục ổn định. Bội chi ngân sách dưới 4%, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Cán cân vãng lai thanh toán duy trì được thặng dư…. Điều này rất quan trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô, niềm tin của nhà đầu tư, của người tiêu dùng và đây là tiền đề cho tăng trưởng năm 2024.
Điểm sáng tiếp theo đó là sự phục hồi của nền kinh tế, tăng trưởng của tháng sau luôn cao hơn tháng trước, tạo đà cho sự tăng trưởng cao hơn và tốc độ tăng trưởng trong những tháng cuối năm rất tích cực. Đặc biệt, thời gian qua có sự phục hồi của ngành chế biến chế tạo. Hồi đầu năm, mức độ tăng trưởng của kinh tế vĩ mô gây thất vọng, nhưng tháng cuối năm bắt đầu hồi phục, với sự phục hồi của ngành du lịch, dịch vụ.
Các gói hỗ trợ thành công như hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19, đã có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó là đầu tư công, nếu năm nay đẩy lên con số tuyệt đối giải ngân được hơn 700.000 tỷ đồng sẽ có tác động rất lớn, tổng cầu của nền kinh tế bù đắp cho phần đầu tư tư nhân, điều này cũng sẽ có đóng góp quan trọng cho GDP trên 5% trong năm nay.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ khác cũng rất thành công, như gói hỗ trợ cho doanh nghiệp hoãn, giãn tiền thuê đất, giảm thuế cho doanh nghiệp, giảm VAT… Tổng cộng gần 100.000 tỷ đồng, tương đương 6% tổng thu ngân sách năm nay.
Tuy nhiên, có gói hỗ trợ chưa thành công, đó là gói 120.000 tỷ đồng cho vay xây, mua nhà ở xã hội và gói cấp bù lãi suất, gói đó tốc độ giải ngân chậm, không hiệu quả.
Kinh tế vĩ mô còn một số điểm chưa đạt được như mục tiêu. Mức độ tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn (trung bình mỗi tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường). Đầu tư tư nhân vẫn chưa hoàn toàn phục hồi nên khu vực này chưa đóng góp nhiều cho tổng cầu nền kinh tế…. Đây là những vấn đề ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của năm nay.
Liên quan đến đầu tư công, theo TS. Lê Duy Bình, số liệu 11 tháng là 65%, nhưng ông tin rằng từ nay đến cuối năm sẽ đạt 90-95%. Theo lý giải, bởi thời điểm này là giai đoạn chủ đầu tư, nhà thầu… họ tích luỹ khối lượng, hoàn thành hồ sơ để báo cáo. Nếu chỉ dựa vào con số của tháng 10, tháng 11 chưa phản ánh được hết kết quả giải ngân năm nay, chờ đến 31/12 mới có thể biết được số liệu chính xác về đầu tư công.
“Một số yếu tố như số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chúng ta phải nghĩ đến nền kinh tế Việt Nam đang tái cấu trúc, nhưng thời gian tới số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp tục xảy ra. Điều quan trọng là cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để cho doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, vấn đề này cần các cơ quan ban ngành nỗ lực để cải thiện hơn”, TS. Bình nói.
Nhận định về tăng trưởng GDP của Việt Nam thời gian tới, TS. Bình đánh giá, ông tin rằng GDP năm 2024 sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2023. Một số yếu tố là cơ hội cho tăng trưởng như: sự phục hồi kinh tế toàn cầu, khả năng chống chọi của doanh nghiệp cao hơn, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân đối nền kinh tế mạnh mẽ…
“Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, như vậy sẽ giúp cho môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam tốt hơn. Đồng thời, hy vọng đầu tư tư nhân, đầu tư FDI năm 2024 sẽ được đẩy mạnh hơn, sẽ đóng góp rất lớn cho tổng cầu. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu sẽ được cải thiện, từ đó dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ tích cực hơn năm 2023”, TS Bình nhấn mạnh.