Na Uy coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam ở khu vực châu Á

Na Uy coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam ở khu vực châu Á, nhất là trong ASEAN, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN.

Mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Hồng Lam đã trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thưa Đại sứ, xin Đại sứ cho đôi nét đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong thời điểm hiện nay?

Việt Nam và Na Uy có mối quan hệ hữu nghị và truyền thống kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1971. Hiện nay quan hệ 2 nước đạt được sự tin cậy cao, hợp tác đa dạng và ngày càng đi vào thực chất, phù hợp với chiến lược đối ngoại của cả hai nước.

Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước cùng là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Lãnh đạo và quan chức Bộ Ngoại giao hai nước đã thực hiện nhiều cuộc điện đàm, tiếp xúc nhằm tham vấn, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hiệu quả với nhau trong các chủ đề quan trọng của Hội đồng Bảo an LHQ mà 2 bên cùng quan tâm, nhất là về biến đổi khí hậu, bảo vệ trẻ em và phụ nữ ở các khu vực xung đột, hỗ trợ nhân đạo, an ninh và hòa bình khu vực.

Na Uy coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam ở khu vực châu Á - 1
Đại sứ Lê Hồng Lam và ông Tore Hattrem, Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Na Uy phát biểu tại Lễ kỷ niệm76 năm Quốc khánh Việt Nam và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Na Uy.

Na Uy coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam ở khu vực châu Á, nhất là trong ASEAN; đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020 đã duy trì và tăng cường sự gắn kết và thích ứng của ASEAN trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế, góp phần nâng cao vị thế của ASEAN trên các diễn đàn toàn cầu. Việt Nam coi Na Uy là đối tác quan trọng trong triển khai các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển, phát triển năng lượng tái tạo, và đối phó với đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước tiếp tục phát triển tích cực. Trao đổi thương mại giữa hai nước trong 5 năm qua tăng đều bình quân khoảng 10% hàng năm, và năm 2020 đạt khoảng 530 triệu USD theo con số của ta (số của bạn thì cao gấp đôi). Đầu tư trực tiếp và gián tiếp của Na Uy vào Việt Nam được duy trì ổn định theo xu hướng tăng, tổng cộng đạt xấp xỉ 1 tỷ USD. Bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, kim ngạch thương mại hai nước trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 365 triệu USD. Các con số này không lớn, nhưng rất có ý nghĩa khi xét thấy Na Uy ở rất xa chúng ta, không phải thành viên Liên minh châu Âu, có dân số không lớn, có nhiều mặt hàng nước khác cạnh tranh với hàng hóa của ta. Doanh nghiệp hai nước tiếp tục tăng cường tiếp xúc, mở rộng hợp tác đặc biệt trong các lĩnh vực cần thiết và có tiềm năng như kinh tế biển (nuôi trồng thủy sản, hàng hải, dầu khí…) năng lượng sạch, cải thiện môi trường.

Năm 2021 hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971 - 2021). Đại sứ có thể cho biết về các hoạt động được tổ chức nhân dịp kỷ niệm này?

Để chuẩn bị cho sự kiện nhiều ý nghĩa này, ĐSQ đã xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm với nhiều hoạt động đa dạng. Tuy vậy, do tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguồn lực còn eo hẹp, nên chỉ tập trung triển khai được 3 hoạt động lớn, gồm:

Thứ nhất, tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Na Uy với sự tham dự khoảng 150 khách gồm khách mời danh dự nước sở tại, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy. Tại lễ kỷ niệm, Đại sứ quán đã trưng bày các bức ảnh tiêu biểu nhất giới thiệu đất nước, con người và văn hóa đặc sắc của Việt Nam, về chặng đường phát triển quan hệ hai nước thông qua các chuyến thăm cấp cao, các hoạt động hợp tác nổi bật giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư, văn hóa – giáo dục, hợp tác phát triển, hỗ trợ nhân đạo, rà phá bom mìn, ngoại giao nhân dân... được khách mời quan tâm và đánh giá cao.

Thứ hai, trao tặng Thư viện Đại học Tổng hợp Oslo 500 cuốn sách của 234 đầu sách bằng tiếng Anh và tiếng Pháp do Việt Nam phát hành về các lĩnh vực chính trị, lịch sử, văn hóa, triết học, nghệ thuật, văn học… của Việt Nam để bổ sung cho kho sách của Thư viện phục vụ sinh viên của trường và độc giả quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có hoạt động trao tặng sách lớn như vậy cho một cơ sở giáo dục lâu đời và lớn nhất Na Uy.

Na Uy coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam ở khu vực châu Á - 2
Khách tham dự Triển lãm ảnh 50 năm quan hệ Việt Nam- Na Uy.

Thứ ba, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Innovation Norway tổ chức Tọa đàm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Na Uy trong bối cảnh mới. Ngoài việc trao đổi thông tin về chính sách, cơ chế và các biện pháp mà 2 chính phủ có thể thực hiện để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, đây cũng là diễn đàn để giới thiệu và kết nối doanh nghiệp hai nước để xác định tiềm năng và các cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực 2 nước có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Đại sứ có thể cho biết về các hoạt động của Đại sứ quán để xúc tiến mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong những lĩnh vực nhiều tiềm năng như kinh tế biển, thương mại, môi trường, văn hóa, du lịch…?

Nền kinh kế Na Uy có nhiều thế mạnh, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế biển, phát triển bền vững, năng lượng sạch, bảo vệ môi trường. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Na Uy. Tiềm năng cho hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Na Uy và Việt Nam hiện nay còn lớn.

Nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, triển khai chiến lược ngoại giao phục vụ phát triển lấy “người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, thời gian qua ĐSQ đã tổ chức một số hoạt động như Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Na Uy tháng 5/2019, Tọa đàm về thương mại đầu tư Việt Nam - Na Uy tháng 11/2021; hỗ trợ Thương vụ khai trương trang web bằng tiếng Anh để giới thiệu thị trường và đối tác Việt Nam cho các thị trường Bắc Âu; tìm hiểu thông tin về các công ty của Bạn để cung cấp, giới thiệu cho các doanh nghiệp Việt tìm hiểu cơ hội làm ăn, hợp tác tại thị trường Na Uy; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt khi nảy sinh các vướng mắc, tranh chấp trong quan hệ thương mại với bạn...; giới thiệu về trong nước các doanh nghiệp của bạn có thế mạnh công nghệ trong các lĩnh vực Việt Nam đang cần như xử lý nước biển ngăn xâm nhập mặn, công nghệ nuôi trồng thủy sản hiện đại phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhiều bão ở một số vùng biển Việt Nam; hỗ trợ hàng trăm lao động mùa vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Na Uy gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhằm duy trì thị trường lao động ổn định cho bà con nông dân nghèo của ta tăng thu nhập.

Na Uy coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam ở khu vực châu Á - 3
Na Uy coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam ở khu vực châu Á - 4
Hội thảo Tiển vọng và xúc tiến quan hệ thương mại Việt Nam – Na Uy trong bối cảnh mới.

Xin Đại sứ giới thiệu về cộng đồng người Việt Nam ở Na Uy và các hoạt động của bà con người Việt hướng về nguồn cội?

Theo số liệu của cơ quan thống kê Na Uy, năm 2020, cộng đồng người Việt và người gốc Việt tại Na Uy là 23,655 người, là cộng đồng kiều dân Đông Nam Á lớn thứ 2 tại Na Uy (sau người Thái Lan) và là cộng đồng người Việt lớn nhất trong các nước Bắc Âu, sống tập trung ở các thành phố lớn của Na Uy.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý nhập cư của Na Uy, cộng đồng người Việt nói chung đã hội nhập tốt vào xã hội Na Uy, có cuộc sống và việc làm ổn định, trong đó trên 90% có quốc tịch Na Uy. Sống ở xã hội sở tại nhưng cộng đồng có ý thức giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, hàng năm thường tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, gặp mặt cộng đồng nhân các dịp Trung Thu, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Tết Dương lịch, tổ chức dạy tiếng Việt cho con em. Cộng đồng cũng tích cực tham gia các hoạt động do Đại sứ quán chủ trì tổ chức các dịp Quốc khánh, Tết Nguyên đán, khi các đoàn lãnh đạo cấp cao của ta sang thăm Na Uy. Bên cạnh đó, cũng cần thừa nhận một thực tế là vẫn còn một bộ phận bà con còn có những mặc cảm, thành kiến với nhà nước ta, nên ít tham gia hoạt động của Đại sứ quán. Cá biệt còn có một số hoạt động chưa thân thiện, tuy những hoạt động này ngày càng giảm về quy mô và mức độ. Cần có thời gian và nhiều nỗ lực và sự kiên nhẫn của các cơ quan Việt Nam để bà con ta hiểu hơn về chính sách hòa giải và đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy ở xa, đông đảo bà con vẫn thường xuyên hướng về đất nước bằng các hoạt động thiết thực, như tham gia đầu tư kinh doanh nhỏ tại Việt Nam, gửi kiều hối về giúp đỡ gia đình, tham gia các dự án kết nối khoa học kỹ thuật... Các hoạt động thiện nguyện quy mô nhỏ trở thành thường xuyên. Trong 2 năm qua, dù công việc và thu nhập bị ảnh hưởng đáng kể do dịch bệnh, và cũng không có điều kiện về nước, bà con trong Hội Việt kiều Quê hương tại Na Uy đã quyên góp được gần 180 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt năm 2020 và gần 200 triệu đồng gửi đồng bào gặp khó khăn vì dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Những hoạt động ý nghĩa trên đã góp phần tăng cường đoàn kết cộng đồng cũng như sự gắn bó cộng đồng với đất nước, được các cơ quan hữu quan của Việt Nam ghi nhận. Với những đóng góp như vậy, nhiều tập thể và cá nhân kiều bào đã được nhận nhiều hình thức tuyên dương, khen thưởng của các cơ quan trong nước.

Vòng loại U23 châu Á: Triều Tiên rút lui, bảng của U23 Việt Nam xáo trộn Vòng loại U23 châu Á: Triều Tiên rút lui, bảng của U23 Việt Nam xáo trộn
U23 Việt Nam vào bảng dễ tại vòng loại châu Á 2022 U23 Việt Nam vào bảng dễ tại vòng loại châu Á 2022
Thầy Park vào top những HLV xuất sắc nhất châu Á Thầy Park vào top những HLV xuất sắc nhất châu Á

/ vtc.vn