Chính quyền quân sự Myanmar yêu cầu cảnh sát không dùng đạn thật với người biểu tình, sau khi bị quốc tế lên án vì bạo lực chết người.
Thông báo được đưa ra trong chương trình hôm 1/3 của đài phát thanh quân đội Myanmar, một ngày sau khi lực lượng an ninh bắn đạn thật vào người biểu tình ở nhiều tỉnh thành. Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 18 người chết và 30 người bị thương trong "ngày đẫm máu" này.
Quân đội Myanmar cũng cho biết hơn 1.300 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Người biểu tình Myanmar trên đường phố Yangon hôm 1/3. Ảnh: AFP. |
Biểu tình dự kiến tiếp tục diễn ra hôm nay, sau khi tòa án Myanmar công bố thêm hai cáo buộc đối với lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi. Bà Suu Kyi hầu tòa qua video hôm 1/3 và được cho là sẽ tiếp tục bị giam trong thời gian dài.
Việc lực lượng an ninh Myanmar nổ súng vào người biểu tình đã châm ngòi cho phản ứng giận dữ trên trường quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án cái ông gọi là "bạo lực ghê tởm" của lực lượng an ninh Myanmar trong "ngày đẫm máu".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 1/3 tuyên bố cái chết của những người biểu tình Myanmar gần đây cho thấy căng thẳng tại nước này đang leo thang, thêm rằng Mỹ đang chuẩn bị áp đặt thêm các biện pháp với những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính quân sự.
Ngoại trưởng Canada Marc Garneau cho rằng việc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực sát thương đối với người dân là "kinh khủng". Đức và Italy cũng triệu đại sứ Myanmar tại các nước này để phản đối sử dụng bạo lực với người biểu tình và kêu gọi trả tự do cho các lãnh đạo dân sự.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng lên án hành động bạo lực ở Myanmar. Các bộ trưởng châu Âu đồng ý áp dụng biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar, dự kiến được hoàn tất trong những ngày tới và sẽ có hiệu lực sau khi EU công bố chính thức.
Các ngoại trưởng ASEAN hôm nay tổ chức cuộc họp không chính thức để thảo luận về tình hình tại quốc gia thành viên Myanmar, trong đó đại diện từ chính quyền quân sự Myanmar cũng sẽ phát biểu. ASEAN từ lâu thực hiện chính sách không can thiệp công việc nội bộ của các thành viên.
Huyền Lê (Theo Bloomberg)
Đặc phái viên Myanmar vẫn được công nhận tại Liên hợp quốc
Liên hợp quốc và Mỹ vẫn xem Đặc phái viên của Myanmar là đại diện chính thức của quốc gia châu Á tại tổ chức ... |
Bi kịch dân thường trong cuộc biểu tình Myanmar
Khi phong trào bất tuân dân sự bước sang tháng thứ hai, các nhà cầm quyền quân sự thêm cáo buộc chống lại Cố vấn ... |