Trong khi một số nước châu Âu bắt đầu thu mua vật tư y tế Trung Quốc từ cuối tháng 2, Mỹ giờ đây mới tìm cách tiếp cận thị trường.
Mỹ được cho là đang chậm chân hơn so với các đối thủ toàn cầu trong cuộc đua thu mua khẩu trang và vật tư y tế từ Trung Quốc nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, theo những cuộc phỏng vấn cùng các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc.
Các thùng chứa khẩu trang được dỡ từ máy bay của hãng hàng không Air China ở sân bay Athens, Ai Cập, ngày 21/3. Ảnh: AFP. |
Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung trong hệ thống y tế trên khắp nước Mỹ, khiến các bác sĩ và y tá Mỹ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn và khiến điều kiện tại các phòng khám, bệnh viện Mỹ trở nên tồi tệ hơn nhiều so với các nước ở Tây Âu, Đông Á, Canada và Australia.
"Thực tế là những nước khác đang làm tốt hơn chúng ta nhiều", Isaac Larian, nhà sáng lập công ty đồ chơi MGA Entertainment, người đã làm ăn với Trung Quốc hàng chục năm qua và mới bắt đầu làm việc với các nhà sản xuất Trung Quốc để nhập vật tư y tế cung cấp cho những bệnh viện Mỹ từ tháng trước, cho biết.
"Bạn phải hành động thật nhanh và dứt khoát... Mỹ thì lại đang quá chậm", ông nói. Larian cho hay nguồn cung y tế ở Trung Quốc luôn có sẵn cho những ai đủ hiểu biết để tiếp cận chúng.
Nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump, không giống với các nước giàu có khác, đã chờ hàng tháng trước khi phát triển một chiến lược phối hợp, tập trung nhằm thu mua vật tư y tế từ Trung Quốc, nhà sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ hàng đầu thế giới.
Đôi khi, các quan chức chính quyền dường như tập trung lên án việc Mỹ bị phụ thuộc vào Trung Quốc hơn là hành động khẩn cấp để đảm bảo nguồn cung vật tư, trang bị y tế.
Tổng thống Trump, người ban đầu bác bỏ khả năng Mỹ thiếu trang bị y tế, gần đây mới bắt đầu thúc đẩy các nỗ lực nhằm tăng tốc sản xuất cũng như cung cấp vật tư y tế, trong đó có kế hoạch trợ cấp cho những chuyến bay chở hàng y tế từ Trung Quốc về Mỹ.
Chính quyền Trump vài tuần qua yêu cầu một số công ty, bao gồm cả nhà sản xuất khẩu trang 3M, giao hàng đến Mỹ thay vì chuyển cho các nước nhập khẩu khác.
Dù vậy, đến hiện tại, Trump vẫn tiếp tục chỉ thị cho các bang tự thu xếp để có được trang bị y tế, chính sách trái ngược rõ rệt với nhiều quốc gia khác, những nước đã tích cực thúc đẩy sức mua tập trung để nhanh chóng có được hàng từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
Kent Kedl, đối tác tại Thượng Hải của công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Control Risks, người đã làm việc với Trung Quốc từ năm 1988, cho hay chính phủ các nước châu Âu bắt đầu liên hệ với văn phòng của ông từ đầu tháng ba để đặt hàng vật tư y tế.
Kedl chưa nhận được cuộc gọi nào từ giới chức Mỹ. Khi được hỏi liệu người Mỹ đang ở đâu, Kedl trả lời: "Tôi thật sự không biết. Chúng tôi đã nói chuyện với các đầu mối liên lạc Mỹ tại đại sứ quán... và họ bảo rằng \'Không, chúng tôi ổn. Chúng tôi tự lo liệu được\'".
Chính quyền Trump đồng thời còn chậm trễ trong việc làm rõ các quy định về việc khẩu trang nào có thể được nhập khẩu từ Trung Quốc, qua đó làm chậm luồng phân phối vật tư y tế tới các bệnh viện Mỹ và những cơ sở khác trên tuyến đầu chống nCoV.
Mãi tới đầu tháng 4, nhiều tuần sau khi Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyên các bệnh viện thiếu khẩu trang dùng khăn quàng thay thế cho nhân viên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) mới cho phép sử dụng khẩu trang phòng độc KN95 của Trung Quốc.
Trong lúc dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Trump và các quan chức cấp cao chính quyền của ông lại tiếp tục đẩy mạnh chỉ trích Trung Quốc vì cách họ phản ứng với Covid-19, gọi nCoV là "virus Trung Quốc", đồng thời cáo buộc giới chức Trung Quốc che giấu thế giới về nguồn gốc và khả năng lây lan của virus.
Mối quan hệ song phương rạn nứt càng khiến các công ty Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc ký hợp đồng thu mua vật tư y tế từ những nhà sản xuất Trung Quốc, các lãnh đạo doanh nghiệp ở cả Mỹ và Trung Quốc cho hay.
Nhân viên mặt đất tại sân bay quốc tế Los Angeles, Mỹ, bốc dỡ các thùng chứa đồ bảo hộ y tế từ máy bay chở hàng của hãng hàng không China Southern Airlines ngày 10/4. Ảnh: AP. |
"Chúng ta đang bị phản đòn", một nhà nhập khẩu Mỹ có kinh nghiệm làm việc hàng chục năm với các nhà sản xuất Trung Quốc, nhận định. "Người Trung Quốc, đặc biệt là chính phủ của họ, không chấp nhận sự thiếu tôn trọng... Một số người ở Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc vì tình trạng thiếu hụt vật tư y tế. Tôi nghĩ chúng ta nên tự soi mình trong gương".
"Mọi việc sẽ hiệu quả và trôi chảy hơn nhiều nếu chính phủ hai bên có mối quan hệ tốt hơn", Li Lu, nhà đầu tư người Mỹ gốc Hoa ở Seattle cung cấp hàng triệu khẩu trang, tấm chắn và áo bảo hộ cho các bệnh viện ở Trung Quốc và Mỹ, nói.
Sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 đã gây quá tải hệ thống y tế ở một số quốc gia giàu có nhất thế giới như Anh và Italy.
Tình trạng thiếu hụt đặc biệt nghiêm trọng trên toàn cầu vào hai tháng đầu năm nay, khi dịch bệnh đạt đỉnh ở Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải đóng cửa các nhà máy sản xuất khẩu trang và những trang thiết bị y tế khác.
Khi các nhà sản xuất Trung Quốc hoạt động mạnh trở lại vào cuối tháng hai và đầu tháng ba, rất nhiều quốc gia giàu có đã nhanh chóng xếp hàng đặt mua. Đức, giống như Mỹ, có hệ thống y tế tư nhân chiếm đa số và cũng trao cho các bang trách nhiệm chính ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, khác với Mỹ, chính quyền liên bang Đức vẫn nhanh chóng tìm cách thu mua vật tư y tế từ Trung Quốc.
Kể từ cuối tháng hai đến nay, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nỗ lực để mua số lượng lớn vật tư y tế cho các quốc gia thành viên.
Mỹ ghi nhận thêm gần 2.500 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua
Mỹ hiện có 936.293 ca được xác nhận lây nhiễm và 53.511 người đã tử vong, là nước bị tác động mạnh nhất bởi đại ... |
NASA chế tạo thành công máy thở trong 37 ngày
Mẫu máy thở dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 của NASA có nhiều ưu điểm so với máy thở truyền thống như sản xuất nhanh, ... |
Covid-19 có thể đã âm thầm tấn công Mỹ từ lâu
Một căn bệnh bí ẩn khiến gần 30 nhân viên chăm sóc khách hàng ở Chicago đồng loạt xuất hiện triệu chứng ho khan và sốt ... |