Mỹ tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp vì đậu mùa khỉ

Bộ trưởng Y tế Mỹ ngày 4/8 (giờ địa phương) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng” nhằm giúp huy động nhiều nguồn lực để phòng chống căn bệnh này.

64WBJZA7NJMAFES6N74JBOMC5A-1659657323410
Một điểm xét nghiệm đậu mùa khỉ ở New York, Mỹ. Ảnh Reuters.

Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Xavier Becerra cho biết, Bộ này “đã chuẩn bị phương án ứng phó theo nhiều cấp độ nhằm giải quyết virus đậu mùa khỉ” và kêu gọi người dân nên cảnh giác với bệnh này.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Rochelle Walensky cho biết, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp tăng cường các nguồn dữ liệu về các ca nhiễm đậu mùa khỉ để nâng hiệu quả ứng phó.

Mỹ ghi nhận 6.600 ca nhiễm đậu mùa khỉ trong ngày 3/8, mức cao nhất từ trước đến nay.

Vốn xuất phát và lưu hành ở châu Phi, căn bệnh này đã bất ngờ lây lan rộng tại châu Âu và sau đó là Mỹ cũng như nhiều nước khác trên thế giới trong năm nay. Hiện vaccine và liệu pháp điều trị căn bệnh này còn hạn chế.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng trước tuyên bố bệnh đậu mùa ở khỉ là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan ngại”, mức báo động cao nhất. Nhiều chính phủ trên thế giới đang triển khai một số loại vaccine và phương pháp điều trị vốn dành cho bệnh đậu mùa nhưng cũng có tác dụng đối với bệnh đậu mùa khỉ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng này đã bổ nhiệm hai quan chức liên bang để điều phối phản ứng đối với bệnh đậu mùa khỉ, sau khi các bang California, Illinois và New York tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Lần đầu tiên được xác định trên loài khỉ vào năm 1958, căn bệnh này có các triệu chứng nhẹ bao gồm sốt, đau nhức và tổn thương da và người nhiễm có xu hướng khỏi bệnh trong vòng hai đến bốn tuần, WHO cho biết. Bệnh lây lan qua tiếp xúc cơ thể và hiếm khi gây tử vong.

Duy Tiến / CAND