Mỹ từ chối quay lại Hiệp ước Bầu trời Mở với Nga

Chính quyền Biden thông báo không trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở được ký với Nga, khiến hai nước chỉ còn một thỏa thuận kiểm soát vũ khí.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman hôm 27/5 thông báo cho người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov về quyết định không tham gia lại Hiệp ước Bầu trời Mở, dù Tổng thống Joe Biden từng chỉ trích hành động rút khỏi thỏa thuận này của người tiền nhiệm Donald Trump là "thiển cận".

"Mỹ thấy tiếc vì hiệp ước đã bị những hành động vi phạm của Nga phá hoại. Sau khi kết thúc giai đoạn đánh giá lại thỏa thuận, chúng tôi không có ý định quay trở lại do Nga không tuân thủ những điều khoản hiệp ước. Ngoài ra, hành vi của Nga, trong đó có các hoạt động gần đây liên quan đến Ukraine, cũng không giống một đối tác đang tìm cách xây dựng lòng tin", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn.

Mỹ từ chối quay lại Hiệp ước Bầu trời Mở với Nga
Trinh sát cơ OC-135B Mỹ chuyên thực hiện các chuyến bay trong hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh: Flickr/Backa Eriksson.

Động thái này khiến Mỹ và Nga chỉ còn một thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START). Thông báo được đưa ra chưa đầy một tháng trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thụy Sĩ.

Hiệp ước Bầu trời Mở được ký năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép gần 30 quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay giám sát được báo trước qua lãnh thổ của nhau để theo dõi các hoạt động quân sự tiềm tàng.

Quốc gia được giám sát sẽ nhận thông báo trước chuyến bay 72 giờ, đường bay sẽ được gửi tới trước 24 giờ để nước này đề xuất sửa đổi. Hiệp ước cho phép các thành viên yêu cầu bản sao hình ảnh được chụp trong chuyến bay giám sát do nước khác thực hiện.

Nga và Mỹ từ lâu cáo buộc nhau vi phạm điều khoản của hiệp ước.

Bầu trời Mở là một trong những hiệp ước lớn mà Mỹ rút khỏi dưới thời Trump. Cựu tổng thống Mỹ cũng rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, làm leo thang căng thẳng giữa Moskva và Washington, vốn đã xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Biden khi nhậm chức tuyên bố sẽ có quan điểm cứng rắn hơn với Nga, song tỏ ra cởi mở hơn với các hiệp ước quốc tế sau khi Trump từ bỏ một loạt thỏa thuận đa phương. Vài ngày sau khi nhậm chức, Biden gia hạn New START thêm 5 năm. Hiệp ước này được Mỹ và Nga ký tháng 4/2010, giới hạn số đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu của hai nước.

Vũ Anh (Theo AP)

Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Nga tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vì các thành viên còn lại của thỏa thuận không cam kết ngừng chia sẻ ...

Nga dọa đáp trả vụ Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở Nga dọa đáp trả vụ Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Nga đề cao tinh thần thiện chí của châu Âu trong Hiệp ước Bầu trời mở, cảnh báo đáp trả cứng rắn sau khi Mỹ ...

/ vnexpress.net