Mỹ - Trung nhượng bộ trước vòng đàm phán mới

Mỹ hoãn nâng thuế hàng Trung Quốc sau khi Bắc Kinh miễn thuế nhập khẩu với nhiều hàng hóa nước này trước thềm các cuộc thảo luận tại Washington.  

Hôm qua, Bộ Tài chính Trung Quốc công bố miễn thuế nhập khẩu với 16 loại sản phẩm của Mỹ, trong đó có một số thuốc chống ung thư, dầu nhờn, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khen ngợi việc này. "Họ có một số động thái rất tốt", Trump cho biết tại Nhà Trắng hôm qua. Ông nhận xét miễn thuế là "một động thái lớn" và là điều tích cực trước khi đoàn đàm phán hai nước gặp nhau tại Washington.

Để bày tỏ "sự thiện chí", Trump hôm qua cho biết trên Twitter rằng ông sẽ lùi ngày nâng thuế với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc, từ 1/10 theo kế hoạch sang 15/10. Theo thông báo trước đó, thuế này sẽ được nâng từ 25% lên 30%. Ông cũng bày tỏ kỳ vọng đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc: "Tôi hy vọng chúng tôi có thể làm điều gì đó".

Các nhà đàm phán cấp thứ trưởng hai nước dự kiến gặp nhau tại Washington giữa tháng 9. Các cuộc nói chuyện cấp bộ trưởng sẽ diễn ra vào tháng 10. Dù vậy, thời điểm chính xác vẫn chưa được công bố.

Động thái nhượng bộ của hai bên có thể hạ nhiệt căng thẳng trước đàm phán. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích không coi đây là tín hiệu hai bên đã sẵn sàng cho một thỏa thuận.

Đoàn đàm phán của Mỹ và Trung Quốc hồi tháng 7. Ảnh: AFP

"Việc miễn thuế có thể coi là động thái thể hiện sự chân thành với Mỹ trước cuộc đàm phán tháng 10, nhưng nó có lẽ nhằm kích thích kinh tế nhiều hơn", Iris Pang – nhà phân tích tại ING nhận định, "Việc đàm phán vẫn còn rất nhiều khúc mắc. Miễn thuế với 16 sản phẩm sẽ không thay đổi lập trường của Trung Quốc đâu".

Từ tháng 5, Bắc Kinh đã cho biết sẽ miễn thuế cho nhiều mặt hàng, trong bối cảnh giới chuyên gia lo ngại cuộc chiến thương mại kéo dài càng kéo tụt nền kinh tế vốn đang giảm tốc. Trên thực tế, con số 16 khá nhỏ so với hơn 5.000 hàng hóa Mỹ hiện chịu thuế nhập khẩu bổ sung của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang Trung Quốc, như đậu tương hay thịt lợn vẫn đang gánh mức thuế rất cao. Bắc Kinh hiện tăng nhập khẩu từ Brazil và các nước khác để bù lại sự thiếu hụt này. Giới phân tích cho rằng với việc áp thuế lên xe hơi và đậu tương Mỹ, Trung Quốc muốn nhắm vào lực lượng cử tri ở các vùng ủng hộ Trump trong bối cảnh kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu mất đà.

Trung Quốc đến nay vẫn khẳng định sẽ miễn thuế một số hàng hóa của Mỹ nếu không dễ tìm được nguồn cung thay thế. Mỹ hiện là nước cung cấp whey lớn nhất cho Trung Quốc. Đây là nguyên liệu quan trọng trong chăn nuôi lợn.

Đến nay, qua nhiều vòng áp thuế suốt hơn một năm, Mỹ và Trung Quốc đã đánh thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, làm dấy lên lo ngại suy thoái toàn cầu. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dự kiến gặp nhau đầu tháng 10 tại Washington. Dù vậy, quan chức cấp cao hai nước đều không kỳ vọng sẽ đạt đồng thuận lớn.

Gần hai năm qua, chính quyền Trump liên tục gây sức ép lên Trung Quốc, nhằm buộc nước này thay đổi chính sách về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trợ cấp các ngành công nghiệp và khả năng tiếp cận thị trường. Đầu năm nay, hai bên từng gần đi đến thỏa thuận. Sau đó, việc đàm phán đổ bể khi giới chức Mỹ cáo buộc Bắc Kinh muốn thay đổi cam kết do lưỡng lự trước việc sửa luật.

SCMP tuần này trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Trung Quốc có thể tăng mua nông sản Mỹ để đạt thỏa thuận tốt hơn với Washington. Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro cũng thúc giục các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân kiên nhẫn trong khi hai nước giải quyết tranh chấp thương mại. Một khảo sát công bố hôm qua của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho biết doanh nghiệp Mỹ ngày càng ngại đổ tiền vào nền kinh tế lớn nhì thế giới.

Hà Thu (theo Reuters)

Cố vấn Nhà Trắng kêu gọi kiên nhẫn trước các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Vì sao thương chiến Mỹ - Trung vẫn kéo dài?
Bốn bất đồng của Mỹ - Trung trên bàn đàm phán
Xung đột Mỹ - Trung cần nhiều năm để giải quyết
Thương chiến Mỹ - Trung: Ai sẽ xuống nước?
/ vnexpress.net