Không dễ để các nước Đông Nam Á xử lý mối quan hệ với các cường quốc trong bối cảnh Mỹ - Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, chi phối ảnh hưởng kinh tế ở khu vực.
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiếp diễn và sẽ khó có hồi kết bởi tham vọng của cả Washington và Bắc Kinh là rất rõ ràng, muốn trở thành siêu cường chi phối chính trị, kinh tế… trên phạm vi toàn cầu. Không khu vực nào trên thế giới có nguy cơ hứng chịu nhiều hậu quả từ sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hơn Đông Nam Á.
Các nước ở khu vực đang ở thế khó, bị mắc kẹt trong cuộc chiến giành giật vị thế giữa Mỹ và Trung Quốc. Để giải bài toán này không dễ bởi Washington đã tạo được ảnh hưởng rõ rệt về quân sự ở khu vực, trong khi loạt nước ở Đông Nam Á đang chịu sự chi phối, thậm chí là lệ thuộc vào kinh tế của Bắc Kinh.
Đông Nam Á mắc kẹt
Giai đoạn đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden cho thấy quan điểm đối ngoại rõ ràng của Mỹ. Theo đó, chính quyền ông nhấn mạnh phương châm “Nước Mỹ trở lại”, tiếp tục chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mà người tiền nhiệm Donald Trump đã vạch ra, song sẽ hợp tác chặt chẽ với đồng minh, đối tác để thực hiện các mục tiêu, tham vọng của Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt, giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. |
Chính quyền Biden cho rằng, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên chiến lược của Mỹ trong thời kỳ này. Trong “Chỉ dẫn về chiến lược an ninh quốc gia tạm thời” hồi tháng 3, Mỹ cũng cam kết dành rất nhiều ưu tiên đối với khu vực này. Gần đây, liên tục có các chuyến thăm của quan chức chính quyền Biden đến Đông Nam Á. Điều đó cho thấy, Đông Nam Á có vai trò, vị trí quan trong trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.
Thời gian qua, Mỹ dường như “lép vế” trong cạnh tranh ảnh hưởng về kinh tế ở Đông Nam Á so với Trung Quốc khi quá chú trọng đến cơ chế hợp tác về an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên, với tham vọng gây ảnh hưởng lớn mạnh ở khu vực, trong đó coi ASEAN là nhân tố trung tâm thì chính quyền Biden sẽ phải tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu kinh tế nhằm đối phó với sự chi phối, lấn át của Bắc Kinh ở khu vực.
Washington có lợi thế rất lớn ở Đông Nam Á do có quan hệ đồng minh với Philippines, Thái Lan, trong khi có quan hệ hợp tác quốc phòng, kinh tế gắn kết chặt chẽ với Singapore, Indonesia... Đặc biệt, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia khi mà Trung Quốc có những hành động quyết đoán, gia tăng gây hấn ở Biển Đông thời gian qua.
Các quốc gia cần sự hiện diện của Washington ở khu vực, bởi ngoài việc là đối trọng, ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh thì Mỹ còn là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN - thương mại hai chiều giữa Mỹ và ASEAN đạt 307,69 tỷ USD năm 2020. Chưa hết, Washington còn là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào ASEAN với 338 tỷ USD, vượt tổng số vào Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Trong khi đó, các quốc gia ASEAN cũng đầu tư hơn 24,9 tỷ USD vào Mỹ.
Với lợi thế có sẵn, Mỹ sẽ không ngồi yên để Trung Quốc bành trướng, chiếm ưu thế vượt trội trong việc gây ảnh hưởng ở khu vực. Giới phân tích nhận định, hợp tác kinh tế, thương mại được cho là cách “tự nhiên nhất” để Mỹ can dự sâu hơn vào Đông Nam Á. Chắc chắn, với việc tiếp nối chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bên cạnh tăng cường can dự quân sự, Washington sẽ chú trọng đẩy mạnh cơ chế hợp tác cả ở song phương và đa phương, đồng thời đưa ra các sáng kiến kinh tế mới với khu vực.
Trong cuộc đua tranh về gây ảnh hưởng đối với Đông Nam Á, Trung Quốc tỏ ra vượt trội Mỹ ở khía cạnh kinh tế khi nhiều nước trong khu vực chịu sự chi phối, thậm chí là lệ thuộc vào Bắc Kinh. Sự lấn át của Trung Quốc ở khu vực trước Mỹ là điều dễ hiểu bởi nước này có tham vọng rõ ràng, và mạnh tay “bơm tiền” vào các nước vốn đang “khát vốn”, trong khi Washington hợp tác mang tính “cầm chừng” với cơ chế lỏng lẻo, nhiều tiêu chí khắt khe.
Sự gần gũi về vị trí địa lý, cùng với quyết tâm không để khu vực láng giềng rơi vào tay Mỹ, Trung Quốc đã đưa ra loạt sáng kiến, cơ chế hợp tác kinh tế với Đông Nam Á. Trong đó, sáng kiến “Vành đai, Con đường” - BRI, mà Trung Quốc khởi xướng năm 2013 được ví là “siêu dự án" cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD. Sự ra đời của BRI đánh đúng vào nhu cầu phát triển của nhiều nước Đông Nam Á vốn cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu.
Với chiêu bài cho vay các khoản vốn ưu đãi để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dòng vốn của Trung Quốc đã ngấm vào huyết mạch dự án trọng điểm, nền kinh tế của loạt quốc gia Đông Nam Á. Các nước đã không lường trước được tham vọng sâu xa của Trung Quốc từ những khoản đầu tư tưởng chừng hào phóng của nước này. Thông qua sáng kiến BRI, Bắc Kinh đã giăng lưới đưa các nước vào “bẫy nợ”, trói chặt sự lệ thuộc kinh tế của nhiều nước vào mình, từ đó tác động, chi phối các vấn đề chính trị.
Những con số biết nói đã cho thấy tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Đông Nam Á lớn đến chừng nào. Trong 12 năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, riêng năm 2020, thương mại song phương đạt 685,28 tỷ USD (gấp đôi nước đứng ở vị thứ 2 là Mỹ). Hơn nữa, theo ước tính, trong giai đoạn 2016 - 2030, các nước Đông Nam Á sẽ cần 2.759 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là con số rất lớn, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế còn hạn chế.
Trung Quốc đang cho thấy sự vượt trội Mỹ về ảnh hưởng kinh tế ở Đông Nam Á. |
Chính sự lệ thuộc vào đồng tiền của Bắc Kinh khiến cho nhiều nước không thể cư xử “đàng hoàng”. Khi đã nhận tiền từ Trung Quốc, các nước khó có thể lớn tiếng chỉ trích thẳng thừng Bắc Kinh nếu này có các hành xử ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế ở khu vực, thậm chí nhiều nước còn có quan điểm “mang ơn” đối với Bắc Kinh.
Điều này đã được chứng minh trên thực tế, nhiều tuyên bố chung của ASEAN có liên quan đến Trung Quốc không được thông qua do có sự “giật dây” từ Bắc Kinh. Cơ chế đồng thuận của ASEAN được xem là kẽ hở để Trung Quốc khai thác. Bởi theo theo cơ chế này, ASEAN sẽ không thông qua được các chủ trương, quyết sách chung nếu một nước thành viên phản đối.
Hành xử thế nào?
Tham vọng của Mỹ và Trung Quốc là rất rõ ràng, muốn gia tăng ảnh hưởng, đóng vai trò chi phối, dẫn dắt trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Thời gian tới, cạnh tranh giữa hai quốc gia này từ ngoại giao, kinh tế tới an ninh, chính trị,... sẽ trở nên gay gắt hơn. Và, khu vực Đông Nam Á đang dần trở thành “vũ đài” mới và là “điểm nóng” của cuộc chiến giữa Washington và Bắc Kinh.
Đứng trước bài toán đó, câu hỏi đặt ra là các nước Đông Nam Á phải hành xử thế nào, vừa giữ được vị thế trung tâm của ASEAN trong cấu trúc ở khu vực, vừa đảm bảo hài hòa về lợi ích trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Dù không dễ trả lời, song đó là thực tại mà các nước trong khu vực phải tìm cách giải quyết cả ở khía cạnh song phương cũng như trên cả phương diện đa phương.
Trước hết, cần nhận thức rằng, Mỹ và Trung Quốc có cạnh tranh gay gắt với các cường độ khác nhau nhằm gia tăng ảnh hưởng, tìm cách chi phối Đông Nam Á thì nhu cầu đối thoại, hợp tác giữa các nước này đối với cơ chế đa phương trong khu vực như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng ADMM+, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á, các diễn đàn hội tụ các đối tác lớn ở khu vực, bàn về an ninh, khu vực… vẫn tồn tại.
ASEAN hiện có vai trò qua trọng trong quan hệ quốc tế, có quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. ASEAN được xem là nhân tố kết nối các đối tác với nhau, tạo ra các diễn đàn, tiến trình hợp tác khu vực. Do đó, ASEAN cần thể hiện vị thế cầu nối, liên kết hợp tác, đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như các đối tác khác về những vấn đề cùng quan tâm, trên cơ sở coi trọng, dựa trên luật pháp quốc tế.
Các quốc gia Đông Nam Á đang bị "mắc kẹt" trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. |
Một khi Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh, gia tăng ảnh hưởng ở khu vực thì vị thế, vai trò của ASEAN sẽ càng được đề cao, bởi vì khi đó khối này sẽ giữ vị trí trung tâm, trung hòa các mâu thuẫn, khác biệt ở khu vực. Cả Washington và Bắc Kinh cũng muốn thông qua cơ chế này để tăng cường hợp tác, can dự sâu hơn vào Đông Nam Á.
ASEAN cần giữ vững lập trường rõ ràng trước sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, ASEAN cần duy trì quan điểm nhất quán, muốn khu vực này ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển. ASEAN muốn thúc đẩy quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc cũng như các nước lớn, các trung tâm trên thế giới và không muốn chọn bên, cũng như muốn tránh vào bẫy chọn bên.
Để thể hiện lập trường của mình, ASEAN sẽ phải vừa hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc song sẵn sàng lên tiếng, bày tỏ quan điểm “đúng”, “sai” trong các vấn đề liên quan, có tác động đến khu vực. ASEAN cần nhấn mạnh, các nước có thể cạnh tranh nhưng cạnh tranh đó không được tác động, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Bên cạnh đó, để tránh phụ thuộc về kinh tế, bị chi phối về chính trị, an ninh - quốc phòng từ Mỹ và Trung Quốc, các nước Đông Nam Á cần làm nhiều hơn, đẩy mạnh hợp tác các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ… cùng chia sẻ về cả sự thịnh vượng và an ninh trong khu vực.
Đối với các quốc gia trong khu vực, ứng xử linh hoạt, khéo léo trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc được xem là đòn bẩy giúp các nước thích ứng với môi trường, cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc này. Điều đó sẽ giúp các nước điều tiết trong quan hệ Mỹ - Trung, không bị rơi vào thế phải chọn bên, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia.
KÔNG ANH
Mỹ - Trung Quốc xem xét hạ nhiệt căng thẳng thương mại |
Quan chức Mỹ - Trung nối lại đối thoại sau đổ vỡ Alaska |
Viễn cảnh quan hệ Mỹ - Trung sau khi giám đốc Huawei được thả |