Video do quân đội Mỹ công bố cho thấy nhóm người trên tàu Iran đang cố gỡ một quả thủy lôi chưa phát nổ khỏi thân tàu Kokura Courageous.
Trong khi chiếc xuồng chạy song song với tàu chở dầu, một người trên xuồng tìm cách gỡ một vật thể ra khỏi thân tàu Kokura Courageous. Quân đội Mỹ cho rằng vật thể này là một quả thủy lôi chưa phát nổ, được gắn vào vỏ thép của tàu dầu bằng nam châm.
Các quan chức quốc phòng Mỹ trước đó cáo buộc hải quân Iran đã tìm cách "phi tang" chứng cứ về vụ tấn công bằng cách tháo thủy lôi chưa phát nổ khỏi thân tàu dầu, ngay cả khi tàu khu trục, máy bay không người lái và máy bay tuần thám P-8 của Mỹ tới hiện trường. Iran đã bác bỏ các cáo buộc này, nói rằng những vụ tấn công rất "đáng ngờ" vì chúng liên quan đến tàu dầu của Nhật, trong khi Thủ tướng Nhật đang có chuyến thăm đến Tehran.
Tàu Front Altair bốc cháy bên mạn phải sau khi bị tấn công. Ảnh: AP. |
Hiệp hội Các chủ tàu dầu Độc lập Quốc tế (Intertanko) cho biết hai vụ tấn công trên Vịnh Oman "được lên kế hoạch và phối hợp thực hiện kỹ càng", hai con tàu bị đánh trúng ở ngang hoặc dưới mớn nước, rất gần với phòng máy.
Tàu chở dầu Kokura Courageous treo cờ Panama, thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản và tàu Front Altair mang cờ Quần đảo Marshall, thuộc sở hữu của công ty Frontline, Na Uy bị tấn công bằng thiết bị nổ ngoài khơi Vịnh Oman ngày 13/6. Toàn bộ các thủy thủ trên hai tàu đã được giải cứu an toàn, trong khi hai con tàu đang trôi dạt trên biển.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án hai vụ tấn công, trong khi Anh và Arab Saudi đều đồng tình với nhận định của Mỹ rằng Iran đã thực hiện kế hoạch này nhằm cản trở tự do hàng hải trên Vịnh Oman. Tehran gọi đây là "cáo buộc vô lý" và lên án mạnh mẽ vụ tấn công.
Nga cho rằng không nên sử dụng vụ tấn công làm lý do để gia tăng áp lực với Iran. "Chúng tôi phản đối hành động vội vàng kết luận và đổ lỗi cho những nước chúng ta không ưa", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay.
Vụ tấn công nhiều khả năng sẽ làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Iran và có thể khiến Washington áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề hơn với Tehran, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột bất ngờ trong khu vực. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao Mỹ đến nay vẫn khẳng định họ không muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh quy mô lớn với Iran.
Vị trí hai tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman hôm 13/6. Đồ họa: CNN. |
Huyền Lê (Theo CNN)
Mỹ có 'bằng chứng' Iran gỡ thủy lôi từ tàu dầu ở Vịnh Oman
Mỹ đang giữ video và hình ảnh cho thấy một tàu hải quân Iran gỡ thủy lôi chưa phát nổ từ tàu dầu Kokura Courageous ... |