Một thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi Washington lên kế hoạch phá hủy các cơ sở quân sự của Trung Quốc ở biển Đông
Hải quân Mỹ đã lên tiếng bác bỏ nhận định rằng những chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở biển Đông không hiệu quả giữa lúc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp ở đó.
Tăng cường tuần tra
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore cuối tuần rồi, Chuẩn Đô đốc Donald Gabrielson, Tư lệnh Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, gọi FONOP là chiến lược lâu dài nhằm cho Trung Quốc thấy những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông không được cộng đồng quốc tế công nhận. Theo ông Gabrielson, FONOP không nhằm khiêu khích quân sự hoặc định hình chính sách trong ngắn hạn. Thay vào đó, chúng thể hiện sự phản đối các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông.
Trang Defense News hôm 4-6 cho biết phát biểu trên được đưa giữa lúc có thông tin Mỹ đang cân nhắc tăng cường tuần tra ở biển Đông. Bước đi mới này gồm những chiến dịch FONOP kéo dài và quy mô hơn hoặc giám sát chặt chẽ hơn các tiền đồn phi pháp của Trung Quốc ở khu vực. Ngoài ra, giới chức Mỹ còn thúc đẩy các đồng minh và đối tác tăng cường triển khai hải quân tại biển Đông.
Tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam là 1 trong 2 tàu chiến Mỹ tham gia chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông hôm 27-5 Ảnh: AP
Trong diễn biến cho thấy Mỹ không chỉ nói suông, 2 máy bay ném bom B-52 đã bay cách quần đảo Trường Sa ở biển Đông khoảng 32 km hôm 4-6, theo tiết lộ của một quan chức quốc phòng Mỹ với đài CNN. Người phát ngôn Lầu Năm Góc không đề cập thông tin này mà chỉ cho biết 2 máy bay trên tham gia sứ mệnh huấn luyện thường lệ. Động thái này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích Trung Quốc có hành vi "dọa nạt và ép buộc" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và khẳng định Washington không có ý định rời đi.
Bắc Kinh khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khi cho xây dựng cơ sở quân sự trên một số đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và triển khai tên lửa đất đối không, chống hạm và thiết bị gây nhiễu điện tử. Đáng lo hơn, theo tiết lộ của tờ South China Morning Post, Trung Quốc đã sẵn sàng xây dựng một hệ thống radar cực mạnh ở biển Đông, có thể sử dụng để làm gián đoạn hoạt động thông tin liên lạc, can thiệp thời tiết và thậm chí gây ra thiên tai như bão, động đất, sóng thần… Cỗ máy này dự kiến đặt tại TP Tam Á ở tỉnh Hải Nam, có phạm vi hoạt động đến tận Singapore cách đó 2.000 km. Một khi hoàn thành, đây sẽ là radar mạnh nhất ở biển Đông và có thể phục vụ mục đích quân sự, như cải thiện khả năng tác chiến của tàu ngầm và làm gián đoạn mạng thông tin liên lạc của những nước khác.
Sức ép lên Washington
Việc Trung Quốc nắm được khả năng như thế chắc chắn là thách thức không nhỏ đối với bất kỳ ý định tăng cường hiện diện quân sự nào của Mỹ ở biển Đông. Vì thế, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đối mặt sức ép ngày càng lớn về việc phải cứng rắn hơn nữa để kiềm chế Trung Quốc. Theo trang The Washington Free Beacon, 3 thượng nghị sĩ Marco Rubio, Cory Gardner và Ed Markey vừa gửi thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, trong đó đánh giá phản ứng của Washington trước những gì Trung Quốc đang làm ở biển Đông là chưa tương xứng.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Washington Examiner cuối tháng rồi, ông Rubio cho rằng giới chức Mỹ cần lên kế hoạch phá hủy các cơ sở quân sự của Trung Quốc ở biển Đông để ngăn nước này thống trị một trong những tuyến giao thương quan trọng nhất thế giới. Thượng nghị sĩ này tin rằng Trung Quốc đang theo đuổi một "chiến lược tiệm tiến" mà nếu không được kiểm soát, nó sẽ buộc các nhà lãnh đạo Mỹ phải lựa chọn giữa một cuộc chiến hủy diệt và một thất bại không đổ máu.
Hồi tháng 4, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ cũng trình dự luật kêu gọi tàu chiến và máy bay quân sự nước này tăng cường hoạt động ở biển Đông, trong lúc thúc đẩy chuyển giao vũ khí và hợp tác quốc phòng tại khu vực. Trước đó một tháng, một dự luật khác được đưa ra tại Thượng viện Mỹ, theo đó áp đặt trừng phạt những quan chức, tổ chức Trung Quốc nào liên quan đến hành vi sai trái ở biển Đông và Hoa Đông.
HOÀNG PHƯƠNG