Ủy ban đối ngoại của Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong để đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội.
Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong 2019 được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua trong cuộc bỏ phiếu hôm 25/9, Jeff Sagnip, giám đốc chính sách cho Chris Smith, nghị sĩ đảng Cộng hòa giới thiệu dự luật ra Hạ viện, cho biết. Dự luật cũng được thượng nghị sĩ Marco Rubio trình ra Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và cũng được thông qua ngay sau đó.
Dự luật được đưa ra nhằm ủng hộ các quyền tự do dân chủ ở Hong Kong bằng cách gây áp lực với nhà chức trách Trung Quốc. Sau khi được hai ủy ban thông qua, dự luật sẽ được bỏ phiếu tại lưỡng viện trong thời gian tới.
"Việc được thông qua ở hai ủy ban là bước tiến lớn", Sagnip nói, thêm rằng cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện có thể diễn ra vào giữa tháng 10.
Nghị sĩ Chris Smith (trái) nói về Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong tại Hạ viện hôm 14/9, bên cạnh ông là thủ lĩnh phong trào "ô dù" Hong Kong Joshua Wong. Ảnh: SCMP. |
Dự luật này nhằm sửa đổi Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992, trong đó duy trì tình trạng thương mại đặc biệt của Hong Kong sau khi Anh trao trả thành phố này cho Trung Quốc năm 1997. Dự luật mới có bước tiến xa hơn khi yêu cầu Mỹ trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị coi là "phá hoại các quyền tự do cơ bản ở Hong Kong".
Smith cho biết dự luật từng được đề xuất nhiều lần trước đây nhưng đều bị các nhà ngoại giao, chuyên gia, chủ tịch hai ủy ban và Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong phản đối. "Tuy nhiên lần này thì khác. Tình hình ở Hong Kong đã thay đổi", ông nói.
Theo Smith, quốc hội Mỹ đang phát đi một thông điệp nhấn mạnh Bắc Kinh cần thực hiện cam kết với thế giới và người dân Hong Kong trong Tuyên bố chung Trung - Anh. Tuyên bố chung được hai nước ký vào năm 1984 bảo đảm rằng Hong Kong sẽ duy trì quyền tự trị cao trong 50 năm sau khi được bàn giao.
Vài giờ trước khi hai ủy ban đối ngoại quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng hiệp định năm 1984 không nên được sử dụng như một cái cớ để can thiệp vào các vấn đề của thành phố.
"Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và ngừng đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm", ông Cảnh nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 25/9.
Hong Kong đã chứng kiến các cuộc biểu tình khiến trung tâm tài chính châu Á rơi vào khủng hoảng suốt 16 tuần qua. Người biểu tình xuống đường phản đối dự luật dẫn độ cho phép Hong Kong đưa nghi phạm sang xét xử tại các khu vực tài phán mà thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Trưởng đặc khu Carrie Lam đã tuyên bố rút hoàn toàn dự luật, song người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường để yêu cầu chính quyền thành phố thực hiện 4 yêu sách còn lại.
Hàng nghìn người biểu tình hôm 8/9 tập trung trước lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong để kêu gọi chính phủ Mỹ thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong. Nếu được thông qua, đạo luật có thể ảnh hưởng đến chiến lược của Bắc Kinh đối với Hong Kong. Nếu tình trạng thương mại đặc biệt không còn, các khoản đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc và Hong Kong sẽ bị ảnh hưởng.
Huyền Lê (Theo SCMP)