Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng với đồng minh châu Á

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Philippines, ngày 2/2, hai nước công bố đạt được đồng thuận về một số lĩnh vực quan trọng. Đáng chú ý, Manila cho phép Washington mở rộng sự hiện diện quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trong thông báo chung, Mỹ và Philippines cho biết hai bên đã quyết định đẩy nhanh việc thực hiện đầy đủ “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” (EDCA), nhằm hỗ trợ đào tạo, tập trận và khả năng tương tác kết hợp. Ông Austin cho biết, hai bên đã “thảo luận về các hành động cụ thể nhằm giải quyết các hoạt động gây bất ổn tại vùng biển xung quanh Philippines” và Mỹ “cam kết tăng cường năng lực chung nhằm ứng phó với các cuộc tấn công vũ trang”.

Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng với đồng minh châu Á -0
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm căn cứ quân sự Navarro, Zamboanga, Philippines ngày 1/2.Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

EDCA cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines cho mục đích huấn luyện chung, bố trí thiết bị và xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường băng, kho chứa nhiên liệu. Mỹ đã phân bổ 82 triệu USD để cải thiện cơ sở hạ tầng tại 5 doanh trại quân sự của Philippines, nơi họ có thể luân chuyển vô thời hạn theo thỏa thuận phòng thủ EDCA năm 2014. Thêm nữa, Mỹ có thể mở rộng sự hiện diện quân sự tới 4 địa điểm khác trong “các khu vực chiến lược của đất nước”, tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và người đồng cấp Philippines Carlito Galvez không cho biết cụ thể những địa điểm này.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Washington ở châu Á và là mặt trận quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, Bộ trưởng Austin đã ghé qua thành phố Zamboanga và gặp gỡ các tướng lĩnh Philippines cùng một nhóm nhỏ lực lượng chống khủng bố của Mỹ đóng tại một trại quân sự địa phương, theo Chỉ huy quân sự khu vực Tây Mindanao của Philippines, Trung tướng Roy Galido. Hơn 100 binh sĩ, chuyên gia quân sự Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo và tư vấn chiến đấu trong nhiều năm cho quân đội Philippines chống lại những cuộc nổi dậy, dù đã giảm bớt đáng kể nhưng vẫn là mối đe dọa lớn tại khu vực này.

Bộ trưởng Austin trong ngày 2/2 đã có cuộc gặp với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., người nhậm chức vào tháng 6/2022 và kể từ đó có nhiều bước nhằm thúc đẩy quan hệ với Washington. Tại cuộc gặp, ông Austin tiếp tục khẳng định Mỹ “sẵn sàng giúp đỡ Philippines trong trường hợp cần thiết”. Đáp lại, ông Marcos khẳng định quan điểm, tương lai của Philippines và có thể là cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ luôn có sự tham gia của Mỹ.

Từ khi nhậm chức, ông Marcos đã hai lần gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Bộ trưởng Quốc phòng Austin là quan chức cấp cao mới nhất của Mỹ đến thăm Philippines sau Phó Tổng thống Kamala Harris vào tháng 11 năm ngoái, một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ nồng ấm hơn sau một thời kỳ căng thẳng dưới thời người tiền nhiệm của ông Marcos, cựu Tổng thống Rodrigo Duterte.

Đại sứ Philippines tại Washington, Jose Romualdez, đánh giá chuyến thăm của ông Austin có tác động tích cực tới việc thúc đẩy thực hiện EDCA. Quan chức ngoại giao này cho biết thêm rằng Manila cần hợp tác với Washington để ứng phó với bất kỳ sự leo thang nào trong khu vực cũng như ngăn chặn những cuộc xung đột tiềm tàng, theo AP. Philippines từng là nơi đặt hai trong số các căn cứ Hải quân và Không quân lớn nhất của Washington bên ngoài lục địa Mỹ.

Các căn cứ này đã bị đóng cửa vào đầu những năm 1990 sau khi Thượng viện Philippines từ chối gia hạn, tuy nhiên, các lực lượng Mỹ đã quay trở lại để tập trận quy mô lớn với quân đội Philippines theo “Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng” năm 1999. Hiến pháp Philippines nghiêm cấm quân đội nước ngoài đóng căn cứ thường trực và sự tham gia của lực lượng nước ngoài vào chiến đấu tại địa phương.

Thời gian gần đây, các lực lượng Mỹ đã tăng cường và mở rộng hoạt động huấn luyện chung tập trung vào khả năng sẵn sàng chiến đấu và ứng phó thảm họa với quân đội Philippines trên bờ biển phía tây của nước này, hướng ra Biển Đông và ở khu vực phía bắc Luzon, gần với eo biển Đài Loan. Chuyến thăm của ông Austin đến Philippines diễn ra trong bối cảnh khu vực có nhiều biến động, đặc biệt là nhiều hành động quyết liệt của Trung Quốc tại Biển Đông.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines chưa đưa ra tuyên bố nào sau khi Mỹ và Philippines đồng thuận về tăng cường sự hiện diện quân sự, tuy nhiên, giới quan sát cho rằng điều này sẽ khiến Bắc Kinh không hài lòng và sẽ sớm có biện pháp đáp trả. Động thái này của Mỹ cũng vấp phải sự phản đối của một bộ phận người dân Philippines. Theo Reuters, bên ngoài các trụ sở quân đội, nhiều người biểu tình đã tụ tập để phản đối việc Mỹ tiếp tục kéo dài sự hiện diện quân sự tại Philippines cũng như hô hào đòi loại bỏ EDCA.

Philippines là điểm dừng chân cuối trong chuyến thăm đến châu Á lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Trước đó vào ngày 31/1, Bộ trưởng Austin khi đang thăm Hàn Quốc đã khẳng định sẽ tăng cường triển khai các vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới Bán đảo Triều Tiên để tăng cường huấn luyện chung với các lực lượng Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên.

Động thái này vấp phải sự phản đối từ Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 2/2 chỉ trích các cuộc tập trận chung của Mỹ và các đồng minh đã đẩy tình hình đến sát lằn ranh đỏ, đe dọa biến bán đảo Triều Tiên thành một kho vũ khí chiến tranh khổng lồ và nguy hiểm hơn là một khu vực chiến tranh. Tuyên bố được hãng Thông tấn Nhà nước Triều Tiên phát đi cùng ngày nhấn mạnh, sẽ không có đối thoại chừng nào Mỹ còn theo đuổi chính sách thù địch.

 https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/my-tang-cuong-hop-tac-quoc-phong-voi-dong-minh-chau-a-i682359/

Tiến Anh / Công an nhân dân