- Trung Quốc cạnh tranh NASA, chọn miệng núi lửa Shackleton để hạ cánh ở Mặt trăng
- Cuộc đua không gian Mỹ - Trung: Mục tiêu Mặt Trăng và 'bãi đỗ đẹp' trên quỹ đạo
Sau nhiệm vụ hạ cánh xuống Mặt Trăng thất bại vào tháng trước, NASA tiếp tục đặt hy vọng vào tàu vũ trụ thứ hai – do một công ty tư nhân phát triển.
Nếu thành công, đây sẽ là chuyến hạ cánh lên Mặt Trăng đầu tiên của Mỹ sau hơn 5 thập kỷ.
Tàu đổ bộ Mặt Trăng lần này có tên là Odysseus, hay gọi tắt là Odie. Tàu sẽ thực hiện chuyến bay trên tên lửa SpaceX Falcon 9 từ Cape Canaveral, Florida, lúc 12h57 sáng theo giờ miền Đông ngày 14/2 (tức 0h57 ngày 15/2 giờ Việt Nam).
Tên lửa sẽ đẩy tàu vũ trụ vào một quỹ đạo hình bầu dục kéo dài tới 380.000 km quanh Trái đất. Nó sẽ giống như “một cú ném bóng nhanh với năng lượng cao hướng về phía Mặt Trăng”, theo giám đốc điều hành của Intuitive Machines, Stephen Altemus. Đây là công ty đã phát triển Odysseus.
Khi ở trong quỹ đạo Trái đất, tàu đổ bộ Mặt Trăng sẽ tách khỏi tên lửa và bắt đầu tự mình phiêu lưu, sử dụng động cơ trên tàu để tự đẩy theo quỹ đạo trực tiếp về phía bề mặt Mặt Trăng.
Odysseus dự kiến sẽ bay tự do trong không gian trong hơn một tuần và chạm xuống bề mặt Mặt Trăng vào ngày 22/2.
Nếu thành công, Odysseus sẽ trở thành tàu vũ trụ đầu tiên của Mỹ hạ cánh mềm trên Mặt Trăng kể từ tàu Apollo 17 năm 1972.
Việc phóng tàu đổ bộ Mặt Trăng này diễn ra một tháng sau khi Peregrine, phương tiện mà công ty Astrobotic Technology phát triển với sự tài trợ của NASA, thất bại trong sứ mệnh của mình. Công ty có trụ sở tại Pittsburgh cho biết do rò rỉ nhiên liệu, nhiệm vụ thất bại chỉ vài giờ sau khi Peregrine được phóng vào ngày 8/1. Con tàu vũ trụ bốc cháy trong bầu khí quyển khi nó quay trở lại Trái đất 10 ngày sau đó.
NASA đã tài trợ cho việc tạo ra một đội nhỏ tàu đổ bộ Mặt Trăng do tư nhân phát triển như một phần của chương trình mà cơ quan vũ trụ này gọi là CLPS, hay Dịch vụ tải trọng Mặt Trăng thương mại.
Mục đích của chương trình là phát triển tàu đổ bộ lên Mặt Trăng theo các hợp đồng giá cố định, tương đối rẻ, với hy vọng sử dụng tàu vũ trụ để giúp Mỹ hiện diện trên Mặt Trăng khi cuộc đua vũ trụ quốc tế mới nóng lên.
Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản là những quốc gia duy nhất có phương tiện hạ cánh mềm trên Mặt Trăng trong thế kỷ 21. Và trong khi NASA vẫn tự tin rằng Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên đưa con người trở lại bề mặt Mặt Trăng, thì cơn sốt toàn cầu nhằm chế tạo tàu vũ trụ robot trên Mặt Trăng đang lên đến đỉnh điểm.
Điều làm nên sự khác biệt trong cách tiếp cận của NASA với những người khác là cách họ chấp nhận thương mại hóa - ý tưởng rằng nhiều tàu vũ trụ có thể được phát triển với chi phí rẻ hơn và nhanh chóng hơn khi ngành công nghiệp tư nhân cạnh tranh giành hợp đồng so với việc cơ quan vũ trụ tự phát triển.