Mỹ nỗ lực đối phó với tăng Armata Nga

Mỹ đã thủ sẵn kế hoạch dùng M1A2 SEP V3 đối phó với Armata. Nhưng muốn làm được điều đó, Mỹ phải khắc phục loạt nhược điểm của dòng tăng này.

Biến thể cực mạnh

The Phó chủ tịch phụ trách các phương tiện chiến đấu gầm bánh xích của General Dynamics, ông Donald Kotchman cho biết: "Phiên bản M1A2 SEP V3 đã bắt đầu quá trình thử nghiệm từ tháng 1/2015. Trong tổng số 9 nguyên mẫu được chế tạo, đã có 7 chiếc được đưa đến bãi thử nghiệm Yuma, Arizona và Aberdeen, Maryland.

Hiện tại các nguyên mẫu đang trải qua các bài thử nghiệm hoạt động và độ tin cậy. Chúng tôi có kế hoạch bàn giao cho Lục quân tự chạy thử vào cuối năm 2017 và dự kiến biên chế chính thức vào quý III năm 2020", ông Donald Kotchman cho biết.

my no luc doi pho voi tang armata nga
Mỹ thử nghiệm tăng M1A2 SEP V3.

Theo những thông tin được General Dynamics tiết lộ, sau nâng cấp cấu hình tăng M1A2 SEP V3 sẽ có màn hình hiển thị LCD màu mới, hệ thống quan sát/ngắm bắn quang ảnh nhiệt, công suất phụ trợ và một hệ thống vô tuyến mới để trao đổi thông tin liên lạc giữa xe tăng và bộ binh.

Cấu hình V3 cũng sẽ được kết nối số hóa với một hệ thống điện tử mới nhất, máy tính xử lý mạnh mẽ và được thiết kế cấu trúc mở để có thể bổ sung các công nghệ xe tăng tiên tiến trong tương lai mà không cần thiết kế lại ở những bộ phận quan trọng.

Ngoài ra, trên những chiếc tăng nằm trong gói nâng cấp đầu tiên của M1A2 SEP V3, lần đầu tiên Mỹ sử dụng hệ thống phòng thủ do nước ngoài sản xuất.

Gói nâng cấp này giúp cho phiên bản V3 có thể phục vụ lâu hơn dự kiến tới 20 năm nữa, cho phép xe tăng có thể chiến đấu như một bộ phận của mạng lưới tác chiến hợp nhất các lực lượng của Quân đội Mỹ và đủ sức đánh bại cả những cỗ tăng tối tân như Armata của Nga.

Nga chỉ Mỹ cách nếu muốn hạ Armata

Tham vọng của Mỹ đã khá rõ ràng tuy nhiên the tuyên bố của Nga, muốn khắc chế được T-14 Armata trong tương lai, trước hết Mỹ sẽ phải khắc phục được những điểm yếu của dòng tăng Abrams hiện có.

Tuyên bố trên được một số chiến lược gia quân sự Nga đưa ra khi nhìn vào nỗ lực khắc chế tăng Armata của Mỹ. Theo nhận định này, phần lớn các dòng tăng tương lai của Mỹ đều được phát triển trên nền tảng Abrams hiện có, kể cả M1A2 SEP V3.

Hiện tại, các dòng tăng Abrams M1A2 và M1A3 đang được trạng bị hệ thống tên lửa chống tăng TOW-2A và TOW-2B, với loại hai đầu đạn - đầu đạn chính và đầu đạn phụ trợ.

my no luc doi pho voi tang armata nga
Nga thử nghiệm tăng Armata.

Theo cơ chế hoạt động, khi tên lửa trúng vào mục tiêu, đầu tiên sẽ kích hoạt đầu đạn phụ trợ, tạo ra một phản lực tích lũy và sẽ kích hoạt hệ thống bảo vệ động lực học của xe tăng, tiếp đó viên đạn đi sau phụ trách chính việc vượt qua lớp bảo vệ và xuyên thủng vỏ thép của xe tăng.

TOW-2A có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 3.750 mét, tốc độ tên lửa vào khoảng 180 m/s. Đồng thời, tên lửa TOW-2B tấn công xe từ phía trên, nơi mà vỏ giáp mỏng nhất.

Tuy nhiên, khi đối đầu với xe tăng T-14 Armata được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động Afganis, thì khả năng cao là TOW-2A sẽ không làm tổn hại tới xe tăng, trong khi TOW-2B có thể làm hư hỏng, nhưng không thể phá huỷ hoàn toàn.

Do vậy, để có thể chế tạo được loại xe tăng có thể khắc chế được T-14 Armata trong tương lai, trước hết Mỹ sẽ phải khắc phục được những điểm yếu của dòng tăng Abrams trước T-14.

Sau đó, Mỹ mới có thể phát triển thêm những tính năng mới vượt trội hơn so với dòng xe tăng được đánh giá là không có đối thủ xứng tầm của Nga trong thời điểm hiện tại.

Cụ thể, trong các cuộc đối đầu trên chiến trường, khả năng tác chiến của các dòng tăng Abrams M1A2 và M1A3 phụ thuộc nhiều vào năng lực phát hiện đối phương trước. Các tên lửa dẫn đường mới của tăng Abrams có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 12.000 mét.

Tuy nhiên, xe tăng Armata được trang bị hệ thống radar tối tân (hiện cũng được dùng trên những chiếc tiêm kích tối tân của Nga) có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 100 km. Không những vậy, nó còn được trang bị hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển.

Vấn đề đặt ra hiện nay là, nếu tăng T-14 Armata phát hiện đối phương trước, thì khả năng sống sót của các dòng tăng chủ lực Mỹ sẽ là dấu hỏi lớn, bởi những vũ khí trang bị trên tăng T-14 thuộc vào dạng mạnh nhất hiện nay.

Đó còn chưa kể tới hệ thống phòng ngự 4 lớp (giáp chính, giáp phản ứng nổ, hệ thống phòng ngự chủ động và thiết kế đặc biệt giảm khả năng bị phát hiện) của xe tăng T-14 được đánh giá cung cấp bảo vệ xe và kíp lái tốt nhất thế giới hiện nay.

Thiết kế của T-14 Armata mới có tính mở cao. Khung thân xe lớn, nhiều bánh chịu lực hơn so với các dòng xe tăng T-80, T-90 cũ cho phép tích hợp pháo chính cỡ nòng lớn (T-14 hiện đang dùng pháo chính cỡ 125mm tương tự như trên xe tăng T-90).

Theo nhiều nguồn tin, trong tương lai, xe tăng T-14 có thể được trang bị pháo chính cỡ 152mm với khả năng bắn đạn chống tăng xuyên tới 1m giáp thép đồng nhất (RHA) trong tầm bắn lớn hơn. Với hỏa lực mới này, sẽ không có xe tăng phương Tây hiện đại nào là đối thủ của xe tăng Armata.

http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-chi-my-cach-ha-duoc-tang-armata-3343694/

/ Đất Việt