Được xem là công cụ để xây dựng lòng tin nhưng cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã lại một lần nữa khắc họa cuộc tranh chấp quyền lực giữa Mỹ và Nga.
Đối với những người thường xuyên theo dõi chính trị, họ cho rằng lần tranh cãi kịch liệt nhất sẽ diễn ra giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và đại sứ Mỹ Nikki Haley khi 2 người được xếp phát biểu qua lại trong phòng hội đồng. Đây là lần đầu tiên 2 nhà ngoại giao trực tiếp đối thoại với nhau sau nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ chính sách toàn cầu của đối phương.
Nga từng có được sự ủng hộ của toàn bộ Hội đồng Bảo an về vấn đề thỏa thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đe dọa rút khỏi thỏa thuận này. Ông Lavrov tuyên bố: "Chúng tôi không thể từ bỏ một thành tựu đỉnh cao của chính sách quốc tế chỉ vì lợi ích chính trị của một số nước".
Bộ trưởng Ngoại giao Nga cảnh báo nhóm các bộ trưởng và đại sứ rằng: "Rõ ràng là sự thất bại của JCPOA (thỏa thuận hạt nhân Iran), đặc biệt khi đó là kết quả của một bên trong nhóm P5+1, sẽ là một thông điệp đáng báo động đối với toàn bộ an ninh thế giới, bao gồm cả triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên".
Đại sứ Mỹ Nikki Haley. Ảnh: Reuters
Mối liên hệ giữa việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và ảnh hưởng của nó đến khả năng thuyết phục Triều Tiên ký kết thỏa thuận đã được đề cập liên tục không chỉ bởi Nga mà còn bởi các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp và nhiều nước khác trong Hội đồng Bảo an. Dù không nêu đích danh nước Mỹ nhưng quan điểm của ông Lavrov vẫn rõ ràng.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga không có mặt khi đại sứ Mỹ Haley phát biểu chỉ trích Tehran vì vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc và cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Yemen để phóng tên lửa vào Ả Rập Saudi.
Bà Haley khẳng định Iran "là nguyên nhân gây bất ổn hàng đầu tại một khu vực bất ổn trên thế giới". Đại sứ Mỹ cũng công khai nêu rõ Nga là nước ngăn chặn thế giới xác định trách nhiệm việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
"Có một nước đang chắn đường Hội đồng Bảo an thực thi nhiệm vụ. Đó là Nga. Chính Nga đã phủ quyết 3 nghị quyết của hội đồng về việc thay mới Cơ chế Điều tra Liên minh. Chính Nga đã bỏ rất nhiều công sức tại Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) ở The Hague (Hà Lan) để giúp chính quyền Assad không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nếu chính phủ Nga có thái độ nghiêm túc về việc không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, họ sẽ thuyết phục ông Assad rằng ông ta phải loại bỏ vũ khí hóa học và hợp tác toàn diện với OPCW" - trích lời bà Haley.
Sau khi bà Haley phát biểu, đại sứ Nga Vassily Nebenzia trả đũa: "Vì Nga bị nêu đích danh nên tôi cũng nêu rõ rằng Mỹ và Anh đang tiếp tục thao túng Hội đồng Bảo an và cảm xúc xã hội của cộng đồng quốc tế. Có lẽ những phát biểu của họ đã được soạn sẵn từ trước và họ không đủ thời gian để sửa đổi khi nghe tuyên bố của chúng tôi. Nhưng không, đây là điều được thực hiện một cách cố ý".
Bà Haley không có mặt ở vị trí dành cho Mỹ khi ông Nebenzia phát biểu mà thay vào đó là một điều phối viên chính trị. Tại Hội đồng Bảo an, việc các đại sứ được thay thế bởi đồng nghiệp là chuyện khá phổ biến trong những phiên họp kéo dài nhiều giờ.
Hy Lạp, Macedonia lại đưa nhau ra LHQ vì tranh cãi tên nước
Hy Lạp đã phản đối việc sử dụng tên Macedonia kể từ khi đất nước Balkan tuyên bố tách ra từ Nam Tư vào năm ... |
LHQ lên án nhận xét \'quốc gia dơ bẩn\' của Tổng thống Trump
Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc lên án tổng thống Mỹ sau khi bình luận thô tục của ông khiến người dân các ... |