Mỹ lại đối diện với nguy cơ đóng cửa chính phủ

Các nhà lập pháp tại Mỹ không còn nhiều thời gian để ngăn chặn việc chính phủ liên bang đóng cửa, trong bối cảnh không ít nghị sĩ theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa quyết không đồng ý ủng hộ dự luật ngân sách mới nếu không cắt giảm chi tiêu liên bang.

 
Mỹ lại đối diện với nguy cơ đóng cửa chính phủ  -0
Ảnh minh họa AP. 

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu bác bỏ dự luật chi tiêu tạm thời nhằm giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian để đàm phán một thỏa thuận kéo dài cả năm.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã cố gắng thuyết phục các nghị sĩ khác trong đảng Cộng hòa ủng hộ biện pháp này trước thời hạn nửa đêm 30/9.

Nước Mỹ đang phải đối mặt với khả năng chính phủ đóng cửa - lần thứ tư trong một thập kỷ - sẽ khiến hàng trăm nghìn công nhân viên liên bang phải nghỉ việc tạm thời, cùng nhiều tác động sâu rộng khác.

Việc chính phủ tại Mỹ đóng cửa xảy ra khi Quốc hội không phê duyệt chi tiêu cho năm tài chính kế tiếp, bắt đầu vào ngày 1/10.

Việc đóng cửa ảnh hưởng đến hầu hết mọi “ngóc ngách” của chính phủ Mỹ, từ việc thực hiện phúc lợi và công bố dữ liệu kinh tế quốc gia cho đến hoạt động của tòa án liên bang, bảo tàng và công viên quốc gia.

Hàng trăm nghìn công nhân viên liên bang có thể sẽ bị cho nghỉ việc tạm thời mà không được trả lương trong khi những nhân viên được coi là thiết yếu sẽ vẫn làm việc và cũng không được trả lương.

USA Today đưa tin, trong lần đóng cửa gần đây nhất, khoảng 800.000 công nhân viên đã phải nghỉ việc tạm thời. “Lần này, hiệu ứng gợn sóng có thể còn lan rộng hơn nữa, dẫn đến số lượng công nhân viên phải nghỉ phép thậm chí còn lớn hơn,” theo USA Today.

Những người bị ảnh hưởng bao gồm các công nhân trong các cơ quan chính phủ liên bang, bao gồm cả Bộ Quốc phòng, cũng như các thành viên của quân đội Mỹ. Nhà Trắng cảnh báo trong tuần này: “Tất cả những điều này sẽ gây rối loạn cho an ninh quốc gia”.

Một số chương trình liên bang mà hàng triệu người trên khắp Mỹ dựa vào hàng ngày cũng có thể bị gián đoạn - từ việc quỹ hỗ trợ lương thực đến chương trình Medicare và An sinh xã hội.

Hiệu ứng gợn sóng sẽ phụ thuộc vào thời gian chính phủ đóng cửa và các kế hoạch dự phòng khác nhau được áp dụng tại các cơ quan bị ảnh hưởng.

Forrest V Morgeson III, phó giáo sư tại Đại học Kinh doanh Broad của Đại học bang Michigan, cho biết: “Nhìn chung, hàng trăm triệu người Mỹ đang nhận được một số lợi ích từ chính phủ”. Ví dụ, gần 7 triệu phụ nữ và trẻ em phụ thuộc vào Chương trình Dinh dưỡng Bổ sung Đặc biệt dành cho Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em (WIC) đối mặt với nguy cơ mất hỗ trợ gần như ngay lập tức khi chính phủ ngừng hoạt động.

Việc chính phủ đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết những gián đoạn trong vận tải hàng không ở Mỹ trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc xử lý hộ chiếu và thị thực sẽ tiếp tục bất chấp việc chính phủ đóng cửa nếu “tình hình cho phép”. Ngoài ra, các lãnh sự quán ở Mỹ và nước ngoài sẽ vẫn mở cửa “miễn là có đủ phí hỗ trợ hoạt động”, nhưng việc cấp hộ chiếu có bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 29/9 nhấn mạnh rằng việc chính phủ đóng cửa sẽ “làm suy yếu” tiến bộ nền kinh tế đất nước khi các chương trình quan trọng bị trì hoãn.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-lai-doi-dien-voi-nguy-co-dong-cua-chinh-phu--i708842/

Tiến Dũng (Theo Al Jazeera) / cand.com.vn