Mỹ - Hàn đạt thỏa thuận "phí bảo vệ"

Hàn Quốc đồng ý tăng đóng góp tài chính cho lực lượng Mỹ đồn trú trong thỏa thuận mới, nhưng con số cụ thể chưa được công bố.

"Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được đồng thuận về một văn bản đề xuất của Thỏa thuận Các biện pháp Đặc biệt (SMA), vốn sẽ củng cố liên minh và hoạt động phòng thủ chung của chúng ta", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/3 cho biết, song chưa công bố con số cụ thể.

Người này cũng cho biết Hàn Quốc đồng ý tăng đóng góp chi phí cho các lực lượng Mỹ đồn trú ở nước này theo SMA mới, chấm dứt những căng thẳng về "phí bảo vệ" giữa hai nước.

Thông tin này được công bố trước thềm chuyến công du quốc tế đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Hàn Quốc và Nhật Bản vào tuần sau.

Những cuộc đàm phán liên quan đến SMA gây căng thẳng nghiêm trọng cho quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn dưới thời Donald Trump, khi cựu tổng thống yêu cầu Hàn Quốc trả thêm 400% "phí bảo vệ" để duy trì 28.500 quân Mỹ tại đây.

Truyền thông Mỹ đưa tin SMA mới có thể là thỏa thuận nhiều năm, trong đó khoản đóng góp của Hàn Quốc cho hiện diện quân sự của Mỹ sẽ tăng khoảng 13%, theo "mức tốt nhất" mà Seoul đề nghị năm 2020. Một nguồn tin cho biết thỏa thuận cuối cùng có thể gồm điều khoản yêu cầu Hàn Quốc tăng ngân sách quốc phòng và mua một số thiết bị quân sự nhất định của Mỹ.

2437 2

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc chụp ảnh sau một cuộc diễn tập chung ở Yeoncheon, tháng 12/2015. Ảnh: AP.

Việc Mỹ và Hàn Quốc đạt thỏa thuận chia sẻ "phí bảo vệ" nằm trong mục tiêu "khôi phục quan hệ liên minh" và "trở lại trật tự bình thường" của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Cuộc đàm phán về chia sẻ "phí bảo vệ" giữa Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu hồi tháng 2, cùng lúc Nhà Trắng xem xét lại chính sách về Triều Tiên, sau khi Liên Hợp Quốc công bố báo cáo cho biết Bình Nhưỡng tiếp tục tìm kiếm và phát triển vật liệu cùng công nghệ hạt nhân.

Giới chuyên gia nhận định việc Mỹ - Hàn nhất trí về chiến lược chung đối với vấn đề Triều Tiên sẽ khó hơn thỏa thuận phí bảo vệ. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ đối mặt với cuộc bầu cử cuối năm nay và đang muốn đạt được thành tựu ngoại giao với Triều Tiên trong thời gian ngắn, trong khi giới chức Mỹ cho biết họ cần thêm thời gian để xây dựng chiến lược ứng phó với Bình Nhưỡng.

Cách tiếp cận thận trọng của chính quyền Biden được coi là thay đổi đáng kể so với các đời tổng thống trước đó. Vào ngày tại nhiệm cuối, cựu tổng thống Barack Obama nói với Trump rằng Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ. Trump sau đó đặt Triều Tiên làm ưu tiên hàng đầu và từng hai lần gặp thượng đỉnh cùng Chủ tịch Kim Jong-un, nhưng không thành công trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Nguyễn Tiến (Theo CNN)

Hàn Quốc hối thúc Mỹ - Hàn Quốc nối lại đàm phán hạt nhân Hàn Quốc hối thúc Mỹ - Hàn Quốc nối lại đàm phán hạt nhân
Mỹ - Hàn hoãn tập trận chung nhưng không phải là nhượng bộ Triều Tiên Mỹ - Hàn hoãn tập trận chung nhưng không phải là nhượng bộ Triều Tiên
/ vnexpress.net