Tư lệnh hải quân Nga cho biết Mỹ gia tăng số tàu mang tên lửa hành trình Tomahawk tại nhiều vùng biển quanh nước này.
Mô hình thiết kế đầu đạn siêu vượt âm trong dự án PGS của Mỹ. Ảnh minh họa: DARPA.
"Trong năm 2019, hải quân Nga sẽ duy trì sự hiện diện ở các vùng biển quốc tế để chống lại việc Mỹ và NATO tăng cường hoạt động gần biên giới Nga cũng như triển khai các hệ thống vũ khí phi hạt nhân chính xác cao và cơ sở hạ tầng quân sự tại những vùng biển gần Nga", TASS ngày 26/12 dẫn tuyên bố của Tư lệnh hải quân Nga Vladimir Korolyov.
Đô đốc Korolyov nhấn mạnh sự hiện diện của hải quân Nga sẽ giúp giảm thiểu mọi nguy cơ từ biển đối với Moskva, đồng thời khẳng định Nga hiện có khoảng 100 tàu chiến đang hoạt động trên khắp các đại dương.
Theo nhà phân tích quân sự Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập tạp chí "Kho vũ khí Nga", những hệ thống vũ khí chính xác mà Đô đốc Korolyov đề cập là các chiến hạm như tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm mang tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
"Hải quân Mỹ sở hữu kho tên lửa hành trình lớn nhất thế giới trên các tàu chiến", Murakhovsky cho biết. "Theo nhiều ước tính khác nhau, Mỹ có 4.000-5000 tên lửa Tomahawk, được trang bị trên tàu nổi và tàu ngầm".
Chuyên gia này nói rằng Mỹ đã hoán cải tàu ngầm lớp Ohio để có thể mang tới 154 tên lửa Tomahawk. Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tàu tuần dương lớp Ticonderoga mang được 122 tên lửa hành trình này và khai hỏa qua hệ thống phóng Mk41.
"Các hệ thống này được gọi là vũ khí chiến lược, thuật ngữ thường dùng để ám chỉ vũ khí hạt nhân, bởi chúng cũng giữ vai trò răn đe chiến lược với đối thủ. Tên lửa Tomahawk và tàu ngầm cũng được coi là một phần của khái niệm tấn công toàn cầu của Mỹ mặc dù có thời gian tấn công chậm hơn", Murakhovsky nhấn mạnh.
Tàu khu trục Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào lãnh thổ Syria năm 2017. ảnh: US Navy.
Theo nhiều báo cáo, bên cạnh đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS) bằng bộ ba hạt nhân, Mỹ đã xây dựng khái niệm về cuộc tấn công toàn cầu thông thường dựa trên một cuộc không kích bằng vũ khí dẫn đường chính xác nhằm vào các cơ sở quân sự quan trọng của đối thủ, bao gồm các trung tâm chỉ huy, căn cứ quân sự và các bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Mỹ bắt đầu quan tâm về vũ khí dẫn đường chính xác tầm siêu xa từ năm 2001, khi chính quyền cựu tổng thống George W. Bush muốn đưa đầu đạn phi hạt nhân vào một tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình siêu tốc tầm xa. Bằng cách này, Mỹ có thể tấn công mọi mục tiêu trong thời gian ngắn, khi các vũ khí chiến lược khác như tàu sân bay và oanh tạc cơ không kịp phản ứng.
Putin nói tên lửa Tomahawk Mỹ chỉ đạt hiệu suất 30% ở Syria
Tổng thống Nga cho rằng dòng BGM-109 Tomahawk đã lạc hậu, đồng thời đánh giá cao uy lực của tên lửa phóng từ máy bay ... |
Mỹ có thể đang tập kết 200 tên lửa Tomahawk quanh Syria
Sự hiện diện của tàu Bulkeley có thể khiến số tên lửa hành trình của Mỹ hiện diện gần Syria tăng lên tới 200 quả. |
Nga tạo vũ khí chiến tranh điện tử mới nhờ tên lửa Tomahawk “xịt” của Mỹ
Một hệ thống vũ khí tác chiến điện tử mới sẽ được phát triển trong 3 năm tới dựa trên những dữ liệu thu về ... |