Trong thông cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington nêu rõ hàng loạt yêu sách phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.
"Những tuyên bố của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi của phần lớn Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như các hoạt động bắt nạt của nước này nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên đó. Thế giới không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng họ", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh tại thông cáo đăng tải trên website Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7.
Trong tuyên bố này, Mỹ bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông. Cụ thể là các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng nước xung quanh Bãi Tư Chính của Việt Nam cũng với vùng nước nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý, tính từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Mỹ bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và đảo Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối việc các bên khác đánh cá và phát triển hydrocarbon ở những vùng biển này, hoặc thực hiện các hành động ấy một cách đơn phương là phi pháp", Ngoại trưởng Pompeo cho hay.
Tuyên bố cũng nêu rõ Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nhằm đơn phương áp đặt ý định của mình ở khu vực. Nhấn mạnh phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 là quyết định cuối cùng và ràng buộc về pháp lý, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Trung Quốc đã không đưa ra cơ sở pháp lý nào cho yêu sách "đường chín đoạn ở Biển Đông từ năm 2009.
"Trung Quốc không thể đưa ra các yêu sách hàng hải hợp pháp, bao gồm các yêu sách với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bắt nguồn từ bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa, liên quan tới các khu vực mà Toà án phân xử thuộc về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc trong vùng thềm lục địa của Philippines. Hành động quấy rối của Trung Quốc với ngư dân và ngăn cản việc phát triển năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực trên là phi pháp, tương tự bất kỳ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm khai thác những tài nguyên này", tuyên bố chỉ rõ.
Cũng theo tuyên bố trên, Mỹ khẳng định Trung Quốc không có tuyên bố lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp với (hoặc xuất phát từ) Bãi ngầm James, một thực thể chìm hoàn toàn chỉ cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý. Bãi ngầm James thường được truyền thông Trung Quốc trích dẫn là "lãnh thổ cực nam của Trung Quốc".
Luật pháp quốc tế rất rõ ràng rằng: Một thực thể chìm dưới nước như Bãi ngầm James không thể bị tuyên bố là chủ quyền của bất cứ quốc gia nào và không có khả năng tạo ra các khu vực hàng hải. Bãi ngầm James không phải và không bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng không thể tuyên bố bất kỳ quyền hàng hải hợp pháp nào từ đó.
Trong các tuyên bố đưa ra trước đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông và phản ứng của Bắc Kinh |
Nội dung tuyên bố của Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông |
Nước sông Trường Giang vượt báo động |