Mỹ áp thuế 46%: 3 việc doanh nghiệp Việt cần làm ngay

Nhiều chuyên gia nhận định tác động của việc Mỹ áp thuế 46% sẽ giảm bớt phần tiêu cực nếu doanh nghiệp Việt Nam làm ngay những việc dưới đây.

“Không bỏ trứng vào một giỏ”

“Doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển hướng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc quá vào một thị trường là Mỹ”, đó là khẳng định của bà Lê Hằng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) - trước chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Theo bà Hằng, Chính phủ cần vào cuộc nhanh chóng, hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông, thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia ASEAN, Trung Đông...

“Chúng tôi xác định giải pháp trước mắt trong trường hợp chính sách thuế quan của Mỹ có hiệu lực là doanh nghiệp, hiệp hội chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác. Bởi với mức thuế quan cao như vậy, hàng hóa của chúng ta không thể nào cạnh tranh với các nước khác để xuất khẩu sang Mỹ.

Trong khi đó, vẫn còn nhiều thị trường khác ngoài Mỹ nên doanh nghiệp còn nhiều cơ hội, cần phải thức thời chuyển đổi”, bà Hằng nói thêm.

Thuỷ sản xuất khẩu. (Ảnh minh hoạ).

Thuỷ sản xuất khẩu. (Ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, bà Hằng nhấn mạnh chúng ta cũng sẽ khó tránh khỏi khó khăn với thị trường mới do những nước khác dễ đổ xô sang khai thác cùng nên sức cạnh tranh rất lớn. Vì thế chúng ta cần phải lựa chọn những nước có mối quan hệ thương mại với Việt Nam và các nước đối tác truyền thống như Nhật Bản, châu Âu, ASEAN…

“Nói tóm lại, doanh nghiệp không thể bỏ trứng vào một giỏ”, bà khẳng định.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khuyến cáo: “Doanh nghiệp cần cố gắng đa dạng thị trường xuất khẩu. Không phải tìm ở đâu xa, trước mắt cứ khai thác, tận dụng 17 hiệp định FTA đã ký kết. Phần lớn thuế quan của những hiệp định này bằng 0 hoặc ở mức thấp, rất có lợi cho hàng hóa Việt Nam.

Tất nhiên, để tận dụng được những hiệp định này thì doanh nghiệp phải đáp ứng một loạt điều kiện được các đối tác đưa ra về môi trường, tái chế, an toàn vệ sinh thực phẩm…Doanh nghiệp cần thực hiện tốt mọi quy định để được xuất hàng đi”.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.jpg
"Doanh nghiệp cần cố gắng đa dạng thị trường xuất khẩu. Không phải tìm ở đâu xa, trước mắt cứ khai thác, tận dụng 17 hiệp định FTA đã ký kết"

TS Nguyễn Bích Lâm

Ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam - lại khuyến cáo nên thúc đẩy thị trường nội địa của hơn 100 triệu dân Việt Nam, nhằm bù đắp được các nhu cầu bị hao hụt tại thị trường Mỹ và thúc đẩy tăng trưởng GDP trong nước.

Theo ông, với nhiều nước phát triển, tỷ trọng GDP tăng ở thị trường trong nước cũng rất bền vững và hạn chế phụ thuộc thị trường nước ngoài.

Muốn làm được điều này, bản thân các doanh nghiệp cũng phải hướng đến thị trường trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Việt Nam có hơn 100 triệu dân chắc chắn là một thị trường tiềm năng lớn mà nhiều nước đang mơ ước. Vì thế doanh nghiệp cần phải tập trung nghiên cứu, khai thác.

Cơ cấu lại sản xuất

Trong bối cảnh gặp khó khăn về thuế xuất khẩu, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng giải pháp cấp thiết tiếp theo là doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản xuất để giảm chi phí. “Những gì có thể cắt giảm thì phải cắt giảm”, ông Lâm nhấn mạnh.

Ông Lâm cũng khẳng định đã đến lúc doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ để tăng năng suất. “Không thể chần chừ thêm nữa, doanh nghiệp phải đi vào công nghệ mới ngay thì sản xuất mới hiệu quả”, ông nói.

 

Bà Lệ Hằng cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao giá trị, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh hơn nữa, dù trước đó có thể đã triển khai rồi. “Các doanh nghiệp đã có chiến lược rồi và thời điểm này họ cần phải cơ cấu lại chiến lược về tài chính”, bà Hằng nêu ý kiến.

Ông Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp - nêu quan điểm: Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế ứng phó linh hoạt, chủ động và có chiến lược bài bản để chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư theo hướng “xanh - số - bền vững”

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo chuẩn quốc tế, đầu tư công nghệ số, tối ưu năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải carbon là xu thế bắt buộc. “Doanh nghiệp nào đi trước sẽ đứng vững lâu dài”, ông khẳng định.

Đồng thời, cần thành lập các liên minh doanh nghiệp để chia sẻ đơn hàng, thị trường. Các doanh nghiệp nhỏ nên liên kết lại thành cụm liên kết ngành, vừa chia sẻ thị trường mới, vừa có lợi thế về logistics, truyền thông, giảm giá thành và tăng khả năng đàm phán với đối tác quốc tế.

"Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế ứng phó linh hoạt, chủ động và có chiến lược bài bản để chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư theo hướng “xanh - số - bền vững"

Ông Mạc Quốc Anh

Đặc biệt, doanh nghiệp nên đầu tư vào R&D và thương hiệu quốc tế. “Không thể mãi xuất khẩu sản phẩm giá rẻ. Doanh nghiệp Việt cần hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm Made in Vietnam chất lượng cao, có đăng ký bảo hộ quốc tế, có khả năng tự đứng vững.

Việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam là một thử thách rất lớn, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và chính sách quốc gia của chúng ta tái định vị lại chiến lược phát triển - thị trường - mô hình sản xuất.

Không còn con đường nào khác ngoài việc nâng cao giá trị gia tăng, minh bạch hóa chuỗi cung ứng và chủ động hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Xanh hóa, số hóa nền kinh tế

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát triển nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa là xu hướng tất yếu đang được các nước trên thế giới hướng đến để phát triển bền vững - tức là đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến môi trường và nhu cầu của các thế hệ tương lai.

TS. Bùi Quý Thuấn, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho rằng, việc đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số và xanh hóa sản xuất sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng yêu cầu cao hơn từ các thị trường quốc tế. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng trong dài hạn.

“Đây sẽ là hướng đi giúp doanh nghiệp Việt Nam chủ động cạnh tranh mà không bị phụ thuộc hay chịu tác động lớn từ các rủi ro về thuế quan và rào cản phi thuế quan trong tương lai”, ông Thuấn nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Quang Hà - Phó viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh hiện nay đã trở thành xu hướng, cả thế giới đều muốn tiết kiệm nguyên vật liệu, gắn với kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Vì thế cần thiết phải gắn phát triển kinh tế với chuyển đổi xanh. Đồng thời, phải coi khoa học kỹ thuật là then chốt để giải bài toán này.

Thực tế những năm vừa qua, doanh nghiệp nào biết sáng tạo, áp dụng chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, kinh tế xanh, tăng cường hội nhập đều có thể trụ vững, phục hồi nhanh trước các “cú sốc” bên ngoài và hoàn toàn tự tin có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai”, ông Hà phân tích.

Dệt may là ngành chịu ảnh hưởng bới chính sách thuế.

Dệt may là ngành chịu ảnh hưởng bới chính sách thuế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam - thì khẳng định, việc đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa sẽ góp phần giúp Việt Nam xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế.

“Bối cảnh này là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam phải thúc đẩy nhanh hơn việc cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu, đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy nội địa hóa, khai thác tài nguyên trong nước, cải cách hành chính…”, đại biểu Huân nói.

Tuy nhiên theo ông Huân, tính độc lập, tự chủ, tự cường của một nền kinh tế không có nghĩa là khép kín, "một mình một chợ" mà là chủ động trong "cuộc chơi", tăng sức đề kháng - chống chịu của nền kinh tế khi có cú sốc xảy ra.

Ngoài ra, độc lập, tự chủ về kinh tế cũng không thể tách rời với các trụ cột "chính trị - xã hội - môi trường - an ninh quốc phòng". Xử lý hài hòa mối quan hệ các trụ cột này sẽ giúp kinh tế Việt Nam ứng phó linh hoạt, ph hợp, giảm thiểu rủi ro khi chịu tác động từ thế giới.

https://vtcnews.vn/my-ap-thue-46-3-viec-doanh-nghiep-viet-can-lam-ngay-ar936613.html

PHẠM DUY - THÀNH LÂM - NGUYỄN YẾN / VTC News