Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước có gần 19.000 công chức, viên chức thôi việc từ tháng 7/2022 đến hết 6/2023, bình quân mỗi tháng gần 1.600 người.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, qua số liệu tổng hợp từ các Bộ, ngành, địa phương, từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2023, tổng số công chức, viên chức thôi việc là 18.991 người (bình quân 1.899 người/tháng, cao hơn bình quân 1.318 người/tháng giai đoạn tháng 1/2020 đến tháng 6/2022).
Trong đó có 1.967 công chức, chiếm 10,36% (Bộ, ngành là 772 người, địa phương là 1.195 người) và 17.024 viên chức, chiếm 89,64% (Bộ, ngành là 2.793 người, địa phương là 14.231 người, chủ yếu là viên chức sự nghiệp giáo dục - đào tạo chiếm 54,2% và sự nghiệp y tế chiếm 26,5%).
Số nghỉ việc chủ yếu ở độ tuổi dưới 50 tuổi, chiếm 86,25%; trình độ đào tạo đại học chiếm 48,65% và thạc sĩ chiếm 15,7%.
Các địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang (tổng số là 7.336 người, chiếm 38,63%).
Để thay thế số công chức, viên chức thôi việc, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng mới 64.980 người, trong đó 7.344 công chức (Bộ, ngành 2.795 người, địa phương 4.549 người); 57.636 viên chức (Bộ, ngành là 4.365 người, địa phương 53.271 người), chủ yếu là viên chức ở lĩnh vực sự nghiệp giáo dục (35.297 người) và y tế (12.380 người) để tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Mừng hay lo khi mỗi tháng có gần 1.600 công chức, viên chức nghỉ việc? |
Trước đó, Bộ Nội vụ từng thống kê, từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là hơn 39.500 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.
Số lượng viên chức nghỉ việc, thôi việc chiếm tỷ lệ lớn tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế, trong đó riêng giáo dục và đào tạo có hơn 16.400 người, gần 12.200 người thuộc lĩnh vực y tế.
Số người nghỉ, thôi việc chủ yếu là viên chức, cơ bản tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh (tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế), các đô thị có hệ thống dịch vụ công khu vực ngoài nhà nước phát triển nên có nhiều cơ hội về việc làm. Bộ Nội vụ đánh giá, việc công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc cũng là xu hướng tích cực “vào - ra theo cơ chế thị trường”.
Từ những con số thống kê của Bộ Nội vụ, chia sẻ quan điểm với Báo Công Thương, lãnh đạo nhân sự một tập đoàn lớn cho biết, những con số này cho thấy cả điều mừng và điều lo.
Vị quản lý này phân tích, mừng là quan niệm làm việc trong các cơ quan nhà nước không còn là lựa chọn “hàng đầu” của một bộ phận người dân. Hơn nữa, tư tưởng “an phận thủ thường” cũng đang dần bị xóa bỏ.
Minh chứng là hiện nay, nhiều người trẻ mong muốn có công việc tốt, nhưng khi thấy làm việc trong cơ quan nhà nước không phù hợp; các chế độ, chính sách không đáp ứng được nguyện vọng, họ sẵn sàng rời bỏ để tìm đến môi trường mới.
“Nhìn rộng hơn, điều này mang ý nghĩa tích cực vì dù làm việc ở khối tư nhân hay Nhà nước cũng đều góp phần phát triển xã hội, tạo được động lực làm việc, cống hiến cho mỗi người” - vị lãnh đạo nhân sự nêu quan điểm.
Ngoài ra, khách quan đánh giá có thể thấy trong thời gian dài vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có rất nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như: Tinh giản biên chế, xây dựng văn hóa công sở; nhiều địa phương có chính sách đãi ngộ, thu hút người tài, tuyển dụng người thông qua thi tuyển… thì vấn đề số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều không quá đáng lo.
Bên cạnh đó, hiện ngân sách nhà nước hằng năm dùng để chi trả lương và các chế độ bảo đảm cho công chức, viên chức rất lớn, với số lượng công chức, viên chức xin nghỉ sẽ giúp xây dựng bộ máy công quyền tinh, gọn và hiệu quả, giảm áp lực lên ngân sách nhà nước.
Ở chiều ngược lại, con số nhiều công chức, viên chức xin nghỉ việc cũng đặt ra những nỗi lo. Lo là số công chức, viên chức xin nghỉ việc để chuyển ra khối tư nhân lại phần đa làm được việc. Đó là những người có khả năng, trình độ và tự tin với trình độ của mình nên sẵn sàng tìm thử thách, cơ hội mới. Điều này sẽ làm các cơ quan nhà nước thiếu hụt nhân lực cao, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng công vụ.
Một vấn đề nữa đặt ra tại sao số lượng công chức, viên chức lại nghỉ việc nhiều đến vậy, vị lãnh đạo nhân sự này nói, phải chăng là chế độ, chính sách đãi ngộ, nhất là chính sách tiền lương, công tác quản lý lao động chưa phù hợp khiến cán bộ công chức, viên chức không yên tâm công tác, phải chân trong chân ngoài.
Chính vì vậy, lo là nếu chính sách của Nhà nước không đủ tốt để giữ chân và phát huy được năng lực của người tài, nguồn nhân lực có trình độ cao sẽ khiến nhiều người có trình độ cao rời bỏ cơ quan nhà nước. Trong khi đó, Nhà nước cũng khó để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc.
Để khắc phục “làn sóng” công chức, viên chức nghỉ việc, thiết nghĩ các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Đẩy mạnh cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc. Từng bước đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ.