Năm 2019 được đánh giá là một năm có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan: Kim ngạch xuất khẩu đạt 41,3 tỉ USD, hệ số che phủ rừng xấp xỉ 42%... Chia sẻ với Lao Động những khó khăn, thách thức cũng như thành quả của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh:
Để chuẩn bị thực hiện kế hoạch của năm 2019, ngay từ cuối năm 2018, chúng tôi đã nhận định năm 2019 sẽ là một năm hết sức khó khăn và có 3 thách thức lớn với ngành nông nghiệp. Một là, dự báo trước tình hình thương mại nông sản cực kỳ khó khăn, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Hai là, tác động biến đối khí hậu tiếp tục sẽ cực đoan.
Ba là, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp chúng ta đã đi được những bước dài, tuy nhiên về tổng thể, tỉ lệ sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỉ trọng cơ bản.
Đến thời điểm này, có thể nói những khó khăn và thách thức năm 2019 đã vượt qua. Với 1 sự cố gắng vượt bậc của của hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng các thành phần kinh tế, từ doanh nghiệp, HTX đến bà con nông dân, chúng ta nhìn nhận lại năm 2019 vẫn có được kết quả tổng quan, mặc dù chưa trọn vẹn nhưng rất tích cực:
Một là tăng trưởng GDP, trong hoàn cảnh tác động của dịch tả lợn Châu Phi, chúng ta vẫn đạt trên mốc 2%, đây là cố găng lớn.
Hai là, xuất khẩu nông sản chúng ta vẫn đạt được 41,3 tỉ USD, đây là một kết quả cao nhất từ trước tới nay trong bức tranh kinh tế toàn cầu rất khó khăn, đặc biệt trong thương mại nông sản chúng ta đạt được như thế là tốt.
Ba là, về nông thôn mới, chúng ta đã hoàn thành được với 54% số xã (khoảng 4.800 xã). Đó là một cố gắng lớn lớn của chúng ta.
Bốn là, chúng ta đã đạt được 41,85% hệ số che phủ rừng. Có thể nói rằng, nhìn chung kết quả năm 2019 là một kết quả rất tích cực trong hoàn cảnh rất khó khăn.
- Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp đạt con số khá ấn tượng, đặc biệt là lĩnh vực lâm nghiệp. Vậy Bộ trưởng đánh giá kết quả này có ý nghĩa như thế nào?
Nói về ngành lâm nghiệp chúng ta tự hào chỉ trong 1 thời gian không dài chúng ta đã làm được 3 vấn đề lớn, 3 mục tiêu lớn. Một là, chúng ta đã đưa được hệ số che phủ rừng của Việt Nam, lên đến xấp xỉ 42%. Chúng tôi đánh giá đây là 1 kết quả rất cao, bởi vì chúng ta đã biết đất nước chúng ta đi ra từ chiến tranh., do tổn thương của chiến tranh, sau năm 1975 hệ số che phủ rừng của chúng ta rất thấp.
Với một qui mô kinh tế GDP đầu người của chúng ta chỉ vào khoảng 2600 USD/đầu người, thế mà chúng ta kiên trì phát triển kinh tế đồng thời chăm lo đến phát triển bền vững mà một trong những nội dung phát triển bền vững là tập trung phát triển rừng và chúng ta đã đạt độ che phủ xấp xỉ 42%. Đây là một tỉ lệ cao nhất trong khu vực. Châu Á chúng hiện nay cũng chỉ 29%, thế giới cũng chỉ xấp xỉ 28%.
Mục tiêu thứ hai chúng ta tập trung hình thành 1 ngành kinh tế lâm nghiệp, từ chỗ rừng Việt nam chỉ tận dụng cây củi và 1 số lâm thổ sản khác thì bây giờ đã trở thành 1 ngành kinh tế. Điểm kinh tế rõ nhất là một năm chúng ta đã khai thác gần 7 triệu hecta rừng trồng với gần 20 triệu m3 gỗ, nguyên liệu chính cho 1 ngành kinh tế chế biến gỗ. Năm nay ngành Nông nghiệp đã đạt con số xuất khẩu trên 11,3 tỉ USD .
Kết quả thứ 3 đạt được là chúng ta đã tạo công ăn việc làm cho gần 20 triệu lao động. Đây cũng là một cố gắng rất lớn. Ngành kinh tế lâm nghiệp giai đoạn vừa qua đã có 1 cố gắng vượt bậc để đảm bảo 3 trục: Trục thứ nhất là kinh tế với kim ngạch đạt mức trên 11 tỉ USD. Trục thứ 2 là môi trường với hệ số che phủ rừng đạt xấp xỉ 41,85%.
Trục thứ 3 là an sinh xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho 20 triệu lao động bán phần và toàn phần. Đây là một ngành đi tiên phong trong khối nông nghiệp hiện nay đảm bảo cho 3 trục kinh tế song hành.
- Xin Bộ trưởng cho biết mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2020 và định hướng những năm tiếp theo?
Trước hết, xác định năm 2020 lại tiếp tục là năm khó khăn cho ngành nông nghiệp. Bởi vì tác động biến đổi khí hậu, hiện hữu ngay từ đầu năm: Ngay đầu năm đã có tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, hạn hán ở phía Bắc, 3 hồ nước lớn là Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình đã thiếu bình quân từ 40-55% lượng nước.
Toàn bộ miền Trung chúng ta cũng thiếu nước, toàn bộ ĐBSCL thì dự báo trước là sẽ hạn, mặn gay gắt ngay từ tháng 9.2019....
Thứ hai, dịch tả lợn Châu Phi tuy đã xuống đáy nhưng chưa phải an toàn, chúng ta vẫn phải đối mặt, thế rồi sâu keo mùa thu năm ngoái đã xuất hiện tại 14 tỉnh, cần đề phòng xuất hiện trở lại trong năm nay...
Mặc dù chúng ta xác định trước năm 2020 thách thức, một trong những thách thức lớn nhất tiếp tục là thị trường. Tuy nhiên, ngành đã xác định là sau khi Chính Phủ ban hành nghị quyết 01 thì chính thức giao cho ngành khoảng 41,5 – 42 tỉ USD.
Ngành xác định là sẽ bàn và giao cho các đơn vị và phối hợp tốt với các địa phương, các thành phần kinh tế triển khai thực hiện, phấn đấu đạt ít nhất từ 42 tỉ USD trở lên, dù đây là một mục tiêu khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
L.V (thực hiện)