Mức học phí gần một tỉ đồng/năm của trường quốc tế có xứng đáng?

Mức học phí tại trường quốc tế hiện nay tại Việt Nam hầu hết từ vài trăm triệu đến hơn nửa tỉ đồng, cao nhất là gần 800 triệu đồng/năm. Tuy phải đóng mức học phí gây “choáng” như vậy nhưng phụ huynh sẽ phải đối mặt với không ít “rủi ro”.

Chi phí học cả tỉ đồng/năm

Thời điểm này, các trường quốc tế ở TPHCM, Hà Nội đã công bố học phí năm học 2020-2021.

Mức cao nhất ở TPHCM là gần 800 triệu đồng/năm và ở Hà Nội là khoảng 693 triệu đồng/năm. Tính cả một số khoản chi phí như phí tuyển sinh, phí đăng ký, phí giữ chỗ, ăn uống, đưa đón, ngoại khóa..., phụ huynh có thể chi cả tỉ đồng/năm.

Cụ thể, Trường Quốc tế TPHCM (ISHCMC) được xem là trường có mức học phí cao nhất hiện nay. Mức học phí của trường từ lớp 1 đến lớp 12 ở trong mức thấp nhất là trên 524,2 triệu đồng/năm và cao nhất là 775,3 triệu đồng/năm.

Xếp sau là Trường Quốc tế Canada có học phí lớp 1 từ 454 triệu đồng/năm đến cao nhất là 705,5 triệu đồng/năm ở lớp 12.

\\"muc
Mức học phí năm học 2020-2021 của Trường Quốc tế Canada.

Xếp sau một chút, các trường có mức học phí lên tới nửa tỉ đồng/năm không phải là hiếm.

Các khoản thu này chưa tính một số khoản chi phí khác ngoài học phí và được tính đóng trọn năm học, nếu phụ huynh đóng theo học kỳ hoặc theo quý thì con số còn tăng cao.

Phải là phụ huynh thông minh

Tuy phải đóng mức học phí gây “choáng”, thậm chí bằng tiền học cả đời của một học sinh học hệ công lập nhưng phụ huynh sẽ phải đối mặt với không ít “rủi ro” nếu không lựa chọn kĩ.

Trước tiên, học sinh khi đã học bậc trung học tại các trường ngoài công lập thì khó có thể chuyển lại về trường công lập, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Bên cạnh đó, nhiều trường không thành lập hội cha mẹ học sinh hay các nhóm chung dẫn đến tình trạng nhà nào biết nhà nấy, phụ huynh khó giao lưu, kết nối với nhau để chia sẻ kinh nghiệm dạy con, giám sát các hoạt động tại trường, thậm chí “đấu tranh” đòi quyền lợi.

Gần đây, sự việc hàng trăm phụ huynh của hàng chục trường quốc tế “xin” được đối thoại với lãnh đạo nhà trường, thậm chí căng băng rôn để phản đối về chính sách học phí cũng là yếu tố khiến phụ huynh phải cân nhắc kĩ.

\\"muc
Phụ huynh nhiều trường quốc tế phản đối chính sách thu học phí. Ảnh ghép: Tuệ Nhi

Học phí và các khoản đóng góp đều dựa trên nguyên tắc thoả thuận, nhưng thực tế, phụ huynh rất khó để “can thiệp” được vào mức thu này, nhất là khi đã cho con vào học.

Đặc biệt, chương trình học tại trường ngoài công lập khác nhiều so với chương trình công lập nên phụ huynh cần phải lựa chọn chương trình học uy tín, được cấp phép, phù hợp với năng lực của con. Phụ huynh phải thông thái để kèm cặp và giám sát quá trình học tập của con.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, việc chọn lựa cho con học trường công lập và trường ngoài công lập tuỳ thuộc vào nhu cầu của gia đình, năng lực của học sinh. Tất cả những lựa chọn này cần được phụ huynh, học sinh cân nhắc kỹ lưỡng từ đầu để tránh hiện tượng phải thay đổi, “muốn tiến cũng khó mà lùi cũng không xong”.

Về mức tiền học lên tới gần cả tỉ đồng/năm, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định: Xã hội mình đang theo cơ chế thị trường cho nên sẽ có sự phân hoá giàu, nghèo, trung bình… Vì thế, nếu phụ huynh đã thoả thuận được và chấp nhận mức chi phí học tập cho con thì hãy cho con theo học.

\\"Phụ huynh phải là những người thông minh, tìm kĩ, hiểu kĩ xem những gì con mình sẽ học được có xứng đáng với mức tiền bỏ ra hay không. Không phải cứ có tiền là sẽ có dịch vụ tốt và vô trách nhiệm với việc học của con mình”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho hay.

\\"muc Phụ huynh trường quốc tế phản đối học phí: Trường trả lại, trường quyết thu
\\"muc Phụ huynh Trường Việt Úc tiếp tục sốc trước bảng học phí phải đóng đến 141%
\\"muc Hơn 200 phụ huynh phản đối học phí online trường quốc tế
/ laodong.vn