(VTC News) - Chuyên gia thời tiết cho rằng hiện tượng sấm sét, mưa giông, mưa đá trong đêm giao thừa và mùng 1 Tết Canh Tý 2020 cho thấy những biến đổi kỳ lạ của thời tiết sẽ còn diễn ra nhiều trong thời gian tới.
Thời tiết đêm giao thừa và mùng 1 Tết Canh Tý 2020 đã trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm. Nhiều ý kiến phân tích của các chuyên gia khoa học và khí hậu đều nhận định đây là một hiện tượng kỳ lạ.
Trả lời VTC News, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng, hiện tượng mưa đá, mưa giông, sấm sét trong đêm giao thừa Tết Canh Tý ở Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc là hiện tượng “30 năm mới thấy một lần”.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, đêm giao thừa của miền Bắc gắn liền với thời tiết mưa phùn, gió bấc. “Người Hà Nội và miền Bắc đều quen với đặc điểm thời tiết này. Vì thế, hiện tượng mưa giông, mưa đá, sấm sét trong đêm giao thừa tết Canh Tý là điều rất ngạc nhiên. Sinh ra và gắn bó với Hà Nội, có lẽ hiện tượng này 30 năm mới chỉ có một lần”, ông cho biết.
Cũng theo PGS Cường, trong nhiều năm nay, biến đổi khí hậu đã có những tác động mạnh mẽ đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông nhấn mạnh, mùa đông không còn lạnh như xưa, mùa hè cũng nóng hơn.
"Trái đất biến đổi theo chiều hướng nóng lên là một ví dụ điển hình về biến đổi khí hậu. Thế giới cũng đang phải hứng chịu những hệ lụy của vấn đề này như nạn cháy rừng khủng khiếp mới đây ở Úc và một số quốc gia khác đã để lại những hậu quả nặng nề.
Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu cũng gây nên tình trạng xâm nhập mặt nghiêm trọng ở các tỉnh phía Nam, hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ...", chuyên gia khoa học phân tích.
Hà Nội mưa như trút, nổi giông và sấm sét trong đêm giao thừa Tết Canh Tý 2020. |
Hiện tượng thời tiết đặc biệt có phải dự báo điều gì? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng, điều này cho thấy những biến đổi kỳ lạ của khí hậu, thiên nhiên thời tiết. Sự thay đổi này sẽ còn diễn ra trong thời gian tới. Việt Nam hay các quốc gia trên thế giới cần có những giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu mạnh mẽ nay.
Cũng có người nói đến yếu tố tâm linh về cơn giông trong đêm giao thừa, theo ông, nên hiểu theo căn cứ khoa học mà các chuyên gia khí hậu phân tích. Còn vấn đề tâm linh là điều khó nói, khó lý giải. “Nhưng chắc chắn cơn mưa lớn đã giúp Hà Nội được rửa sạch khỏi những bụi mịn từng gây ra tình trạng ô nhiễm không khí trong một thời gian dài”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết.
Trong khi đó, trả lời VTC News về hiện tượng khí hậu hiếm có này, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo Thời tiết (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết hiện tượng mưa rào sấm chớp xảy ra do không khí lạnh tràn về có tính chất ẩm, gây ra hiện tượng mây đối lưu phát triển mưa giông.
Ông Năng khẳng định, đây không phải hiện tượng bất thường mà chỉ có sự ngẫu nhiên về thời gian. Theo đó, đêm giao thừa trùng vào thời điểm không khí lạnh chuẩn bị tràn về.
Từ trước đến nay, lịch sử khí tượng và thời tiết vẫn được tính theo lịch dương. Và trong năm nay, thời điểm này trùng với đêm giao thừa.
Vì thế, chuyên gia khí tượng khuyến cáo người dân không nên cố gắng lý giải hiện tượng này mà nên hiểu đơn giản đây chỉ là không khí lạnh tác động gây mưa rào ở miền Bắc vào ngày 24/1.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia có những lý giải cụ thể về các tác động gây nên hiện tượng mưa rào trong đêm giao thừa (30 Tết) và mùng 1 Tết ở miền Bắc (trong đó có Thủ đô Hà Nội).
Theo chuyên gia thời tiết, từ trước đó mấy ngày, Hà Nội đã có hiện tượng nóng bất thường. Trước thời điểm giao thừa lại có không khí lạnh tràn về nên có sự chênh lệch về nhiệt độ. Điều này gây nên sự xáo trộn, thiếu ổn định về nền nhiệt của thời tiết. Đặc biệt, vài ngày trước đêm 30 Tết có hiện tượng trời nồm nên độ ẩm lớn.
Ông Hoàng Phúc Lâm cho rằng, từ các yếu tố trên đã gây ra hiện tượng mưa rào ở miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội vào đêm 30 Tết và mùng 1 Tết. Theo chuyên gia, trong tháng 1 dương lịch, thời tiết miền Bắc thường có lượng mưa khá lớn, vì thế hiện tượng mưa lớn, sấm sét trong đêm giao thừa Hà Nội không phải là hiện tượng thời tiết quá bất thường.
Cao Bằng và Bắc Kạn trải qua trận mưa đá to hiếm thấy
Do chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao suy yếu, ngày 30 Tết tại thành phố Cao Bằng xảy ra một trận mưa đá lớn ... |
Lạng Sơn xuất hiện mưa đá do ảnh hưởng của không khí lạnh
Tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Chi Lăng xuất hiện mưa đá làm ảnh hưởng phần nào đến việc mua sắm Tết của ... |