Sau một mùa hè với nhiều chương trình nghệ thuật sôi nổi, dịp Tết Trung thu là thời điểm các đơn vị nghệ thuật “đổi món” cho các em nhỏ, để tiếp tục duy trì sức hút của sân khấu. Mùa nghệ thuật dịp Trung thu năm nay cũng là lúc học sinh bước vào năm học mới, những chương trình vừa giàu nghệ thuật, vừa đậm tính giáo dục đã sẵn sàng để các em nhỏ thưởng thức, tạo niềm hứng khởi trên chặng đường mới.
Chương trình “Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng” do Nhà hát Múa rối Thăng Long thực hiện.
Sân khấu nhiều trải nghiệm
“Ôi! chú Cuội biết nhảy hip hop kìa!”, “Chú Alibaba ơi, những tên cướp ở trong thùng dưới nước đấy!” hay những tiếng hò reo khi hiệu ứng bông tuyết do công chúa tuyết Elsa tạo ra, khiến khán đài sân khấu Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội) náo nhiệt và hứng khởi. Đó là không khí trong một suất diễn chương trình “Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng” mà nhà hát dành cho các em nhỏ vào dịp Tết Trung thu năm nay.
“Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng” là số tiếp theo trong chuỗi chương trình nghệ thuật “Thế giới của chúng em”, nhằm mang lại cho các em thiếu nhi Thủ đô những trải nghiệm thế giới những nhân vật cổ tích và hoạt hình sinh động qua nghệ thuật múa rối.
Chương trình Trung thu năm nay bắt đầu từ đêm hội đón trăng rằm của thiếu nhi Việt Nam, chú Cuội và chị Hằng dẫn dắt khán giả đến với các trò chơi truyền thống của Việt Nam: Rước đèn, múa sư tử, múa lân, múa rồng, múa trống cơm, múa rối tay… và tiếp tục gây bất ngờ khi đưa các em gặp gỡ những nhân vật nổi tiếng với thiếu nhi khắp thế giới, như: Alibaba, thầy trò Đường Tăng - Tôn Ngộ Không, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, chị em công chúa tuyết Elsa và Anna, Người nhện… Những nhân vật xuất hiện trên sân khấu bất ngờ, sống động qua tài năng diễn xuất và điều khiển con rối nước, rối cạn của các nghệ sĩ.
Đón khán giả dịp Trung thu năm nay tại Rạp Xiếc trung ương là vở xiếc mới “Biệt đội anh hùng” do các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam sáng tạo và thể hiện. Vở diễn dài 70 phút, đưa các em nhỏ vào câu chuyện giả tưởng, nhưng đầy tính thời sự về các chiến binh Trái đất dũng cảm chiến đấu với những kẻ thù đến từ hành tinh lạ mang theo vi rút gieo mầm bệnh nguy hiểm. Các đạo diễn trẻ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Phùng Đắc Nhẫn, Bùi Hải Quân, Đinh Thị Liên, Trần Thanh Hoa cùng nhiều diễn viên tài năng không chỉ đưa khán giả trải nghiệm câu chuyện thú vị bằng những màn đu bay, nhào lộn, tung hứng, xiếc thú, mà còn khiến các em mãn nhãn với nghệ thuật ánh sáng điện tử mới lạ, độc đáo.
Cũng là những màn biểu diễn xiếc táo bạo, hồi hộp, hấp dẫn trên sân khấu tròn, nhưng nhạc kịch “Đêm hội trăng rằm 2022 - Khu rừng hạnh phúc” của các nghệ sĩ trẻ Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam mang đậm màu sắc lễ hội. Khán giả nhí được bước vào khu rừng xanh kỳ diệu, gặp gỡ các con vật vui tính, tinh nghịch trong âm nhạc và những vũ điệu.
Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với Trung tâm Sự kiện Star Galaxy đem đến khán giả vở “Húc - Cuộc chiến thuyền trưởng” do Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Lâm Tùng đạo diễn. Dựa trên cốt truyện “Peter Pan - Cậu bé dũng cảm”, cùng hiệu ứng sân khấu bán nguyệt sống động, vở diễn không chỉ đem đến những tràng cười hồn nhiên, mà còn chứa đựng bài học về tình bạn, sự đoàn kết. Nhà hát Tuổi trẻ cũng góp mặt trong mùa nghệ thuật Trung thu năm nay với chương trình “Dạ tiệc đêm rằm” vào tối 10-9, tại Rạp Tuổi trẻ...
Mang đến niềm hào hứng với nghệ thuật
Trung thu năm nay vào cuối tuần, gần với dịp nghỉ lễ Quốc khánh và khai giảng năm học mới, nên các đơn vị nghệ thuật tổ chức đón khán giả từ đầu tháng 9.
Là một trong những khán giả đầu tiên trong chương trình múa rối “Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng” của Nhà hát Múa rối Thăng Long, em Phạm Nguyên Khánh, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) hào hứng nói: “Con được gặp gỡ nhân vật yêu thích, lúc thì thấy trên sân khấu, có lúc ở dưới nước, khi lại ở ngay khán đài, rất vui”.
Nghệ sĩ ưu tú Đức Hùng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, tác giả kịch bản và đạo diễn chương trình này cho biết: “Chúng tôi muốn thực hiện những chương trình nghệ thuật để các em nhỏ hứng thú, xa dần các thiết bị điện tử. Thiếu nhi thích những hình ảnh thay đổi liên tục, có nhiều bất ngờ, có sự linh hoạt, sôi nổi, vừa truyền thống, vừa hiện đại, với tính giáo dục nhẹ nhàng, tự nhiên”.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ, việc thưởng thức nghệ thuật góp phần giúp trẻ nhỏ phát triển bản thân toàn diện, có thái độ sống tích cực hơn. Nghệ thuật là phương thức truyền đạt kiến thức, bài học một cách thú vị, hấp dẫn. Việc theo dõi diễn biến kịch, lời thoại giúp trẻ rèn luyện sự tập trung. Những chuyển động của âm thanh, ánh sáng giúp tăng kỹ năng phân biệt không gian và nâng cao trực giác của trẻ.
Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, để trẻ luôn hào hứng với nghệ thuật, đơn vị liên tục thay đổi chương trình, kịch mục. Các đạo diễn trẻ của đơn vị đang dồi dào sáng tạo, bắt gu của khán giả nhí để đem đến những màn biểu diễn đầy cảm hứng.
Sau chương trình “Mùa hè yêu thương 2022” tạo sân khấu biểu diễn cố định cho thiếu nhi vào tối thứ bảy hằng tuần tại Nhà hát Tuổi trẻ, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho hay, bước vào năm học, lịch sinh hoạt của trẻ nhỏ cũng thay đổi, vì vậy, qua mùa diễn Trung thu này, nhà hát sẽ chọn giờ diễn cố định, phù hợp để các em đến thưởng thức nghệ thuật thường xuyên hơn.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giai-tri/1041086/mua-nghe-thuat-trung-thu-tao-hung-khoi-cho-tre-em