Cúc chuẩn bị ra ruộng cắt hoa thì chuông điện thoại réo vang, người mua hoa bán buôn báo sẽ không lấy hàng nữa.
Cuộc điện thoại đến vào ngày cuối tháng 3. Từ 1/4, chợ hoa Quảng Bá, đầu mối hoa lớn nhất Hà Nội tạm đóng cửa trong thời gian cách ly xã hội nửa tháng.
"Thế là ngày này cũng đến", Cúc nhìn ruộng ly đang kết nụ to bằng ngón tay cái mà buốt ruột. Từ rằm tháng Giêng, dịch diễn tiến xấu, đám cưới hoãn, hội hè ngưng cũng là lúc hoa bán kém. Sào rưỡi hoa cúc vàng chị để dành trước Tết, những ngày đầu tháng Giêng còn bán được 300.000 đồng một bó năm mươi bông, sau tụt xuống còn 100.000 đồng, rồi chỉ còn 30.000 đồng "rẻ như cho". Ngày cuối tháng Ba, những gốc ly đỏ cuối cùng đến tay thương lái chỉ còn 80.000 đồng, thay vì 150.000 đồng như lúc đắt hàng.
Những người trồng hoa quanh Hà Nội, ở Tây Tựu, Phú Thượng, Nghi Tàm... mỗi lần gieo hạt hoa xuống là một lần "đánh canh bạc với trời", phụ thuộc vào thời tiết. Bây giờ, sinh kế của họ còn phụ thuộc vào dịch bệnh.
Chợ đầu mối hoa ngừng hoạt động, gia đình chị Cúc phải tự cắt hoa mang đi chợ dân sinh để bán. Ảnh: Thanh Huế. |
Không có người đến tận ruộng cắt hoa, Cúc đành xoay sang hướng khác. Chiều hôm ấy, vợ chồng chị cắt độ 500 gốc ly để sáng hôm sau tự đem đi bán, "để nó bung cánh hết thì bán cho ma".
Đêm ấy, Cúc khó ngủ, 3h sáng đã trở dậy, mang hoa xuống tận chợ Hà Đông. Những ngày giãn cách xã hội, người đi chợ vãn hẳn. Cúc phải hạ giá cho nhanh hết hàng. Những cành ly thân mập bằng ngón tay cái, trổ bốn đến sáu nụ trước bán 12.000 đồng không bớt một xu, giờ chỉ còn 7.000 đồng mà người đi chợ vẫn kỳ kèo muốn bớt. Chị đành gật đầu, bán không hết về gửi kho lạnh lại tốn 50.000 đồng một ngày.
"Thà lỗ còn hơn không bán được, hoa có mang về mà xào được đâu", Cúc thở dài. Bây giờ, mỗi nhát dao hạ xuống một gốc ly, chị mất trắng 5.000 đồng so với tháng trước.
Trên cánh đồng chiều cuối tháng 4, Cúc xỏ ủng, đội nón mê đi chụp từng mảnh lưới lên nụ hoa ly đang chớm nở. Đó là cách mà một tuần nay người nông dân Tây Tựu "hãm" không cho hoa nở sớm, để mong bán hơn 5.000 gốc ly trong vòng một tuần. Nhưng dù đã cố xoay sở, "hoa đến thì hoa phải nở", những miếng lưới cũng chỉ "ngăn" bông hoa đã đến kỳ khai nhuỵ chậm dăm ba ngày.
Những ngày đầu tháng 4, hoa ly nở và người dân vẫn phải thu hoạch dù giá hoa giảm từ 12.000 xuống còn 7.000 đồng một cành. Ảnh: Thanh Huế. |
Cúc người làng Đăm, phường Tây Tựu (Bắc Từ Liêm). Mảnh đất nằm ở phía Tây Hà Nội, nơi trồng hoa và dịch vụ liên quan là nghề mưu sinh của người dân. Cúc 30 tuổi, từ lúc biết nhớ đã thấy bố mẹ sớm hôm ngoài ruộng, phun thuốc, tỉa cành, chăm hoa còn nhiều hơn chăm hai đứa con gái. Cúc lấy chồng, lại tiếp tục trồng hoa.
Năm 2008, Hà Nội ngập lụt suốt một tuần. Khi nước rút cũng là lúc những gốc hồng, hoa cúc thối rễ, bốc mùi trong chân ruộng. Năm ấy, Tây Tựu mất mùa. Nên về sau nông dân đi tìm chỗ cao hơn, họ thuê hàng chục mẫu đất bên Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) cách Tây Tựu gần chục km, cắm sào, quây lưới chuẩn bị cho vụ mùa gieo hạt hoa mới. Nhà Cúc cũng thuê bảy sào trồng hoa ly, hoa cúc. Quãng dăm năm trước, người Hà Nội rộ lên mốt chơi loa kèn độ tháng Tư, vợ chồng Cúc lại trồng thêm hai sào để bán.
Cúc thấy "số mình vẫn còn may vì làm ăn cò con", không đi vay lãi ngân hàng. Trước vụ mới vào tháng Tám năm ngoái, chị vay gần trăm triệu đồng đổ vào bảy sào hoa. Bây giờ mới thu lại được một nửa, đành nhắn tin khất hẹn trả nợ cho đến kỳ thu hoạch hoa tiếp theo. Ruộng hoa ly vẫn còn đến hai phần ba chưa cắt. Những khóm tầm bóp, cỏ dại mọc đầy chân ruộng thu hoạch xong. Cúc chưa vội làm đất, cứ để đấy nghe ngóng xem dịch bệnh thế nào mới dám bắt tay vào vụ mới.
Chưa có một thống kê chính thức nào về thiệt hại của Covid-19 đến vựa hoa Tây Tựu, nhưng ở ruộng hoa đối diện nhà Cúc, anh Nguyễn Tự Ngọc, 35 tuổi, đã có thể nhẩm tính ngay "mỗi gốc ly đỏ lỗ 7.000 đồng, còn ly cam lỗ 2.000 đồng so với tiền mua củ trồng. Ba ngày sau "cách ly xã hội", vợ chồng người làng Hạ, Tây Tựu chặt sào ly đỏ cuối cùng, bán đổ sỉ 80.000 đồng mỗi bó mười cành. Cùng thời điểm này năm trước, nó vẫn có giá 270.000 đồng.
Anh Ngọc hàng ngày ra chăm sóc vườn hoa dù biết lúc này bán lỗ. Ảnh: Thanh Huế. |
Trong tất cả những loài hoa trồng trên đất Tây Tựu, các giống ly luôn là loài hoa "tốn tiền nuôi" nhất. Mỗi củ hoa giống, rẻ là loại màu cam, giá 8.000 đồng, đắt nhất là ly đỏ, giá 13.000 đồng, thời gian chăm bón dao động từ 70 đến 90 ngày, tùy lạnh, ấm. Ngọc nhẩm tính, mỗi sào ly đỏ từ ngày vùi xuống đất, thêm công chăm bón, phân gio, đến kỳ thu hoạch vị chi mất "đôi cây vàng".
Trên cùng bốn sào ruộng thuê giá 8 triệu đồng mỗi năm, từng là nơi chứng kiến những vụ hoa hái ra tiền, và cả những lúc vợ chồng Ngọc nuốt nước mắt chặt hoa vứt đầy bờ ruộng.
Giữa tháng 11 năm 2016, họ trồng ba sào ly đỏ, một sào cúc vàng, căn đủ vòng đời 90 ngày của ly để bán Tết. Năm ấy nắng ấm, chớm Chạp hoa đã nở bung cả vườn. Cái kho lạnh đầu tư hơn trăm triệu đồng cũng chỉ cứu được nửa sào ly cuối cùng, bán vào 27 Tết. Tết ấy, không biết bao người Tây Tựu đón năm mới trong tiếng thở dài. "Trẻ con trong nhà vẫn vui vì có bánh kẹo ăn, chỉ người lớn là buồn", vợ Ngọc nhớ lại.
Năm nào gieo củ ly xuống ruộng, những người trồng hoa như Ngọc, như Cúc, cũng chỉ nhắm mắt cầu \'trời thương". Năm nay, là một vụ hoa ly "trời thương", nhưng chỉ về thời tiết. Tháng 2, Việt Nam lần lượt ghi nhận các ca dương tính nCoV tại Vĩnh Phúc, dịch vẫn còn cách xa vườn hoa ly của Ngọc. Một tuần ba lần, anh vẫn ra ruộng chăm hoa.
Nhưng một tháng sau, Hà Nội ghi nhận "bệnh nhân 17". Các sự kiện ngừng, cưới hỏi, cơ quan, nhà hàng, rồi người dân đi chùa cũng dần thưa, không cần đến hoa. Những khóm ly đỏ bắt đầu tụt giá còn một nửa, chỉ hơn 100.000 đồng một bó mười cành. Đến ngày giãn cách xã hội, bán những bó ly đỏ cuối cùng, biết mỗi nhát dao chặt xuống là hụt vốn, họ vẫn phải đội mưa đi chặt.
"Mỗi năm lỗ một kiểu, quen rồi", Ngọc ngồi bên bờ ruộng, quệt mổ hôi cười buồn. Trong cái nắng tháng Tư, nửa sào cúc vàng đã cho thu hoạch mà thương lái không vào hỏi mua. Vợ Ngọc cũng đang cầm lưới đi "chụp nụ" hoa. Mười sáu năm làm hoa, đây là lần đầu anh Ngọc thấy mình mất phương hướng nhất.
Chợ hoa Quảng Bá đã tạm ngừng hoạt động từ 1/4. Ảnh: Thanh Huế. |
Chợ hoa Quảng Bá tạm ngừng buôn bán từ ngày 1/4 , lần đầu tiên sau hàng chục năm hoạt động. Hai hàng barie sắt giăng kín hai đầu, ngăn người ra vào. Chợ hoa lớn nhất miền Bắc từng dập dìu kẻ bán người mua từ nửa đêm hôm trước tới trưa hôm sau, giờ chỉ còn bàn ghế xếp chồng lên nhau, nằm im lìm. Những mẻ hoa từ các làng Tây Tựu, Phú Thượng, Nghi Tàm không còn theo xe tải đi khắp miền Bắc, mà được người dân xếp sau xe máy chở đi các chợ dân sinh vẫn mở cửa.
Cũng có một số người tranh thủ bán dọc đường. "30.000 đồng một bó 17 bông, không bán kém đâu", người phụ nữ trung niên báo giá. Trên chiếc mẹt chằng sau yên xe máy dựng ven hồ Tây bày hơn chục bó hoa loa kèn.
Nửa cuộc đời trồng hoa bên đất bãi sông Hồng, bà Mai Thị Vân, người Phú Thượng, Tây Hồ chưa bao giờ cảm thấy bán hoa khổ sở như lúc này. Hoa không nằm trong danh mục mặt hàng thiết yếu. Bà Vân biết rằng, từ ngày 1/4, trùng dịp vườn loa kèn vào vụ, sẽ không thương lái nào vào tận nhà chặt hoa, đếm tiền tươi trả như mọi năm nữa...
Ngọc nhiều lần muốn bỏ nghề hoa, vì sợ cái cảnh thấp thỏm "trông trời trông đất trông mây". Nhưng vợ cản. Ba đời nhà Ngọc và vợ đều lớn lên, mưu sinh ở đất Tây Tựu bằng những gốc hoa. Thu hết đợt cúc này, vợ chồng sẽ lại dọn cỏ, ủ đất, đợi hết dịch đội nón ra đồng gieo hoa như bao năm trước.
Chiều 7/4, thông tin Hạ Lôi (Mê Linh) bị phong toả vì xuất hiện ca bệnh 243 bay đến tai những người trồng hoa Tây Tựu. Trong 23 ngày ủ bệnh, người đàn ông đó đã đi nhiều nơi, có nhiều mối làm ăn với một số người buôn hoa Tây Tựu ở chợ Quảng Bá. Người trồng hoa như Cúc, hay Ngọc, đều tránh nghĩ về viễn cảnh xấu nhất: Cả làng bị phong toả, "lúc đó hoa có héo rũ ở ruộng cũng không làm gì được".
Phương Lam
Cách ly 28 ngày, người dân Hạ Lôi ứa nước mắt nhìn hoa úa ngoài ruộng
Do có người mắc Covid-19, thôn Hạ Lôi bị cách ly 28 ngày. Hàng trăm ha hoa, cây cảnh chuẩn bị thu hoạch có nguy ... |