Theo nghiên cứu, mũ bảo hiểm đạt chuẩn có thể làm giảm tỉ lệ tử vong 40-42% và giảm tỉ lệ thương tật nặng lên tới 69% khi xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn sử dụng những chiếc mũ nhựa hình lưỡi trai mỏng mảnh.
Nhan nhản vỉa hè, tràn trề trên mạng
Đỗ xịch xe máy sát vỉa hè phố Lê Duẩn (Q. Đống Đa, Hà Nội), đôi nam nữ với tay chọn một cặp mũ bảo hiểm có hình lưỡi trai đang được bày bán la liệt trên tấm ni-lông trải dọc vỉa hè. Không cần hỏi giá, cậu thanh niên chọn một chiếc màu hồng đội lên đầu cho bạn gái rồi lấy cho mình một chiếc màu xanh dương bóng bẩy. Chỉ có 80 nghìn đồng cho hai chiếc mũ, họ nhanh chóng trả tiền, vứt lại sọt rác gần đó cặp mũ cũ có hình dáng tương tự.
Chia sẻ với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL), cậu thanh niên tên là Nguyễn Quốc Anh cho biết, loại mũ này vừa nhẹ vừa rẻ lại phong phú về màu sắc, họa tiết nên cậu vẫn thường dùng, sau vài tháng trông cũ cũ thì vứt đi mua cái mới.
Các điểm bán mũ bảo hiểm “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không tem kiểm định chất lượng. |
Khi được hỏi vì sao không chọn mua mũ bảo hiểm của những hãng uy tín, Quốc Anh nói: “Hầu hết giới trẻ bây giờ đều sử dụng loại mũ này, tôi cũng dùng vì công an cũng không xử phạt khi đội loại mũ này khi điều khiển mô tô, xe máy”. Khi được hỏi về mức độ an toàn của loại mũ đang sử dụng, Quốc Anh nói: “Nhìn thấy mỏng mỏng, chắc là không đảm bảo an toàn rồi, nhưng đi loanh quanh trong thành phố chắc không sao. Khi nào đi xa hơn, tôi sẽ đội mũ “xịn” mua tại cửa hàng chuyên bán mũ bảo hiểm”.
Còn chị Lê Diễm Quỳnh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) – một người thường xuyên mua mũ bảo hiểm trên Internet - thì chia sẻ: “Biết loại mũ lưỡi trai nhiều màu sắc được bán đầy trên mạng là hàng trôi nổi không đảm bảo an toàn nhưng là phụ nữ, tôi vẫn dùng vì nó nhẹ đầu, trông không quá nặng nề như các loại mũ bảo hiểm khác nên không bị xẹp tóc nếu đội cả quãng đường dài”.
Anh Quốc Anh, chị Diễm Quỳnh và rất nhiều người đang sử dụng loại mũ này, khi được hỏi, đều xác nhận chưa từng bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt vì lỗi mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Thậm chí có người nói, đi vài cây số trong nội thành, đội mũ chủ yếu để đối phó CSGT là chính.
Theo tìm hiểu của PV, loại mũ “lưỡi trai” này được bày bán tràn lan trên vỉa hè Hà Nội và nhan nhản trên mạng, với mức giá 30 – 90 nghìn đồng/chiếc. Với giá bán quá rẻ như vậy, không có gì khó hiểu khi chúng chỉ có duy nhất một miếng mút mỏng bên trong mũ, không có phần lõi xốp để bảo vệ phần đầu cho người dùng trước những tác động va đập.
Không có thuật ngữ “mũ bảo hiểm lưỡi trai”
Vừa qua, ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG) và quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) công bố kết quả nghiên cứu về chất lượng mũ bảo hiểm do Quỹ này phối hợp với trường đại học Y tế công cộng khảo sát.
Theo đó, trong số 540 mũ bảo hiểm (đang được sử dụng của người lớn và trẻ em) được thu thập ngẫu nhiên tại TP.HCM và tỉnh Thái Nguyên, có tới 25,9% số mũ là mũ dạng “lưỡi trai”.
Điều đáng nói, chỉ có 10,1% trong tổng số 540 mũ mang vào thử nghiệm đạt tiêu chuẩn đối với thử nghiệm va đập theo quy trình thử nghiệm quy định tại QCVN2: 2008/BKHCN (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy); 89,9% còn lại là không đạt tiêu chuẩn an toàn.
Đề xuất loại bỏ mũ bảo hiểm lưỡi trai vì không đạt tiêu chuẩn. |
Trao đổi về vấn đề trên, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG - nhận định, kết quả nghiên cứu đã phản ánh một phần thực trạng sử dụng mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn chất lượng của người tham gia giao thông hiện nay, mặc dù số lượng mẫu khảo sát còn hạn chế.
“Điều này đặt ra những câu hỏi lớn đối với hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, vốn là loại sản phẩm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của nhân dân hiện nay”, ông Hùng nói.
“Tôi đề nghị phải bỏ ngay cụm từ "mũ bảo hiểm lưỡi trai" trong báo cáo. Không có thuật ngữ nào là "mũ bảo hiểm lưỡi trai" cả. Trong số người ngã xuống đường thì đa số bị chấn thương đầu, trong khi đó nghiên cứu cho thấy, nếu đội mũ đạt chuẩn thì có thể giảm chấn thương sọ não rất nhiều nếu có va chạm. Tôi cho rằng cần siết chặt vấn đề quản lý chất lượng mũ bảo hiểm hiện nay”, người phụ trách UBATGTQG chia sẻ thêm.
Liên quan đến vấn đề mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn, một lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông TP.Hà Nội cho biết, “Tôi chứng kiến đã có nhiều trường hợp tai nạn giao thông xảy ra, người tham gia giao thông bị chấn thương nặng vùng đầu do sử dụng loại mũ lưỡi trai quá mỏng, dễ vỡ. Những trường hợp đó, mũ chẳng những không bảo vệ được đầu mà còn cắm ngược trở lại phần đầu và dẫn đến tử vong hoặc tổn thương não”, vị lãnh đạo thông tin. Tuy nhiên, vị này cũng cho hay, CSGT nhiều khi lúng túng khi xử phạt những trường hợp này vì chỉ đạo của cấp trên thiếu nhất quán, trong khi người đội mũ không đạt chuẩn thì quá nhiều.
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức - cho biết: “Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quy định về tiêu chuẩn của mũ bảo hiểm cho người tham gia giao thông, còn những loại mũ “lưỡi trai” thì không coi là mũ bảo hiểm xe máy. Mũ “bảo hiểm lưỡi trai” thực chất không đảm bảo an toàn vì được sản xuất với chất lượng kém, không thể bảo vệ được phần đầu khi tai nạn giao thông xảy ra. Mặc dù loại mũ này rất dễ vỡ, nhưng nhiều người vẫn sử dụng một cách chống đối, chủ yếu để tránh bị cảnh sát giao thông phạt”.
Theo vị chuyên gia, để có thể loại bỏ được thói quen sử dụng mặt hàng này là rất khó. Trước đó, có nhiều dự kiến và có thời điểm UBATGTQG quyết định bỏ loại mũ này, nhưng sau một thời gian vấn đề lắng xuống, bộ Công an thì nói không nhận được kế hoạch nên kế hoạch lại không thành công.
“Để có thể giải quyết dứt điểm vấn đề này, chúng ta vẫn phải tuyên truyền cho người dân hiểu, kèm theo đó phải có chế tài nhất định đối với những trường hợp không chấp hành”, ông Đức nói.
Bắt giữ 390.000 khẩu trang y tế và gần 1.000 mũ bảo hiểm |
Bức ảnh sinh viên Thái Lan đội mũ bảo hiểm trong phòng thi gây xôn xao |
Hoa hậu Lương Thuỳ Linh tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 |