Ngay sau thông tin "nước nhiễm Styren" chiều 15/10, đường dây nóng của Công ty nước sạch Hà Nội "cháy máy" bởi hàng nghìn cuộc gọi.
Ngày 12/10, về Hà Nội sau chuyến công tác Đà Nẵng, chị Linh thấy nước máy từ vòi ra nồng nặc mùi clo nhưng vẫn dùng để nấu ăn vì "bình thường nước vẫn có mùi này". Chị không hề biết, đây là thời điểm mà Công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã tăng hàm lượng clo để "xử lý dầu loang" trong nước nhiễm bẩn.
Hai ngày sau đó, có tin nước máy bị nhiễm dầu thải, có chất styren cao gấp gần 4 lần mức cho phép. Khi chính quyền khuyến cáo người dân "không dùng nước sạch sông Đà để ăn, uống" đã là ngày thứ năm Linh và những người khác tắm giặt, nấu ăn bằng thứ nước này. Gia đình chị chuyển sang ăn nước đóng bình, tắm giặt dùng nước sông Đà đã qua một lần máy lọc. Vẫn không yên tâm, chị "sơ tán" hai con trai 4 tuổi và 2 tuổi về quê ngoại ở Việt Trì. Cuối tuần xong việc, chị cũng sẽ về "lánh nạn" mấy hôm.
Người dân chung cư HH Linh Đàm xếp hàng chờ lấy nước sạch về dùng. Ảnh: Ngọc Thành. |
Sáng 18/10, nhìn chậu nước để qua đêm không có cặn, chị Linh mới đỡ lo. Bể chứa nước của một số toà chung cư Linh Đàm đồng loạt được sục rửa chiều qua. Nhưng Linh chưa dám nấu ăn bằng thứ nước này mà đợi kết quả xét nghiệm.
Nửa ngày sau khi chính quyền thông báo "nước nhiễm styren", bốn xe tec được Công ty nước sạch Hà Nội huy động "ứng cứu" cho các khu dân cư. Ba nhà máy, một trạm cấp nước mở 24/24 để người dân lấy nước sinh hoạt miễn phí. Đường dây nóng của Công ty nước sạch Hà Nội "cháy máy" khi nhận hàng nghìn cuộc gọi xin cấp nước từ khắp nơi trong thành phố. Nhưng 40 m3 nước từ 4 xe tec như muối bỏ bể so với nhu cầu của hơn 1 triệu người.
Cuộc khủng hoảng được đẩy lên mức độ cao hơn khi chiều 16/10, Viwasupco thông báo ngừng cấp nước để súc xả đường ống và "không hẹn ngày cấp trở lại".
Người dân ùn ùn đi "vơ vét" nước bình, nước đóng chai để tích trữ. Kệ nước các siêu thị, cửa hàng khu vực Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm trống trơn dù liên tục được bổ sung hàng. Ai chậm chân thì không có nước. 18h20, chủ đại lý nước ở Thanh Xuân cho biết chị đã chính thức "sập nguồn" khi tiếp nhận gần 1.000 đơn hàng trong buổi chiều. Ba kho hàng, mỗi kho chứa hơn nghìn lít nước đóng chai "thất thủ", không còn một giọt. Điện thoại liên tục đổ chuông, chị không dám nghe vì không còn hàng cung cho khách.
Dịch vụ xe bồn, xe téc cấp nước hoạt động hết công suất vẫn quá tải. Đêm 16/10, Ban quản lý Khu đô thị Splendora Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức) đã phải ra thông báo không thể thuê xe téc, xe bồn chở nước cho cư dân dù đã cố gắng liên hệ. Bởi nguồn cấp nước đang khan hiếm ở mức báo động, cần ưu tiên cho trường học, bệnh viện. Tòa nhà khuyến khích cư dân dùng nước tiết kiệm và hỗ trợ ban quản lý tìm kiếm nguồn cấp nước mới.
Các khu vực bị luân phiên cắt nước để sục rửa đường ống khiến nước dùng cho sinh hoạt tối thiểu cũng cạn. Người dân chung cư Gemek 1 An Khánh phải rửa bát đũa, giặt quần áo bằng nước bể bơi, xách nước lên dội bồn cầu, hứng nước mưa để dùng tạm.
Người dân một khu đô thị múc nước bể bơi để sinh hoạt. Ảnh: Hà Trang. |
Nhiều trường học đồng loạt chuyển sang nước đóng bình để nấu bán trú cho học sinh.
Dù đến thời điểm này, Sở Giáo dục Hà Nội chưa có bất kỳ văn bản khuyến cáo nào cho các trường trước sự cố "nước nhiễm dầu thải".
Trường mầm non Little Garden, trụ sở ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân đã dùng nước đóng bình từ hôm 10/10, khi rộ lên thông tin nước có mùi dầu hắc. Từ thời điểm đó, trường cũng ngưng dùng nước sông Đà vì "không tin tưởng". Kinh nghiệm từ vụ cháy nhà máy Rạng Đông khiến nhà trường nhanh chóng ra phương án đề phòng.
"Không thể mạo hiểm với sức khỏe của 37 học sinh từ 1 đến 5 tuổi ", chị Nguyễn Thúy, hiệu trưởng kết luận bởi tác hại của nước nhiễm độc sẽ không nhìn thấy ngay. Chi phí mua nước đóng bình hết 2 triệu mỗi ngày, trường sẽ cầm cự đến khi nào tình hình ổn định trở lại mới thôi.
Một ngày nhận được 10 thông báo về nước nhưng văn bản khiến vợ chồng chị Nguyễn Thị Huyền, sống ở khu đô thị trên đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm lo lắng nhất đến từ Ban giám hiệu trường học của con trai. Ngôi trường tiểu học ở phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, thuộc địa bàn cung cấp dịch vụ của "công ty nước nhiễm dầu thải", theo cách gọi của Huyền.
Theo thông báo, phải đến 14/10, nhà trường mới thấy có mùi lạ và bắt đầu sử dụng nước đóng bình để nấu các bữa ăn trưa cho trẻ. Việc này sẽ còn kéo dài cho đến khi nào, chính ban giám hiệu cũng chưa thể biết chắc. Đồng nghiệp của Huyền cũng đồng loạt nhận được những thông báo tương tự từ các trường, chủ yếu ở quận Hoàng Mai và Thanh Xuân.
Nước đóng chai bị vét sạch trên kệ hàng của một siêu thị lớn tối 16/10, khi nhà máy Sông Đà ngừng cấp nước để xúc rửa ống. Ảnh: Ngọc Thành. |
Ở góc khác của thành phố, cư dân liên tiếp phải hứng chịu sự cố môi trường, nước ô nhiễm chỉ trong vòng hơn một tháng.
Những ngày qua, nhân lực trong nhà chị Phạm Minh Trang (quận Thanh Xuân) đều được huy động đi kiếm nước. Cậu con trai lớp Tám, thay vì ngồi xem tivi đợi cơm tối, sẽ cầm tiền xuống siêu thị, thấy bao nhiêu mua bấy nhiêu. Riêng anh chồng được giao mua nước ngay trên phố Bà Triệu gần cơ quan.
Ba ngày trước, người chị Trang nổi mẩn đỏ, ngứa râm ran khi tắm nước máy nhiễm dầu thải. Chiếc máy lọc nước dùng riêng cho nấu ăn và uống của gia đình cũng không khử hết được mùi hôi và khét. "Khủng hoảng, bực bội và bức xúc" là tâm trạng thường trực của chị trong những ngày qua. Chỉ trong vòng một tháng rưỡi, họ đã trải qua ba cuộc khủng hoảng tinh thần mang tên "thủy ngân, bụi mịn và nước nhiễm độc".
Vụ cháy kho Rạng Đông phát tán thủy ngân ra môi trường, nằm cách nhà chị chưa đầy 700 mét. Khi những cư dân phường Hạ Đình dần trở về sau thời gian tạm "sơ tán" tránh thuỷ ngân, chị Trang tưởng cuộc sống đã được bình yên. Cho đến ngày chị được thông báo bụi mịn tăng vọt trong không khí, rồi "nước sạch nhiễm styren". 45 ngày qua, cửa sổ căn hộ nằm trên tầng 15 luôn đóng kín mít. Cả ngày chỉ bật quạt và điều hòa. Trước đây, chị cài phần mềm theo dõi chất lượng không khí trên điện thoại. Bây giờ chị "chán không buồn theo dõi nữa".
Người dân mong muốn, chính quyền Hà Nội sẽ phản ứng nhanh và quyết liệt hơn khi có sự cố.
"Thành phố khuyến cáo người dân quá chậm", chị Trang thẳng thắn. Thời điểm nhận được thông tin "không ăn, uống nước sạch sông Đà" đã là ngày thứ năm người dân ngửi thấy mùi dầu hắc, và là ngày thứ sáu nguồn nước bị nhiễm dầu thải. Chị mong nếu chẳng may có sự cố tương tự, chính quyền nên sớm có biện pháp để bảo vệ người dân. Việc dùng nước bị nhiễm dầu thải ảnh hưởng sức khỏe ra sao, cơ quan y tế cũng cần có cảnh báo.
Ngày hôm qua, "nước sạch sông Đà" đã cấp trở lại, nhưng vẫn chưa thể ăn uống. Người dân lại tiếp tục ngóng đợi thông báo "nước đã an toàn" từ cấp có thẩm quyền. Nhà chị Huyền sẽ dùng nước đóng bình để nấu nướng cho đến khi nào "thành phố bảo ăn được thì ăn". Cơn khủng hoảng nước khiến chị lần đầu tiên nghĩ nơi này không thể là chỗ ở lâu dài cho cậu con trai 6 tuổi. Còn gia đình chị Linh sẽ thay toàn bộ 9 lõi của máy lọc nước. Tốn 5 triệu, nhưng giúp Linh củng cố niềm tin nước sẽ bớt bẩn. Bởi lần nào thay lõi, chị cũng thấy một lớp bùn đen kịt bám kín.
Các khu vực bị ảnh hưởng bởi nước nhiễm bẩn (bấm vào hình để xem chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành - Võ Hải. |
Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy mẫu, xét nghiệm vào ngày 11/10, dự kiến có kết quả sau bảy ngày.
Ngày 14/10, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình). Sau đó, dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà. Sự việc được một số cán bộ công ty phát hiện từ sáng 9/10, nhưng không báo cáo nào với cơ quan chức năng; không ngăn chặn ô nhiễm.
Ngày 15/10, gần một tuần sau tình trạng trên, Hà Nội họp báo cho biết nước bị nhiễm độc và đưa ra khuyến cáo "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống".
Ngày 17/10, công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015. Trong cuộc họp báo cùng ngày, khi được hỏi có đền bù thiệt hại cho người dân không, lãnh đạo Viwasupco nói "Chúng tôi mới là nạn nhân lớn nhất".
Hơn sáu triệu dân thủ đô được phân bố nước sạch như thế nào |
Lớp "phòng thủ" trăm mét chống dầu bảo vệ nhà máy nước sông Đà |
Danh tính 2 nghi phạm đổ trộm dầu thải đầu độc nguồn nước sông Đà |