Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục kiềm chế miễn là Hàn Quốc và Mỹ không có những hành động mà Bình Nhưỡng xem là mối đe dọa
Truyền thông Triều Tiên hôm 11-6 kêu gọi Mỹ rút lại chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng hoặc những thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore cách đây đúng 1 năm có thể trở thành "tờ giấy lộn". "Chính sách kiêu ngạo và đơn phương của Mỹ sẽ không bao giờ có tác dụng đối với Triều Tiên, quốc gia vốn coi trọng chủ quyền" - Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cảnh báo.
Đây là cảnh báo thứ 6 được KCNA đưa ra kể từ hôm 20-4. Chúng phần nào phản ánh tình trạng bế tắc trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau 2 lần, trong đó lần đầu tiên tại Singapore ngày 12-6-2018.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 10-6 kỳ vọng các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và với Mỹ sẽ sớm được nối lại. Theo hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết các cuộc thảo luận về việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 3 đang diễn ra. Tổng thống Trump hồi tuần trước cũng cho biết ông muốn tiếp tục gặp ông Kim vào thời điểm thích hợp.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho hay sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) tại Nhật Bản vào cuối tháng này, ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ đến Hàn Quốc gặp Tổng thống Moon.
Một bản tin truyền hình về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên được phát tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản hôm 12-6-2018. Ảnh: Reuters
Chưa rõ liệu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3 có diễn ra hay không nhưng ông Joshua Pollack, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), nhận định ông Trump và ông Kim đã đạt được một thỏa thuận hời hợt và mơ hồ ở Singapore… trước khi bất đồng giữa hai bên gia tăng.
Tờ Japan Times (Nhật Bản) dẫn lời ông Pollack cho biết thêm rằng trong thời gian này, nhà lãnh đạo Kim có thể tiếp tục tôn trọng cam kết đơn phương hồi tháng 4-2018, theo đó không tiến hành thử tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc các thiết bị hạt nhân. Cũng theo chuyên gia này, sự kiềm chế của Triều Tiên sẽ còn tiếp diễn miễn là Seoul hoặc Washington không có những hành động mà Bình Nhưỡng xem là mối đe dọa. Tuy nhiên, chính quyền ông Kim vẫn sẽ gia tăng áp lực đối với ông Trump, đe dọa đến một trong những thành tựu đối ngoại của ông giữa lúc nhà lãnh đạo Mỹ khởi động chiến dịch tái tranh cử.
Cho đến nay, Tổng thống Trump vẫn thận trọng với bất kỳ hành động nào có nguy cơ làm bùng nổ trở lại cuộc đối đầu giữa hai bên. Ông chủ Nhà Trắng từng cam kết sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, các chuyên gia nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên gần như sẽ không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ. Thay vào đó, ông Kim có thể sẽ tranh thủ tăng cường kho vũ khí của Triều Tiên trong lúc tiếp tục ép Mỹ trở lại bàn đàm phán.
Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia dự đoán trong lúc các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên vẫn chưa được dỡ bỏ, Washington có thể sẽ gây áp lực buộc Bình Nhưỡng nhượng bộ dù bước đi này có nguy cơ thúc đẩy Triều Tiên nối lại các hành động khiêu khích như trước đây. Vì thế, ngay cả khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều quay trở lại bàn đàm phán, hai bên vẫn khó có thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề chấp nhận để Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Một năm thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều: Ông Trump khoe nhận được thư "đẹp và rất ấm áp" từ lãnh đạo Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông nhận được bức thư đẹp và rất ấm áp từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Triều Tiên nói Mỹ 'phạm sai lầm lớn nhất' tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội
Bình Nhưỡng cho rằng Washington đã bỏ phí "cơ hội cả đời" khi không đạt thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim ... |
Xuân Mai