Một lĩnh vực của thị trường chứng khoán Mỹ có thể tăng tới 100% trong 30 tháng tới.
Đúng như dự đoán, Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã tuyên bố giữ nguyên lãi suất 5,25% - 5,50% sau cuộc họp chính sách ngày 11-12/6.
Đầu năm nay, thị trường còn đang dự đoán sẽ có 6 đợt cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 3. Nhưng đến lúc này, nhiều người hoài nghi không biết có đợt cắt giảm nào diễn ra hay không. Hiện các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, còn thị trường dự đoán có tới 2 đợt cắt giảm.
Nhưng liệu thị trường chứng khoán có còn quan tâm đến vấn đề này? Dù khả năng hạ lãi suất ngày một giảm, chỉ số S&P 500 vẫn tăng 14% từ đầu năm đến nay, liên tục lập đỉnh mới.
Giám đốc đầu tư James St. Aubin tại công ty Sierra Funds cho biết các chỉ số trung bình động độc quyền của họ đang báo hiệu đà tăng tiếp diễn của các cổ phiếu vốn hoá lớn của Mỹ.
Mặc dù tuyên bố của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell tuần trước cho thấy một thái độ diều hâu, chiến lược gia trưởng Brett Ewing cho biết sự phục hồi liên tục của thị trường chứng khoán là tín hiệu cho thấy thị trường đang nhìn lại những đợt cắt giảm lãi suất trong quá khứ và lạc quan về một nền kinh tế duy trì mạnh mẽ, cũng như doanh thu đang tăng trưởng vượt mong đợi.
Ông Ewing cho biết, thị trường đang nói với nhà đầu tư rằng dù khả năng cắt giảm lãi suất đã giảm từ 6 đợt xuống còn 1 đợt, chứng khoán vẫn tiếp tục tăng. Đây là năm thứ hai của thị trường giá lên bắt đầu từ ngày 22/10/2023. Các chuyên gia tin rằng thị trường còn rất nhiều chân trụ. “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy S&P 500 vượt 5.800 điểm trong năm nay”, Ewing nói.
Dù đều lạc quan, các chuyên gia lại có những dự đoán riêng về xu hướng tăng của thị trường. Tỷ trọng đều S&P 500 đi ngang, chỉ tăng 3,68% từ đầu năm đến nay. Ewing kỳ vọng rằng việc mở rộng ra khỏi thị trường sẽ khiến chỉ số này tăng cao hơn.
Chiến lược gia Ewing cho biết: “Chỉ số đánh giá từ vốn hoá nhỏ đến vốn hoá lớn hiện đang ở mức thấp nhất trong 24 năm. Đây có lẽ là một trong những điểm vào lệnh tốt nhất đối với các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ”.
Giám đốc chiến lược thị trường Mỹ David Sekera của Morningstar nói rằng nếu dự đoán của công ty ông là đúng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong nửa cuối năm nay sẽ tạo ra tâm lý tiêu cực đối với các cổ phiếu tăng trưởng cao đang dẫn đầu thị trường, cho phép các cổ phiếu giá trị trở nên vượt trội.
Chi phí vốn cao ảnh hưởng đến các công ty có nợ cao, làm giảm lợi nhuận và ảnh hưởng đến doanh thu. Các nhà đầu tư phần lớn thường xa lánh các công ty nhỏ, vì họ có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Chỉ số thị trường chứng khoán vốn hoá nhỏ Russell 2000 đang giao dịch ở mức thấp hơn khoảng 16% so với mức đỉnh năm 2021.
Ông Sekera lưu ý rằng điểm hấp dẫn nhất nằm ở giá trị vốn hoá nhỏ. Ông nói thêm rằng trước đây khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất, các cổ phiếu vốn hoá nhỏ thường hoạt động tốt hơn. Morningstar vẫn giữ nguyên dự đoán cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay.
“Nếu bạn tin rằng lãi suất sẽ giảm dần trong vòng 24 đến 30 tháng tới, toàn bộ lĩnh vực này đã sẵn sàng để bùng nổ. Chỉ số này có thể tăng từ 50% đến 100% trong 30 tháng tới”, Ewing nói về Russell 2000.
Nếu nhà đầu tư thực sự muốn săn hàng giá rẻ, bất động sản thực sự là một lựa chọn lý tưởng. Nhiều cơ hội vẫn còn trong các quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) vốn hóa vừa và nhỏ. Nhưng bạn sẽ cần phải chọn những cổ phiếu của công ty có giá trị tài sản ròng ổn định, bảng cân đối kế toán vững chắc, dự trữ tiền mặt cao và nợ thấp.
Chiến lược gia Ewing lưu ý nếu nhà đầu tư đang theo đuổi trí tuệ nhân tạo (AI) thì sẽ có rất nhiều tiền đổ vào lĩnh vực này. Ông gợi ý nên xem xét các cổ phiếu công nghệ vốn hóa nhỏ. Nhưng nhà đầu tư sẽ cần phải nghiên cứu kỹ và lựa chọn những công ty có lợi thế cạnh tranh vững chắc. Điều đó nghĩa là công ty có đội ngũ quản lý chất lượng, có tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm trên 20% và có EPS trên 15%.