Trong vai người trẻ tuổi với khát vọng khởi nghiệp, PV Báo Lao Động đã được tuyển dụng vào Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise (chi nhánh Hà Nội) và phát hiện ra sự thật đau lòng. Tại đó, các bạn trẻ mới chập chững vào đời sẽ được huấn luyện cách tiếp cận và lừa lọc người bệnh qua điện thoại hòng bán ra những liều "thần dược" rởm với giá cắt cổ.
Những trò ma
Trải qua 3 ngày được đào tạo, cuối cùng tôi cũng được cung cấp 2 chiếc máy điện thoại loại đen trắng để bắt đầu thực hiện công việc của một “chuyên gia” đến từ “Trung tâm Xương khớp ông Bồng”. Từ những số điện thoại có sẵn, tôi sẽ phải tư vấn, “chẩn bệnh” rồi sau đó lên “phác đồ điều trị” cho người bệnh.
Trưởng nhóm Mai Loan (SN 1995) dặn dò: "Nếu khách có ý đến để thăm khám trực tiếp tại cơ sở thì phải tìm cách từ chối. Khách ở Hà Nội thì cứ nói với họ cơ sở của nhà thuốc ông Bồng ở tận bản sâu trên Hà Giang. Ngược lại, đối với những khách ở các tỉnh lân cận thì bảo nhà thuốc ông Bồng tại 85 Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội)".
Tôi sau đó được Nam (SN 1991, quê Lai Châu) - bạn cùng nhóm tận tình hướng dẫn thêm nhiều điều. Trước nhất, Nam bày cho tôi mẹo để tránh những rắc rối pháp lý. Cụ thể, về tên gọi, vì bị cấm gọi là thuốc nên sẽ dùng từ “liệu trình” hoặc “bài vị” để qua mắt bệnh nhân.
Những số điện thoại PV được cung cấp để thực hành. |
Còn về danh xưng, tùy theo thái độ của người nghe mà xưng sao cho phù hợp. Người nào nghe giọng hơi quê mùa lại già, thì cứ xưng thật “oách”. Người nào giọng còn trẻ, nhanh nhẹn thì để an toàn cứ xưng chuyên gia đến từ Trung tâm Xương khớp ông Bồng. Họ mà hỏi kỹ quá thì cứ phải nói át đi.
Rồi cũng chẳng phải chờ lâu, chỉ một loáng sau, có vẻ gặp một ca "cứng", tôi thấy Nam lớn giọng dọa:
"Tôi năm nay cũng đã 54 tuổi rồi, tôi hơn anh 3 tuổi. Và tôi đã điều trị thành công cho rất nhiều bệnh nhân bị giống anh, tôi thấy là anh đang chủ quan với sức khỏe của chính mình, nếu bây giờ không điều trị có thể anh sẽ bị chệch đốt sống lưng. Lúc này mà nằm gọn một chỗ thì ai nuôi mình nữa..."
“Chuyên gia” đang hăm hở đe nẹt bệnh nhân qua điện thoại. |
Trong quá trình làm việc tại Cộng đồng khởi nghiệp FAA, tôi cũng được mọi người mách nước cách xử lý tình huống khó.
Theo đó, khi có chỗ nào chưa hiểu, còn lấn cấn thì cứ thẳng tay tắt máy đi với lý do sóng yếu để “tham vấn” đồng nghiệp rồi gọi lại. Bằng mọi cách, nhiệm vụ của tôi là phải đánh vào tâm lý sợ bệnh tật của khách để chốt được càng nhiều hàng hàng tốt.
Và nếu có nhận được phản hồi dùng sản phẩm vào thấy bị đau hơn thì phải biết cách nói rằng đó là dấu hiệu dội bệnh, sản phẩm đang phát huy tác dụng, cần sử dụng liệu trình tiếp theo để cắt bệnh…
Một cộng đồng dối trá
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, ở thời điểm hiện tại, mọi ưu tiên hoạt động của Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise đều xoay quanh việc bán bộ sản phẩm Xương khớp ông Bồng theo hình thức online, tạo doanh thu trên 3 tỉ đồng/tháng.
Để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, FAA chia toàn bộ nhân lực của mình (với hơn 200 thành viên) ra làm 4 phòng với chức năng khác nhau, nhưng lại đặt rải rác khắp nơi, hòng giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu sự thật bị phơi bày.
Phòng Marketing của FAA nằm tại tầng 23 tòa nhà Golden West. |
Tại căn phòng không hề có biển tên đặt tại tầng 23 tòa nhà Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm, Hà Nội), gọi là Phòng Marketing, đây chính là “không gian sáng tạo” để ngày ngày những nhân viên trẻ của FAA chế ra vô vàn bài viết hoặc clip xuyên tạc, tô vẽ cho sản phẩm của mình như thần dược, chữa dứt điểm được bệnh xương khớp.
Sau đó, những nội dung sai sự thật này sẽ được chạy quảng cáo và spam khắp các diễn đàn và mạng xã hội lớn hòng đưa người bệnh vào mê hồn trận. Bất cứ ai chỉ bấm like bài viết, một phần mềm gián điệp cài đặt sẵn sẽ quét ra số điện thoại để gửi về bộ phận marketing.
Một bài viết quảng cáo đầy dối trá được sản xuất bởi bộ phận Marketing. |
Ở cấp cao hơn, phóng viên Báo Lao Động được tận mắt chứng kiến Dũng – Giám đốc sàn HN3 (thuộc Phòng Bán hàng) – đứng lên kêu gọi toàn bộ nhân viên phải mạnh miệng hơn nữa trong việc chốt đơn.
“Các em đưa giá 4,5 triệu mà không chốt được thì phải xuống 3,5 triệu, không được nữa xuống 2,5 triệu không thì bắt buộc phải chốt 1,8 triệu. Phải chốt trong cuộc gọi đấy. Bằng mọi cách. Kiểu gì thì kiểu cũng phải chốt ngay. Để khách hàng suy nghĩ một chút thì coi như mất.
Anh đảm bảo 90% khách hàng không biết mình là ai hết. Cho nên phải cố gắng chốt bằng mọi giá...” – Dũng hô hào.
Thậm chí, một nhân vật cốt cán của FAA Enterprise là một phụ nữ trẻ tên L.P (sinh năm 1990, quê Thái Bình) – Giám đốc khu vực, vốn 1 chữ bẻ đôi về ngành y dược không biết nhưng vẫn sẵn sàng chường mặt trên đoạn clip tư vấn về cách chữa bệnh xương khớp với bộ sản phẩm ông Bồng.
Trong video được chạy quảng cáo, nhằm tăng thêm sự thuyết phục, L.P khoác lên người bộ blouse trắng, đổi tên thành Lê Chi, giọng chầm chậm theo ngữ điệu của người lớn tuổi.
Cũng trong một bài quảng cáo, một nhân viên kế toán của FAA vốn nhà ở bên Gia Lâm nhưng tự nhận mình là bệnh nhân tên Liên ở Đống Đa, ca tụng hết lời về công dụng thần kỳ của bộ “liệu trình” xương khớp ông Bồng.
L.P xưng tên giả, mặc trang phục dược sĩ “chém” về công dụng thần kỳ của bộ Xương khớp ông Bồng. Ảnh cắt từ clip. |
Thậm chí, không ít clip và hình ảnh được chế bởi bộ phận này còn cắt ghép, sử dụng hình hiệu, bộ nhận diện của những chương trình truyền hình nổi tiếng hòng "đánh lận con đen". Người xem khi nhìn vào sẽ nghĩ đó là một phóng sự về thuốc của một đài truyền hình uy tín…
Nghiêm trọng hơn, sự sai phạm còn thể hiện trong cách người đứng đầu là ông Nguyễn Thanh Phong chỉ đạo nhân viên lách luật, trốn các nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước và chối bỏ trách nhiệm với người lao động.
Cụ thể, trong một nhóm chát kín, ông này chỉ đạo Giám đốc L.P: Việc đầu tiên là em bỏ hết mọi chữ “lao động” trong các loại thỏa thuận. Bỏ luôn cả chức danh Giám đốc. Chỉ để là người đại diện, người hợp tác, người thỏa thuận thôi. Làm sao để nhìn vào thấy đây chỉ là thỏa thuận dân sự giữa 2 cá nhân là được”.
Những nhân chứng giả được dựng lên hòng phỉnh lừa bệnh nhân. |
Có thể nói, trong vòng xoáy của cái được gọi là Cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise, không có phút giây nào dành cho sự chân thật. Từ thủ lĩnh cao nhất, cho đến các “Giám đốc khu vực” rồi cả các nhân viên bên đưới nữa, tất cả đều leo lẻo nói dối và không từ bất cứ mánh khoé nào để bán được hàng.
Bệnh nhân thì chắc chắn sẽ chẳng nhận được gì nhiều với bộ sản phẩm chắp vá, kém chất lượng nhưng bị đội giá hàng chục lần chỉ vì những lời tư vấn gian trá.
Còn những người trẻ với khát vọng tràn đầy và đám thủ lĩnh lọc lừa kia, khởi nghiệp bằng cách ăn trên mồ hôi nước mắt của những người bệnh khốn cùng, tương lai của các em là gì?
Cộng đồng khởi nghiệp bằng "thần dược": Thông tin từ phòng y tế quận |
Giăng bẫy lừa, dụ người trẻ khởi nghiệp bằng "thần dược" |
Bỏ việc lương 170 triệu/tháng về khởi nghiệp với loại bánh làm từ gạo |