Môn phái toàn nữ hiệp trong truyện Kim Dung 'tung hoành' ngoài đời thực

Nhóm kungfu nữ phái Nga Mi đang tạo cơn sốt ở Trung Quốc với các màn biểu diễn võ thuật đặc sắc lớn tại các sự kiện.

Dưới cơn mưa xuân lất phất, 9 nữ hiệp trong trang phục xanh lá bay bổng thi triển 18 loại binh khí một cách uyển chuyển như mây trôi nước chảy. Những hình ảnh này đến từ tác phẩm ra mắt trực tuyến đầu tiên của nhóm kungfu Nữ phái Nga Mi - video ngắn “Võ Vận Nga Mi”.

 

Nhóm kungfu nữ phái Nga Mi xuất hiện

Võ thuật Nga Mi có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ thời Xuân Thu (770 TCN - 476 TCN), với truyền thống khoảng 3.000 năm. Phái Nga Mi tọa lạc tại núi Nga Mi, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, nổi tiếng với hầu hết đệ tử là nữ, từng được miêu tả trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

Đặc trưng lớn nhất của võ thuật Nga Mi là sự kết hợp cứng mềm, nhanh chậm đan xen. Điều này xuất phát từ địa hình đồng bằng và đồi núi của vùng Ba Thục, tạo nên các chiêu thức vừa hùng tráng mạnh mẽ vừa linh hoạt khéo léo. Hơn nữa, nhiều đợt di cư lớn trong lịch sử Tứ Xuyên đã khiến “võ thuật thiên hạ hội tụ tại Nga Mi”, giúp phái này tiếp thu tinh hoa từ nhiều môn võ khác nhau.

Nhóm kungfu nữ phái Nga Mi được thành lập vào năm 2024

Nhóm kungfu nữ phái Nga Mi được thành lập vào năm 2024

Cho tới năm ngoái, nhóm kungfu nữ phái Nga Mi “Hoa Thiên Cốt” được thành lập vào ngày 29/4/2024 tại Hội nghị Thừa kế Võ thuật Nga Mi lần thứ 4. Nhóm “Hoa Thiên Cốt” được khởi xướng bởi Công ty Điện ảnh Tam Nhân Hành, phối hợp với Đài truyền hình Quảng Đông, công ty sản xuất Nhất Đồng và Hiệp hội Võ thuật tỉnh Tứ Xuyên, khi họ phát thông báo tuyển chọn thành viên trên toàn Trung Quốc vào ngày 12/2/2024.

Lý Khiết Du, Phó tổng giám đốc Tam Nhân Hành, nói về nhóm “Hoa Thiên Cốt”: “Nhắc đến Nga Mi, có lẽ điều đầu tiên mọi người nghĩ đến là Nga Mi phái trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Vậy tại sao không tạo ra một thế giới võ hiệp của Kim Dung?”.

Thành lập “Đoàn kungfu nữ Nga Mi phái” là tâm nguyện từ lâu của Lăng Vân và sư phụ cô, ông Nhậm Cương, Chủ tịch điều hành Hiệp hội Võ thuật Tứ Xuyên. “Để đưa võ thuật Nga Mi lên một sân khấu rộng lớn hơn, để văn hóa truyền thống Trung Hoa xuất sắc thực sự được tiếp nối, chỉ một mình tôi là không đủ. Cần có nhiều bạn trẻ tham gia hơn”, Nhiệm Cương chia sẻ.

Đội hình bao gồm người thừa kế di sản phi vật thể võ thuật Nga Mi, Lăng Vân (sinh sau năm 1995) cùng 8 cô gái yêu thích võ thuật sinh sau năm 2000, dưới sự dẫn dắt của các chuyên gia hàng đầu như Nhậm Cương, Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Tứ Xuyên, và các huấn luyện viên võ thuật nổi tiếng như Triệu Thi, Chu Lâm cùng chỉ đạo võ thuật Lưu Chiêu Minh.

Một thành viên trong nhóm kungfu nữ phái Nga Mi “Hoa Thiên Cốt”

Một thành viên trong nhóm kungfu nữ phái Nga Mi “Hoa Thiên Cốt”

Ngay sau khi thành lập, nhóm nhanh chóng gây chú ý với các hoạt động biểu diễn ấn tượng. Ngày 1/5/2024, họ thực hiện 2 buổi biểu diễn tại đỉnh Kim Đỉnh núi Nga Mi, tiếp đó là một buổi tại chùa Báo Quốc vào ngày hôm sau, phô diễn sức hút đặc trưng của võ thuật Nga Mi.

Tháng 6 cùng năm, nhóm “Hoa Thiên Cốt” tham gia chương trình đặc biệt Tết Đoan Ngọ của CCTV. Sau đó, nhóm Kungfu nữ phái Nga Mi cũng tham gia biểu diễn ở các sự kiện khác.

Trước thềm Olympic Paris 2024, nhóm “Hoa Thiên Cốt” đã mang võ thuật Nga Mi đến Louvre, Khải Hoàn Môn, Tháp Eiffel, ra mắt video đặc sắc kết hợp võ thuật với các môn Olympic khiến nhiều người thích thú.

 

Quảng bá võ thuật Nga My trong thời hiện đại

Công ty Tam Nhân Hành và đội ngũ đã cân nhắc và thảo luận hơn một năm, cuối cùng đưa ra quyết định thành lập nhóm dựa trên ba lý do. Thứ nhất, hình ảnh các nữ đệ tử Nga Mi phái đã ăn sâu vào tâm trí công chúng, thậm chí nhiều du khách nhận thức về Nga Mi qua các nhân vật như Quách Tương, Chu Chỉ Nhược trong tiểu thuyết Kim Dung. Thứ hai, lấy Thiếu Lâm và Võ Đang làm ví dụ, võ thuật truyền thống trước đây chủ yếu gắn với hình ảnh nam giới, trong khi đoàn nữ Nga Mi chọn con đường khác biệt. Thứ ba, 2 năm gần đây, hình tượng phụ nữ “vừa đẹp vừa mạnh mẽ” ngày càng nổi bật, trở thành xu hướng thời đại, mang lại niềm tin lớn cho đội ngũ.

Với sự dẫn dắt của đại sư tỷ Lăng Vân - đại sứ quảng bá phi vật thể Tứ Xuyên, cùng đội ngũ huấn luyện viên giàu thành tích, nhóm “Hoa Thiên Cốt” không chỉ bảo tồn và phát huy võ thuật truyền thống mà còn đưa nó này đến gần hơn với công chúng qua các màn trình diễn mãn nhãn.

Lăng Vân, người sáng lập nhóm

Lăng Vân, người sáng lập nhóm "Hoa Thiên Cốt"

Lăng Vân, người đồng sáng lập nhóm, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là vượt qua hình ảnh nhóm nhạc thần tượng truyền thống, truyền cảm hứng cho giới trẻ tiếp nhận văn hóa truyền thống Trung Quốc qua nỗ lực và ảnh hưởng của mình.”

Với 22 năm kinh nghiệm võ thuật, Lăng Vân quyết tâm phát huy văn hóa Trung Hoa và trao quyền cho phụ nữ trong võ thuật. Cô nói: “Võ thuật không phải độc quyền của nam giới. Chúng tôi sẽ chứng minh phụ nữ cũng xuất sắc và khuyến khích họ tham gia”.

Vì xuất thân từ Nga Mi, Lăng Vân được người hâm mộ trìu mến gọi là “Chu Chỉ Nhược đương đại” – một trong những hình tượng nữ giới kinh điển trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.

Nhóm kungfu nữ phái Nga Mi đã truyền cảm hứng cho nhiều cô gái theo học võ thuật

Nhóm kungfu nữ phái Nga Mi đã truyền cảm hứng cho nhiều cô gái theo học võ thuật

Về ngoại hình, nhóm kungfu nữ phái Nga Mi chọn trang phục màu xanh lá làm biểu tượng, kết hợp truyền thống và hiện đại, vừa tiện lợi vừa bay bổng. Lăng Vân giải thích: “Xanh lá là sự sống, như núi Nga Mi, như chúng tôi”. Lăng Văn đã tìm kiếm các thành viên trên các mạng xã hội và trường thể thao.

Thành viên của nhóm, Trương Tịnh Huyên vốn học Thái Cực từ nhỏ, kể lại rằng khi nhận được tin nhắn mời gọi từ đại sư tỷ Lăng Vân, cô ban đầu còn tưởng đó là "tập đoàn lừa đảo". Sau khi trò chuyện sâu hơn và cảm thấy hứng thú, cô vượt qua sự phản đối, quyết tâm bước lên con đường trở thành "nữ hiệp Nga Mi".

Trong số các thành viên của đoàn, có cả fan của Kim Dung. “Hồi nhỏ tôi đã thích đọc tiểu thuyết Kim Dung, đặc biệt yêu thích phái Nga Mi phái trong tiểu thuyết. Không ngờ lớn lên lại có thể biến giấc mơ thành hiện thực", Lưu Xảo, đến từ Trùng Khánh, học khoa võ thuật tại Đại học Thể thao Thành Đô, chia sẻ.

Trương Tịnh Huyên vốn học Thái Cực từ nhỏ

Trương Tịnh Huyên vốn học Thái Cực từ nhỏ

Về võ thuật, họ luyện 5-6 tiếng/ngày, tập Nga Mi quyền, Nga Mi thích, Thái Cực, bắn cung... Nhóm còn có kỳ kiểm tra nội bộ đánh giá thể chất, kỹ thuật, biểu diễn của từng người.

Về hình ảnh, nhóm kungfu nữ phái Nga Mi thử treo dây, thêm động tác “bay lượn” vào video, tăng sức hút. Với sự hỗ trợ của dây thép, các thành viên trong nhóm có thể thêm các động tác “bay lượn” trong quay chụp, tăng sức hút thị giác cho video ngắn. Thành viên Lý Nặc Phi chia sẻ, treo dây rất thử thách sức mạnh cốt lõi của cơ thể, nhưng nhờ nền tảng võ thuật vững chắc, mọi người thích nghi nhanh chóng, chỉ sau 2 ngày luyện tập đã làm chủ được kỹ thuật.

Trang phục chủ yếu của nhóm là màu xanh lá

Trang phục chủ yếu của nhóm là màu xanh lá

Kể từ lần ra mắt đầu tiên vào tháng 4 năm ngoái, nhóm “Hoa Thiên Cốt” đã thu hút hơn 23 triệu lượt xem và hơn 1 triệu người theo dõi trên Douyin. Vương Siêu, người thừa kế di sản phi vật thể quốc gia của võ thuật Nga Mi, nhận định video của nhóm “rất hiệu quả” trong việc quảng bá Nga Mi đến đông đảo khán giả. Theo truyền thông Trung Quốc, nhiều thanh thiếu niên đã yêu thích võ thuật và theo học võ công phái Nga Mi sau khi chứng kiến màn biểu diễn của Hoa Thiên Cốt.

Thành viên đoàn Kungfu Hà Vũ Nùng vô cùng tự hào: “Họ không chỉ nhìn thấy võ thuật Nga Mi, mà còn thấy được sức hút tươi trẻ của phụ nữ Trung Quốc thời đại mới khi quảng bá văn hóa truyền thống. Thực ra, tất cả đều bắt nguồn từ sự tự tin văn hóa của chúng tôi và niềm tự hào khi đưa văn hóa Trung Quốc vươn ra thế giới.”

Trong những năm gần đây, bạn bè quốc tế cũng ngày càng thường xuyên đến núi Nga Mi để trải nghiệm tìm hiểu văn hóa và võ thuật của môn pháo này, cảm nhận trực tiếp sức hút độc đáo cùng sức mạnh của võ thuật Trung Quốc.

https://vtcnews.vn/mon-phai-toan-nu-hiep-trong-truyen-kim-dung-tung-hoanh-ngoai-doi-thuc-ar936888.html

Anh Ngọc / VTC