Mở ra tuyến "cao tốc thương mại và đầu tư" giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu

EVFTA và EVIPA được ví như tuyến cao tốc thương mại và đầu tư lớn giữa Việt Nam và EU vừa được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua đã mở rộng cánh cửa cho hoạt động thông thương giữa nước ta với một trung tâm kinh tế lớn bậc nhất thế giới.

mo ra tuyen cao toc thuong mai va dau tu giua viet nam lien minh chau au

Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ mở ra “tuyến cao tốc thương mại và đầu tư” giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU)

Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên được Nghị viện châu Âu (EP) khóa mới xem xét phê chuẩn ngày 12-2. Đây là bước đi gần như cuối cùng để hoàn tất quy trình thủ tục pháp lý cho việc phê chuẩn một Hiệp định thương mại rất quan trọng mà EU đã ký với một nước đang phát triển. Theo quy định của EU, các Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để chính thức có hiệu lực thi hành.

Các Hiệp định EVFTA và EVIPA được đại diện Chính phủ Việt Nam và EU ký ngày 30-6-2019 tại Hà Nội, là các Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững. Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU.

Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam - từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu trong quan hệ thương mại với các thành viên EU.

EU hiện là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. EU hiện là đối tác đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam với khoảng 2.250 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 25 tỷ USD, tương đương 7,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Do vậy, các Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ giúp chúng ta có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp cũng như dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra diễn biến phức tạp, các Hiệp định ký với đối tác là trung tâm kinh tế hàng đầu như EU vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu khi ký các Hiệp định EVFTA và IPA vào tháng 6-2019 đã nêu rõ, với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng, các Hiệp định này mang lại lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp hai bên. Theo Thủ tướng, hai Hiệp định quan trọng EVFTA và IPA “như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn EU và Việt Nam, để hai bên tiếp cận thị trường của nhau”.

Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được gỡ bỏ sau 7 năm. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết sẽ bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hoá EU. Sau 7 năm số dòng thuế được xoá bỏ tăng lên 91,8% và sau 10 năm mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế... Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiêu dùng các sản phẩm của châu Âu với giá cạnh tranh.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.

Để có “trái ngọt” EVFTA và EVIPA ngày hôm nay, Việt Nam và EU đã trải qua quá trình dài gần một thập kỷ không ngừng nghỉ với không ít khó khăn, trở ngại, thậm chí cả sự chống phá. Trước khi cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Nghị viện châu Âu ngày 13-2 vẫn còn có ý kiến công khai phản đối việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA vì các vấn đề liên quan đến phát biển bền vững hay lo ngại về khả năng Việt Nam không thực thi đầy đủ các tiêu chuẩn cao của hiệp định, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước... Tuy nhiên, phía Việt Nam đã nỗ lực trao đổi, giải thích với EU về những việc đã, đang làm để chứng minh rằng Việt Nam luôn tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.

Tuyến “cao tốc thương mại và đầu tư” lớn giữa Việt Nam và EU sẽ chính thức đi vào vận hành ngay sau khi Hội đồng châu Âu và Quốc hội nước ta thông qua các Hiệp định EVFTA và IPA. Tuy nhiên, việc thông qua các Hiệp định này mới chỉ là khởi đầu, điều quan trọng tiếp theo là cần đảm bảo việc triển khai các hiệp định suôn sẻ để các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà các Hiệp định này mang lại.

Bộ Công Thương nước ta hiện đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Việt Nam xóa bỏ 99% số dòng thuế nhập khẩu từ EU trong vòng 10 năm

Để thực thi nghĩa vụ cam kết thuế của Việt Nam, Bộ Tài chính sẽ xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định EVFTA áp dụng từ ngày Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam và có lộ trình cắt giảm thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo đúng cam kết trong Hiệp định. Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, về biểu thuế nhập khẩu: Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU; và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.

Lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam như sau: ô tô sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn (trên 3000cc cho động cơ xăng và trên 2500cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại); linh kiện, phụ tùng ô tô tối đa 7 năm; hóa chất tối đa 7 năm; đồ uống có cồn tối đa 10 năm; thịt bò 3 năm, thịt lợn đông lạnh 7 năm, thịt gà 10 năm; sữa và sản phẩm sữa 3-5 năm; cá và các sản phẩm cá 3-7 năm; thuốc lá, xì gà 15 năm; máy móc thiết bị tối đa 7 năm...

Về cam kết thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc). Lộ trình cam kết thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Hiệp định có thể tham khảo trong trang web sau: http://evfta.moit.gov.vn/

mo ra tuyen cao toc thuong mai va dau tu giua viet nam lien minh chau au Ủy ban thương mại quốc tế EU thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam

Chiều 21.1 giờ Việt Nam, Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết đề ...

Hà Loan

/ anninhthudo.vn