Bài viết của "triết gia" Jorge Valdano trên Guardian (Anh) cho rằng Messi là nạn nhân của kỳ vọng vô lối từ dân tộc Argentina.
* Trận Nigeria - Argentina diễn ra lúc 1h thứ Tư 27/6, theo giờ Hà Nội, trực tuyến trên VnExpress.
Nền bóng đá của chúng ta bị tê liệt bởi nỗi ám ảnh phải thắng bằng mọi giá, nhưng lại thiếu tiền và tầm nhìn để hướng đến một con đường khác.
Bóng đá Argentina đã hỏng quá nhiều, đến mức chúng ta không còn biết nó hỏng từ đâu. Có quá nhiều thứ tệ hại xảy ra nên không ai biết rốt cục chuyện gì đang xảy ra.
Lấy nội dung của một bản tin bất kỳ, ứng qua bóng đá sẽ thấy nội dung gần như tương tự, vì bóng đá Argentina đang trải qua một giai đoạn hỗn loạn. Suốt nhiều năm, bóng đá là nơi giúp chúng ta quên đi những rối ren về chính trị, xã hội và kinh tế. Nhưng bây giờ, phép màu từ bóng đá đã biến mất.
Nền bóng đá này hỏng từ bao giờ, và từ đâu, không ai biết. Cũng không ai rõ vì sao nó hỏng. Chỉ biết càng lúc tình hình càng tồi tệ hơn, chúng ta ngày càng cách xa quả bóng, cách xa thứ bóng đá mà chúng ta tôn sùng. Thứ bóng đá ấy từng kéo chúng ta đến sân, khiến chúng ta không kìm nén được mà phải hét lên “ole!” mỗi khi nhìn thấy một pha lừa bóng, một cú đập nhả nhanh như điện, hay thậm chí là một tiểu xảo nào đó. Thứ bóng đá ấy từng là cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sở hữu những cầu thủ ở chất lượng cao nhất, chúng ta sở hữu nhiều hảo thủ nhất và chúng ta luôn tạo ra những khoảnh khắc thiên tài.
Bóng đá từng là nguồn sống của chúng ta, nó từng khiến người Argentina cảm thấy tự hào rằng quốc gia mình vẫn đứng đầu thế giới, ở một lĩnh vực mà mọi người đều quan tâm. Chúng ta từng tin rằng nhờ bóng đá mà Argentina đã khôi phục quyền sở hữu Malvinas (quần đảo tranh chấp với Anh) vào năm 1986. Và Diego Maradona là anh hùng dân tộc kể từ ngày ấy. Vậy mà bây giờ, đội tuyển quốc gia lại cho chúng ta cảm thấy bất lực và trống rỗng đến mức khó hiểu. Chúng ta làm sao biết mình phải làm gì với bóng đá, khi thậm chí còn không biết phải làm gì với Lionel Messi?
Hãy trở về với điểm khởi đầu. Đường xá từng là trường học của chúng ta. Ở đó, chúng ta được dạy đá bóng, được hiểu bóng đá mang một sức nặng văn hóa như thế nào, và tạo ra những cầu thủ khác biệt ra sao. Nhưng bóng đá đường phố đã chết, và không một ai biết cách thay thế ngôi trường ấy ra sao, như cách Đức và Tây Ban Nha đã làm được. Chúng ta thiếu tiền, thiếu khả năng tổ chức lẫn tầm nhìn. Nhưng trong sự ngạo mạn của mình, chúng ta vẫn tin Argentina mãi mãi là một cường quốc bóng đá.
Nhưng tồi tệ hơn cả, chúng ta đã để cho nhu cầu chiến thắng vượt qua niềm đam mê chơi bóng. Cơn thèm khát thắng lợi đã càn quét hết những giá trị tốt đẹp. Chia thế giới ra thành người thắng và kẻ thua là một căn bệnh, và nó đánh thẳng vào gốc rễ của bóng đá.
Niềm đam mê dành cho bóng đá bị đánh gục, thay vào đó là đam mê chiến thắng, kéo xã hội trở về thời kỳ khát máu như bộ lạc. Các CLB bị chuyển hóa thành các tiểu vương quốc, khiến mỗi trận đấu bỗng trở thành chuyện sống chết. Trên khán đài, bạo lực tràn lan. Dưới sân cỏ, chúng ta từ biệt niềm đam mê với bóng đá, khi mà những "hòn bi" (từ lóng, chỉ bộ phận sinh dục của đàn ông, ý nói sự dũng cảm) còn quan trọng hơn cả tài năng.
Chúng ta đã thấy điều đó trong trận gặp Croatia. Người ta gào thét, buộc cầu thủ phải chứng tỏ “chất đàn ông” của mình mạnh mẽ hơn nữa. Trên khán đài, Diego Maradona thể hiện điều đó bằng cách bóp vào vùng kín của ông ta. Vâng, là Diego đó, là người từng đại diện cho những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta từng có, phong cách đặc trưng của Argentina. Bây giờ, chỉ còn lại khát vọng ăn thịt nhau, các trận đấu tại giải vô địch Argentina trở thành một màn loạn đả như tổ kiến, nơi người ta đá nhau và chạy như chưa từng được chạy. Nhìn vào mớ hỗn độn ấy, ta không còn biết đâu là một cầu thủ giỏi.
Có nhiều biến số khác trong phương trình này: khủng hoảng kinh tế, thể chế chao đảo, truyền hình trực tiếp bóng đá trở thành vũ khí chính trị, tham nhũng từ trên xuống dưới. Tình hình thế giới cũng khiến mọi thứ rối ren hơn: toàn cầu hóa biến Argentina thành một quốc gia xuất siêu cầu thủ. Bất kỳ một cái tên nào vào sân, ta cũng có cảm giác họ chỉ cách châu Âu vài ba bàn nữa. Việc bán lúa non khiến chúng ta mất đi một trong những người thầy tốt nhất: tính ganh đua. Maradona là một sản phẩm Argentina tuyệt hảo. Messi là sự pha trộn giữa Argentina và sự cạnh tranh tại Barca.
Và cũng không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng nữa: sự tầm phào đến nhạt nhẽo của những cuộc tranh luận. Lập luận ấy khiến cho những cuộc tranh biện phù hợp với những diễn viên tồi hơn là những nhà báo giỏi. Dõi theo những cuộc tranh luận ấy, người ta tin là nếu không vô địch World Cup, Messi mãi mãi không thể là Maradona. Và rồi chính Messi cũng tin như thế.
Sau khi giành 30 danh hiệu, Messi vẫn bị cái thông điệp ấy ghim vào tim mình. Và Messi đã đến với World Cup lần này cùng một tâm hồn bị tra tấn bởi cái đòi hỏi khủng khiếp của 45 triệu người Argentina. Nhưng hãy nhìn lại đi: suốt 15 năm qua, không một ai bảo vệ niềm tự hào của bóng đá Argentina như cậu ấy. Và Messi làm việc ấy với một sự ổn định và miệt mài khủng khiếp. Vậy mà truyền thông vẫn đối xử với Messi như thể cậu ấy là bất kỳ một kẻ hết thời nào đó. Họ đòi hỏi ở cậu ấy những điều mà chính họ cũng chẳng tưởng tượng ra nổi.
Trên đất Nga, tất cả vấn đề ấy đều trỗi dậy một lượt. Cơn khủng hoảng tài năng quá lớn. Có ai chú ý rằng trong trận đấu với Croatia, không một tiền vệ Argentina nào hiện tại có thể so sánh được với Luka Modric hay Ivan Rakitic? Đội bóng cũng không còn thủ lĩnh. Có ai trong đội tuyển hiện nay có thể kéo họ ra khỏi tình huống hiện tại chỉ bằng những lời nói?
Chúng ta phải làm một cuộc cách mạng sau giải đấu, để tìm lại những giá trị đã mất. Chúng ta vẫn còn gen ấy ở trong máu, chúng ta vẫn còn lịch sử oai hùng để nhắc nhở, vẫn còn niềm tự hào để tiếp thêm dũng khí. Nhưng giáo dục cần thời gian, mà ở Argentina, chúng ta đã đánh mất sự kiên nhẫn và điềm tĩnh. Làm sao chúng ta có được giải pháp tức thì cho một vấn đề đã thâm căn như thế?
Khi chúng ta chờ trận đấu chót với Nigeria, cả đội bóng dường như mất tích. Những tin đồn mâu thuẫn nội bộ tràn ra mọi nẻo, và không một ai còn biết Messi đang nghĩ gì trong đầu. Nếu Argentina nghĩ rằng vấn đề của mình có thể được giải quyết bởi lòng dũng cảm và tinh thần chiến binh, họ sẽ lại sụp đổ. Vì kiểu gì cũng sẽ có người bị đuổi. Các cầu thủ đã chứng tỏ tinh thần chiến binh quá đủ rồi. Nhưng chỉ tinh thần là không đủ.
Để vượt qua một đối thủ như Iceland, một tập thể mạnh như Croatia hay sự mạo hiểm của Nigeria, chúng ta cần tất cả giá trị đã mất của bóng đá Argentina. Kỹ thuật, chất lượng, niềm đam mê, sự xảo quyệt và chính xác. Chúng ta phải mang tất cả lại, hòa trộn để biến đội ngũ hiện nay thành một tập thể thực sự. Ngay cả một thiên tài cũng không bù đắp nổi cho chừng ấy thiếu hụt, huống chi là Messi - một thiên tài bị từ khước.
Hoài Thương dịch
7 lý do ngăn cản Messi và các đồng đội "vượt ải" Nigeria
Argentina của Messi buộc phải thắng Nigeria nếu muốn đi tiếp tại World Cup 2018. Sau đây là 7 lý do sẽ ngăn cản El ... |
Argentina có nên liều lĩnh cho Messi và Dybala cùng đá chính?
Bất chấp quyết tâm khẳng định mình tại World Cup, Paulo Dybala - ngôi sao của Juventus - nhiều khả năng vẫn bị HLV Jorge ... |
Ông luật sư mù, Messi và trận chiến cuối cùng
Khuôn mặt các fans Argentina vẫn luôn nở nụ cười và khi nói chuyện thì đầy lạc quan. Lạc quan như thể màn thi đấu ... |
Sau Messi, Ronaldo bị chế ảnh hài hước vì sút hỏng penalty
Pha sút hỏng penalty vào lưới Iran rạng sáng nay, Ronaldo lập tức bị dân mạng chế ảnh hài hước. |