Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng mỏi mòn tìm nơi yên nghỉ của liệt sĩ, việc triển khai lấy mẫu ADN thắp lên hy vọng các mẹ được đón con về.
Những ngày này, không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trỗi dậy trong tim mỗi người Việt Nam.
Những tiếng bom đạn đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng trong từng căn nhà nhỏ nơi miền quê Hà Nam, vẫn có những người mẹ, người vợ, người anh em ngồi bên di ảnh mờ nhòe, nén nhang trầm với niềm khắc khoải: “Con tôi, chồng tôi, anh tôi... giờ nằm nơi đâu?”.
Trong căn phòng nhỏ tại trụ sở Công an xã Tràng An (huyện Bình Lục, Hà Nam), Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hợp, gần 100 tuổi, lặng lẽ đặt lên mặt bàn hai tấm di ảnh cũ kỹ. Mái tóc mẹ bạc trắng như sương, đôi bàn tay run run khẽ vuốt lên từng khung ảnh đã phai màu theo năm tháng. Hai người con trai của mẹ - liệt sĩ Nguyễn Quang Hiệp và Nguyễn Quang Hạc - đã anh dũng hy sinh trong những năm khốc liệt 1969 và 1971. Họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại mẹ với một khoảng trống không gì bù đắp nổi.
Hai bức ảnh đã nhòe đi nhiều chỗ, nước sơn trên khung gỗ bong tróc, bạc màu. Nhưng ánh mắt của những người lính trẻ năm xưa vẫn ánh lên từ quá khứ, như đang dõi theo mẹ - người tiễn con ra trận bằng giọt nước mắt âm thầm mà chưa kịp một lần tiễn đưa trọn vẹn.

Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Cục C06, Bộ Công an và Công ty Genestory (đơn vị xét nghiệm) thu nhận mẫu ADN cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hợp.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mẹ Hợp vẫn đều đặn ra nghĩa trang liệt sĩ mỗi dịp lễ Tết, chậm rãi bước qua từng hàng bia khắc dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”. Mỗi lần như vậy, mẹ lại cúi xuống, đôi tay gầy xoa nhẹ lên mặt bia, mắt nhòe lệ, thì thầm: “Phải chăng con nằm ở đây?”.
Nỗi khắc khoải ấy không tan theo thời gian, mà ăn sâu vào từng giấc ngủ, trở thành vết thương âm ỉ suốt đời mẹ. Có những đêm mẹ mơ thấy các con trở về, vẫn là ánh mắt ấy, vẫn là nụ cười ấy… nhưng khi mẹ đưa tay ra thì chỉ chạm vào khoảng không lạnh lẽo.
“Tôi sống đến giờ là nhờ hy vọng. Nhưng nếu nhắm mắt mà vẫn không biết các con mình nằm nơi đâu thì lòng tôi không yên được”, mẹ Hợp nói rồi lặng im hồi lâu.
Khi nghe tin Công an tỉnh Hà Nam triển khai lấy mẫu ADN để xác định danh tính liệt sĩ, mẹ Hợp mừng lắm. Không chờ ai nhắc, mẹ vội bảo cháu đưa đến trụ sở công an xã. Lưng mẹ đã còng, chân run theo từng bước, nhưng mẹ nhất quyết tự đi. Trên tay vẫn nắm chặt hai khung ảnh cũ, như nắm lấy một niềm hy vọng cuối cùng còn sót lại nơi cuối đời.
“Tôi chẳng sống được bao lâu nữa, chỉ mong trước khi nhắm mắt, biết được con mình đang nằm ở đâu. Chỉ cần đúng mộ, để ngày giỗ, tôi cắm được nén nhang, thắp cho các con một ngọn lửa ấm”, mẹ nói.

Việc triển khai lấy mẫu ADN với mục tiêu tìm lại danh tính cho những anh hùng đã hy sinh mà đến nay vẫn chưa được gọi tên.
Câu chuyện của mẹ Hợp không phải là duy nhất. Ở khắp các làng quê Hà Nam, có hàng trăm, hàng nghìn gia đình như thế, sống lặng lẽ giữa những khung ảnh thờ đã phai màu, những kỷ vật còn lưu giữ chiến tranh, và một nỗi đau dai dẳng mang tên: “Liệt sĩ chưa biết tên”.
Không đơn thuần là một chiến dịch hành chính, công tác thu thập mẫu ADN từ thân nhân liệt sĩ tại Hà Nam là hành trình đậm chất nhân văn, nơi công nghệ, dữ liệu và tình người hòa quyện. Ở đó, từng cán bộ công an xã không chỉ mang theo bảng tra cứu ảnh, túi dụng cụ lấy mẫu, mà còn mang theo cả sự thấu cảm, lòng tri ân và trách nhiệm của một người con đất Việt.
Giữa những nẻo đường quê, những cán bộ công an lặng lẽ đến từng nhà dân, đặc biệt là các cụ già đã ở tuổi “gần đất xa trời”, chỉ mong trước khi nhắm mắt được một lần biết nơi con, em mình đang yên nghỉ.
Trung tá Trần Thanh Bình, Trưởng Công an xã Tràng An chia sẻ: “Có cụ hơn 90 tuổi không đi lại được, anh em phải mang cả thiết bị đến tận nhà. Đó không chỉ là công việc, mà là trách nhiệm, là một phần đạo lý làm người”.
Chiến dịch đặc biệt này được Công an tỉnh Hà Nam triển khai quyết liệt với sự chỉ đạo sâu sát của Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh, cùng sự phối hợp của các đơn vị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ… Tất cả cùng hướng về một mục tiêu chung tìm lại danh tính cho những anh hùng đã hy sinh mà đến nay vẫn chưa được gọi tên.
Những người chiến sĩ công an xã vốn quen với những công việc “thầm lặng mà thiết yếu” giờ đây trở thành “người giữ lửa ký ức”. Họ không chỉ quản lý dữ liệu mà còn lắp ghép lại những ký ức từ bao gia đình để xác minh danh tính các liệt sĩ.
Trong căn nhà nhỏ ở xã ven sông, một người già rưng rưng nước mắt khi được nghe cán bộ đọc lại dòng họ, quê quán, đơn vị chiến đấu… của người con đã hy sinh từ thời chống Mỹ. Những cuộc đối chiếu không chỉ là việc hành chính, mà là hành trình tìm về cội nguồn yêu thương.
Trong từng giọt máu, từng mẫu tóc được lấy là cả một trời hy vọng. Thượng tá Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết: “Nhiều cụ ông, cụ bà đi xe lăn, chống gậy tìm đến trụ sở công an xã, chỉ để hỏi một câu: 'Liệu lần này có hy vọng không? Chúng tôi mong mỏi vô cùng và cũng tin tưởng vô cùng các đồng chí sẽ sớm tìm thấy phần mộ của người thân chúng tôi'. Đó là điều khiến chúng tôi càng không cho phép mình dừng lại”.
Dữ liệu ADN, công nghệ số, cơ sở dữ liệu quốc gia, tất cả những thành tựu hiện đại hôm nay đang được vận hành bằng trái tim, bằng trách nhiệm của những con người luôn hướng về cội nguồn. Và chính điều đó tạo nên một hành trình chưa từng có tiền lệ - hành trình trả lại tên cho những người đã ngã xuống.
Ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: “Việc xác định danh tính liệt sĩ không chỉ là nhiệm vụ, mà là lời hứa với lịch sử. Nếu không làm kịp thời, chúng ta sẽ mất đi cơ hội quý giá khi thân nhân các liệt sĩ không còn do tuổi cao, sức yếu. Đó là trách nhiệm thiêng liêng, là khát vọng của cả một dân tộc muốn được đoàn tụ với quá khứ”.