Mỗi khi xảy ra lộn xộn trên máy bay, người vi phạm thường thích thể hiện câu nói Mày biết tao là ai không, điều này chỉ chứng tỏ văn hóa không theo kịp họ.
Cách đây hơn 10 năm, tôi từng viết một bài phê phán một nữ doanh nhân là tổng giám đốc một tập đoàn bảo hiểm, cũng về vụ lộn xộn trên máy bay. Khi đó, bà này có gì đó không hài lòng, chửi bới tiếp viên bằng ngôn ngữ chợ búa rất bẩn thỉu.
Câu "Mày biết tao là ai không?" bà này ném vào mặt cô tiếp viên cũng được ghi lại trong biên bản vụ việc. Sau này, câu nói này cứ như là một câu thành ngữ, lặp đi lặp lại, trọng một bộ phận của người có của, có địa vị, mỗi khi họ đi lại đâu đó mà cảm thấy không được hài lòng hay bị đe dọa.
Hồi đó, cùng với nữ doanh nhân vừa nêu trên, tôi nhớ là đã list ra một số trường hợp tương tự, phách lối, vô học khi đi máy bay.
Như vụ một cán bộ cỡ khá bự của một cơ quan Nhà nước "cướp" mất chỗ ngồi hạng C của một ngoại trưởng Bỉ, đẩy ông đó xuống ghế phổ thông. Sau đó, ông này về nước, trả lời trên báo chí. Đó là một vụ khá mất mặt.
Nhân viên hàng không yêu cầu Vũ Anh Cường có hành vi sàm sỡ nữ hành khách rời khỏi máy bay. |
Hôm qua, Vũ Anh Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành lộ nguyên hình "yêu râu xanh" trên khoang hạng thương gia của Vietnam Airlines, khi bị phát hiện cũng lại nói ra câu đó.
Nhân viên hàng không yêu cầu Vũ Anh Cường có hành vi sàm sỡ nữ hành khách rời khỏi máy bay.
Đại để, Vũ Anh Cường sau khi sàm sỡ cô hành khách ngồi cạnh, bị tiếp viên, phi công yêu cầu xuống máy bay, đã bật ra câu: "Mày biết tao là ai không? Mày tin tao gọi sếp to xử hết chúng mày không?"
Những cái trên được ghi trong biên bản.
Không hiểu sao, máy bay, cũng có thể được coi là một địa điểm công cộng, với không gian chật hẹp luôn là nơi một số người tự có là có tiền, có thế thích thể hiện cái văn hóa của họ kiểu đó.
Như vậy mới thấy rằng, ở xứ ta, tiền bạc, sự giàu có khiến nhiều người nhanh chóng thay đổi về diện mạo, nhưng văn hóa thì lại không theo kịp họ.
Cái câu "Mày biết tao là ai không?" cứ xuất hiện đâu đó, liên tục, có lúc thành cả một câu chuyện cười trên báo chí nước ngoài, với tựa đề tương tự, cũng là điều rất tự nhiên.
* Tiêu đề bài viết do toà soạn đặt
(độc giả Hà Nội)