Cơ quan vũ trụ Ấn Độ thừa nhận mất liên lạc với thiết bị đổ bộ Vikram ngay trước khi nó tới gần khu vực Nam Cực của Mặt Trăng trong nhiệm vụ lịch sử.
Đây được xem là đòn giáng mạnh vào tham vọng trở thành quốc gia thứ tư, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc hạ cánh thành công trên Mặt Trăng của Ấn Độ.
New Delhi trước đó cũng đặt mục triêu trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh ở vùng Nam Cực của Mặt Trăng, khu vực mà Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) khẳng định chưa từng được khám phá.
Các nhà khoa học Ấn Độ hoang mang khi hay tin mất liên lạc với thiết bị đổ bộ Vikram. (Ảnh: EPA-EFE) |
"Thiết bị đổ bộ Vikram được triển khai như dự kiến và đang hoạt động bình thường như những gì chúng tôi quan sát từ Trái Đất. Tuy nhiên, hệ thống liên lạc giữa trạm kiểm soát ở Trái Đất và thiết bị Vikram bất ngờ bị mất. Chúng tôi đang phân tích dữ liệu", Chủ tịch ISRO, ông Kailasavapoo Sivan cho hay.
Sau khi hay tin, Thủ tướng Narendra Modi, người tới trung tâm vũ trụ ở Bangalore để theo dõi cuộc đổ bộ lịch sử gửi lời động viên tới các nhà khoa học Ấn Độ.
"Những gì bạn đã làm không phải là một thành tựu nhỏ. Những thăng trầm vẫn đang tiếp diễn trong cuộc sống. Sự chăm chỉ của bạn đã dạy chúng tôi rất nhiều và cả đất nước tự hào về bạn", ông nói, đồng thời bày tỏ hy vọng các nhà khoa học có thể kết nối trở lại với Vikram.
Chiều 22/7, Ấn Độ phóng tàu vũ trụ thăm dò Mặt Trăng 2 có tên Chandrayaan-2 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota, bang Andhra Pradesh, bằng tên lửa đẩy GSLV MKIII tiên tiến nhất của nước này.
Tới ngày 2/9, ISRO cho biết thiết bị đổ bộ Vikram mang theo xe tự hành Pragyan tách thành công khỏi tàu thăm dò Chandrayaan-2 và dự kiến đáp xuống bề mặt Mặt trăng hôm 7/9. Nhiệm vụ của Vikram trong chuyến đi lịch sử này là phân tích khoáng vật, lập bản đồ bề mặt và tìm kiếm nước.
Phát hiện đột phá của tàu tự hành Trung Quốc trên Mặt Trăng |
Trạm đổ bộ Ấn Độ chuẩn bị đáp xuống Mặt Trăng |
Mỹ tham vọng đưa lò phản ứng hạt nhân lên Mặt Trăng |