Mặt bằng cho thuê “ế” dài vì dịch COVID-19

Sau gần 2 tháng phải đóng cửa theo quy định để phòng, chống dịch, hiện nhiều lĩnh vực kinh doanh đã được mở cửa trở lại. Thế nhưng ở Hà Nội, số lượng cửa hàng mở cửa kinh doanh trở lại vẫn chưa nhiều. Trên các tuyến phố như: Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Kim Mã… hàng loạt mặt bằng kinh doanh đang phải treo biển cho thuê khi hết hợp đồng, thậm chí có những cửa hàng, chủ nhà treo biển cho thuê suốt từ đầu năm đến nay vẫn chưa tìm được khách.

Giảm giá 50% vẫn “ế”

Với vị trí đẹp, ngay ngã ba giao cắt giữa phố Nguyễn Lương Bằng và phố Hồ Đắc Di, cửa hàng của chị Nguyễn Thanh Nhàn đã treo biển cho thuê suốt từ tháng 3 đến nay nhưng vẫn chưa tìm được khách. Chị Nhàn cho hay, căn nhà mặt phố 3 tầng của gia đình dùng mặt bằng tầng một để cho thuê, 2 tầng trên gia đình để ở. 60m2 mặt sàn được cho thuê giá 30 triệu đồng/tháng.

“Khách trước thuê bán đồ gia dụng, hợp đồng hết hạn từ tháng 3-2021, mặc dù đã trao đổi để giảm giá do dịch bệnh kinh doanh giảm sút nhưng khách vẫn không đồng ý ký tiếp hợp đồng. Tôi cũng đã đăng tin cho thuê cửa hàng lên nhiều website, mạng xã hội mà chưa cho thuê lại được. Vẫn biết do dịch COVID-19 nên tình hình kinh doanh khó khăn nên tôi chấp nhận giảm 50% giá cho khách thuê đến hết năm 2021. Sang năm 2022 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, mọi hoạt động xã hội bình thường trở lại thì sẽ đàm phán lại giá để hỗ trợ khách thuê. Nhìn nhà để không cũng sốt ruột nhưng COVID-19 đã làm đảo lộn mọi thứ, nên cũng đành chấp nhận”, chị Nhàn chia sẻ.

Mặt bằng cho thuê “ế” dài vì dịch COVID-19 -0

Tình trạng kinh doanh ế ẩm do dịch COVID-19 khiến giá bất động sản cho thuê liên tục lao dốc.

Trước tình trạng ế ẩm, phương án giảm giá là biện pháp duy nhất để tìm kiếm khách thuê trong bối cảnh hiện nay. Tùy từng vị trí mà chủ các cửa hàng cho thuê giảm từ 20- 30%, thậm chí không ít người còn chấp nhận giảm đến 50% giá tho thuê nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Bên cạnh đó, các hình thức hỗ trợ khách thuê khác như thu tiền theo tháng, thay vì phải thanh toán cả 6 tháng đến 1 năm như trước đây để giảm áp lực cho khách cũng được áp dụng nhưng vẫn không dễ cho thuê.

Chị Nguyễn Thị Lanh, chủ căn nhà 40m2 trên phố Xuân Thủy, Cầu Giấy cho biết, căn nhà 4 tầng có tổng diện tích sử dụng 160m2, sau khi khách trước hết hợp đồng, chị đã đăng thông tin cho thuê từ tháng 5-2021 đến nay cũng chưa tìm được khách. “Giá cho thuê trước đây là 50 triệu đồng/tháng nay phải chấp nhận giảm xuống 30 triệu đồng/tháng. Đồng thời chấp nhận phương án thu tiền theo tháng cho đến khi dịch bệnh ổn hẳn nhưng cũng chưa cho thuê được. Có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa”, chị Lanh cho biết.

Sau giãn cách, thế nhưng trên nhiều tuyến phố vẫn la liệt những tấm biển cho thuê, sang nhượng lại cửa hàng. Trên các website nhà đất, các hội nhóm trên mạng xã hội cũng tràn ngập thông tin cho thuê cửa hàng. Nhiều thông tin được chủ nhà rao cho thuê nhiều tháng nay vẫn chưa tìm được khách mới. Nhiều địa điểm trước đây được coi là đắc địa trong kinh doanh ở các khu phố lớn như phố Huế, Hàng Bông, Hai Bà Trưng… nay vẫn tiếp tục cửa đóng, then cài và treo biển giảm giá sâu.

Chưa thể hồi phục ngay

Ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 khiến bất động sản cho thuê ế ẩm đã diễn ra cả năm nay. Tuy vậy, bắt đầu từ tháng 5, khi làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ảnh hưởng càng nặng nề hơn thì nhiều tỉnh thành trên cả nước buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16. Hàng loạt địa phương phải giãn cách xã hội khiến thị trường bán lẻ gặp khó khăn, khách thuê không thể trụ vững. Trong khi đó, một phần nguyên nhân được xác định nữa là do dịch COVID-19 càng thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Rất nhiều người kinh doanh đã chuyển sang bán hàng online và trả mặt bằng. Tất cả chi phí mặt bằng sẽ được chuyển sang mục đích chạy quảng cáo, thu hút khách hàng.

“Ở thời điểm trước dịch, yếu tố vị trí thuận tiện và trung tâm giúp các chủ cửa hàng mặt phố dễ dàng hút khách, nên lượng cung cầu ổn định. Song, trong giai đoạn dịch COVID-19 tiếp diễn, các đợt giãn cách xã hội kéo dài đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều khách hàng đi thuê mặt bằng, nên nhu cầu thuê mặt bằng giảm là tất yếu”, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội đánh giá.

Một nguyên nhân nữa khiến mặt bằng cho thuê “lao dốc” do nguồn cung dư thừa. Dịch bệnh kéo dài đã khiến nhiều ngành nghề kinh tế, từ tiểu thương đến các doanh nghiệp lớn kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ như: lưu trú, thời trang, dịch vụ ăn uống… thời gian qua bị ảnh hưởng trầm trọng. Chưa kịp ổn định hoạt động trở lại thì lại có đợt dịch khác bùng phát dẫn đến kinh doanh lại đình trệ, khách thuê phải trả mặt bằng thuê, người lao động rời thành phố về quê tạm lánh dịch. Và hệ quả là phân khúc bất động sản cho thuê dư thừa nguồn cung, đó chính là nguyên nhân của tình trạng giá nhà cho thuê giảm thê thảm thời gian qua.

“Dịch vụ lưu trú, mặt bằng văn phòng, nhà đất cho thuê là những phân khúc đang cực kỳ khó khăn của thị trường bất động sản. Những khó khăn này không phải một thời điểm ngắn, mà kéo dài, trên diện rộng và chưa thể đánh giá được thiệt hại. Việc chủ đầu tư, chủ mặt bằng cho thuê giảm giá nhưng không cứu vãn được tình thế. Tất cả các dịch vụ vui chơi, ăn uống, giải trí, du lịch… hầu như đóng cửa, dẫn đến sự dư thừa nguồn cầu trên thị trường. Vì vậy, mức độ phục hồi của bất động sản cho thuê phụ thuộc vào mức độ phục hồi sau dịch bệnh của nền kinh tế”, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định.

Đà Nẵng miễn 100% tiền thuê mặt bằng 6 tháng cho tiểu thương chợ truyền thống Đà Nẵng miễn 100% tiền thuê mặt bằng 6 tháng cho tiểu thương chợ truyền thống

Đà Nẵng miễn 100% tiền dịch vụ sử dụng mặt bằng cho tất cả tiểu thương tại các chợ truyền thống trong 6 tháng, tính ...

/ cand.com.vn