Màn thể hiện gây thất vọng của Mỹ tại giải đua tăng quốc tế

Mỹ thường xếp áp chót trong ba giải đua xe tăng dành cho các thành viên NATO và đối tác, dù sở hữu mẫu xe M1A2 SEP v2 hiện đại. 

 

Từ năm 2016, quân đội Đức và Lực lượng lục quân Mỹ tại châu Âu bắt đầu tổ chức giải đua xe tăng thường niên mang tên Strong Europe Tank Challenge (SETC) tại thao trường Grafenwoehr, miền đông nước Đức.

Giải đấu SETC được coi là bài kiểm tra năng lực tác chiến của lực lượng tăng thiết giáp các nước thành viên NATO cùng nhiều quốc gia đối tác, cũng là sự kiện cạnh tranh với giải Tank Biathlon được Nga tổ chức từ năm 2013.

Trong giải đấu SETC, ngoài các phần thi cơ động và tác xạ trên xe tăng, kíp xe các nước còn phải thực hiện nhiều bài thi về thể lực như mang vác phụ tùng vượt chướng ngại vật.

Mỹ cùng các thành viên NATO khác và đối tác luôn mang đến SETC những xe tăng hiện đại nhất trong biên chế cùng tổ lái dày dặn kinh nghiệm. Sự kiện này không chỉ nhằm thể hiện trình độ huấn luyện kíp lái, mà còn là dịp phô diễn tính năng kỹ thuật của xe tăng mỗi nước.

Trong kỳ SETC đầu tiên, Đức triển khai xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6, trong khi Ba Lan và Đan Mạch sử dụng những chiếc Leopard 2A5 đời cũ hơn. Đội tuyển Italy trang bị xe tăng nội địa C1 Ariete, Slovenia mang theo những chiếc M84 được phát triển từ xe tăng T-72 do Liên Xô chế tạo, còn Mỹ cử hai xe tăng M1A2 SEP v2 hiện đại để thi đấu.

Xe tăng Leopard 2A6 Đức khai hỏa tại SETC 2018. Ảnh: US Army.

Dòng Leopard 2 của Đức có mặt trong biên chế 18 nước, thường được so sánh với xe tăng M1 Abrams hiện đại nhất của Mỹ. Hai mẫu xe tăng này có nhiều điểm tương đồng, như khối lượng hơn 60 tấn, trang bị giáp phức hợp tiên tiến, động cơ 1.500 mã lực cho phép đạt tới tốc độ 65 km/h. Một số phiên bản M1 và Leopard 2 dùng chung pháo Rheinmetall L/44 cỡ nòng 120 mm.

Các phiên bản Leopard 2 có hệ thống điều khiển hỏa lực vượt trội với kính ngắm ảnh nhiệt và khuếch đại hiện đại, có thể dễ dàng phát hiện mục tiêu địch từ khoảng cách lớn. Đây là yếu tố sống còn trong chiến đấu, thậm chí còn quan trọng hơn cả hỏa lực của pháo chính.

Trong khi đó, M1 Abrams là xe tăng chủ lực thế hệ ba được Mỹ phát triển từ những năm 1970, hiện được 7 nước sử dụng. Phiên bản M1 đầu tiên sử dụng pháo nòng rãnh xoắn 105 mm, các biến thể sau này sử dụng pháo nòng trơn 120 mm.

Phiên bản M1A2 được sản xuất từ đầu thập niên 1990, trang bị kính ngắm nhiệt độc lập cho trưởng xe, cải tiến hệ thống định vị, bổ sung loạt màn hình hiển thị và điều khiển được kết nối bằng đường truyền dữ liệu kỹ thuật số.

Gói Nâng cấp Hệ thống (SEP) được Mỹ triển khai cho các xe tăng M1A1 và M1A2 từ năm 1999, bổ sung bản đồ kỹ thuật số và hệ thống thông tin liên lạc cấp lữ đoàn FBCB2. Phiên bản SEP v2 bổ sung bệ vũ khí điều khiển từ xa cho súng máy phòng không, cải thiện giao diện điều khiển cho tổ lái, tăng cường giáp mặt trước và sườn xe. Xe tăng M1A2 SEP v2 cũng có hộp số cải tiến, tăng cường khả năng hoạt động lâu dài trên chiến trường.

Xe tăng Mỹ cơ động vào tuyến bắn tại SETC 2018. Ảnh: US Army.

Tuy vậy, những chiếc xe tăng hiện đại của Mỹ lại không thể hiện được nhiều trong giải đấu SETC 2016. Kết thúc giải đấu, hai kíp xe M1A2 SEP v2 của Mỹ xếp thứ 5 và thứ 6, chỉ xếp trên xe tăng M84 của Slovenia.

Chức vô địch giải đấu năm 2016 thuộc về đội Đức sử dụng xe tăng Leopard 2. Vị trí thứ hai và thứ ba thuộc về Đan Mạch và Ba Lan, những đội cũng sử dụng loại xe tăng này.

Đến giải đấu SETC 2017, các kíp xe châu Âu sử dụng xe tăng Leopard 2 tiếp tục thể hiện sự vượt trội so với xe tăng Mỹ. Đội tuyển Áo lần đầu tham gia đã giành chức vô địch trên chiếc Leopard 2A4, chủ nhà Đức xếp hạng hai. Đội tuyển Mỹ thi đấu tốt hơn năm 2016 khi về đích ở vị trí thứ ba, xếp trên Pháp, Ukraine và Ba Lan.

Giải đấu SETC 2018 có 8 đội tham gia, trong đó Anh và Thụy Điển góp mặt lần đầu. Đội tuyển Thụy Điển gây bất ngờ khi giành vị trí thứ hai với xe tăng Strv 122, phiên bản nâng cấp sâu của dòng Leopard 2A5. Đội chủ nhà Đức thi đấu với xe tăng Leopard 2A6 và giành ngôi vô địch, trong khi Áo về thứ ba.

Xe tăng M1A2 SEP v2 của Mỹ một lần nữa gây thất vọng khi chỉ xếp hạng 7 trong cuộc thi, với thành tích chỉ nhỉnh hơn xe tăng T-84 Oplot của đội Ukraine và đứng dưới cả đội tuyển Anh lần đầu thi đấu với xe tăng Challenger 2.

Vũ Anh (Theo Stripes)

[Info] Trung Quốc đã thua giải đấu tăng dù mang xe tăng 'quốc bảo' Type-96B đi thi đấu
Việt Nam lập nên kỳ tích tại Tank Biathlon 2019
Đội Việt Nam lần đầu vào chung kết giải đua xe tăng tại Nga
T-72B3 - chiến xa được tin dùng tại giải đua xe tăng của Nga
Hội thao Quân sự quốc tế: Đội Việt Nam lần đầu vào bán kết giải đua xe tăng tại Nga
/ vnexpress.net