"Mặc kệ" cổ phiếu chứng khoán giảm 50-70% so với đỉnh, một mã lội dòng bứt phá gấp 4 lần chỉ sau vài tháng

Trong bối cảnh nhóm chứng khoán trồi sụt mạnh trước những sóng gió thị trường, đà tăng nóng của cổ phiếu chứng khoán này khiến giới đầu tư đặc biệt chú ý.

Thị trường chứng khoán đang trải qua thời gian đầy sóng gió khi VN-Index liên tục giảm mạnh tiệm cận mốc 1.000 điểm. Thị trường không thuận lợi khiến nhiều nhóm ngành điều chỉnh sâu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Hàng loạt cái tên đình đám từng có chuỗi tăng nóng trong giai đoạn thị trường bùng nổ như thị giá SSI, VND, VCI, HCM đều chiết khấu sâu, thị giá mất khoảng 50-70% so với mức đỉnh. Vốn hóa nhiều công ty chứng khoán theo đó cũng “bốc hơi” hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trong bức tranh chung nhuốm màu ảm đạm ngành chứng khoán, cổ phiếu DSC của CTCP Chứng khoán DSC lại bất ngờ ngược dòng bứt phá mạnh mẽ. Cụ thể, DSC tăng mạnh từ 11.500 đồng/cp (13/6) lên mức 47.000 đồng/cp (3/11), tương đương tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng 4 tháng.

anh-chup-man-hinh-2022-11-04-luc-00.28.21(1).png

Nếu trong giai đoạn thị trường thăng hoa, mức tăng này không quá ấn tượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhóm chứng khoán trồi sụt mạnh trước những sóng gió thị trường, đà tăng nóng của cổ phiếu chứng khoán này khiến giới đầu tư đặc biệt chú ý.

Nhìn lại quá khứ, DSC cũng từng có giai đoạn đạt đỉnh ở mức giá 88.000 đồng/cp. Đó là thời điểm công ty mới đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCOM vào năm 2018. Tuy nhiên, mã này đã nhanh chóng trượt dốc và lình xình dưới mệnh trong suốt thời gian dài (6/2019-3/2021).

Bên cạnh đà tăng thị giá, thanh khoản của DSC cũng bứt phá mạnh. Từ một cổ phiếu giao dịch ảm đạm, chỉ lèo tèo vài trăm đến vài nghìn đơn vị khớp lệnh, khối lượng giao dịch của DSC nhanh chóng tăng đến con số trăm nghìn, thậm chí có phiên thanh khoản lên đến hàng triệu đơn vị.

Bóng dáng Tập đoàn Thành Công - TC Group

Chứng khoán DSC tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng, được thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ 22 tỷ đồng. Giai đoạn trước đó, Chứng khoán Đà Nẵng là cái tên không có gì nổi bật trên thị trường.

Bước ngoặt lớn chỉ bắt đầu vào năm 2021 khi CTCP Đầu tư NTP mua vào 70 triệu cổ phiếu DSC (tỷ lệ 70%) và trở thành cổ đông lớn. Đây là số cổ phiếu mà Công ty NTP mua vào khi Chứng khoán Đà Nẵng phát hành riêng lẻ 94 triệu cổ phiếu chào bán cho các nhà đầu tư, nhằm tăng vốn điều lệ gấp 16 lần, từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Sau sự xuất hiện của cổ đông lớn, Chứng khoán Đà Nẵng đã đổi tên thành CTCP Chứng khoán DSC, đồng thời rơi trụ sở chính tại TP Đà Nẵng ra địa chỉ 80 Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Thông tin thêm về vị cổ đông lớn này, Đầu tư NTP là công ty mới thành lập hồi tháng 3/2021, có trụ sở tại tầng 8, Thành Công Building (80 Dịch Vọng Hậu, Hà Nội). Đây cũng chính là trụ sở của Tập đoàn Thành Công - "đại gia" trong lĩnh vực lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Trên thị trường, nhiều nguồn tin cho biết Tập đoàn Hyundai Thành Công chính là cái tên đứng sau thương vụ trên.

Hyundai Thành Công là doanh nghiệp có vị thế đáng gờm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô. Tuy nhiên, không bằng lòng phát triển một mảng, doanh nghiệp đang có tham vọng “kiềng ba chân” với loạt động thái lấn sân mạnh mẽ sang lĩnh vực bất động sản và tài chính ngân hàng.

DSC kinh doanh ra sao?

Được sự hậu thuẫn từ cổ đông lớn, DSC dần “thay da đổi thịt” với bức tranh kinh doanh khởi sắc. Trong giai đoạn năm 2008 – 2016, DSC kinh doanh không ổn định, thậm chí nhiều có nhiều năm ngụp lặn trong thua lỗ nặng nề.

Đến thời điểm chuẩn bị lên sàn chứng khoán vào năm 2017 – 2018, tình hình tài chính của công ty có vẻ khấm khá hơn khi báo lãi hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này không kéo dài được lâu khi đến năm 2019 công ty tiếp tục thua lỗ.

anh-chup-man-hinh-2022-11-04-luc-00.25.06.png

Bước ngoặt đến vào năm 2021, sự xuất hiện của “làn gió mới” giúp DSC ngắt mạch thua lỗ và bắt đầu có lãi từ nửa sau của năm 2021. Tính chung cả năm 2021, lợi nhuận sau thuế của DSC đạt 24,85 tỷ đồng, trong khi năm 2020 con số này chỉ đạt vỏn vẹn 493 triệu đồng.

Sang đến năm 2022, bất chấp nhiều CTCK ghi nhận tăng trưởng âm, thậm chí thua lỗ vì thị trường chung kém sắc, DSC tiếp tục lội ngược dòng khi tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong quý 3/2022, DSC giữ vị trí “quán quân” tăng trưởng lợi nhuận trong nhóm các CTCK với mức tăng ấn tượng 200% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu hoạt động của DSC tăng gấp hơn 5 lần lên mức 42 tỷ đồng. Kết quả, công ty chứng khoán này báo lãi sau thuế đạt 8,5 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

anh-chup-man-hinh-2022-11-04-luc-00.45.12(1).png

Theo DSC, nguyên nhân lợi nhuận quý 3 tăng trưởng mạnh chủ yếu do doanh thu hoạt động tăng mạnh (410%) so với cùng kỳ, từ hơn 8 tỷ đồng lên hơn 42 tỷ đồng. Trong đó, mảng tự doanh DSC lãi hơn 18 tỷ đồng (gấp 2,4 lần).

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế của DSC đạt lần lượt là 100 tỷ đồng và 18 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 8 lần và 19 lần so với cùng kỳ.

Năm 2022, DSC đặt mục tiêu doanh thu đạt 188 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 45 tỷ đồng. Như vậy, công ty thực hiện được 53% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của DSC đạt 1.958 tỷ đồng, tăng 148 tỷ đồng so với đầu năm.

https://markettimes.vn/mac-ke-co-phieu-chung-khoan-giam-50-70-so-voi-dinh-mot-ma-loi-dong-but-pha-gap-4-lan-chi-sau-vai-thang-7586.html