Nhiều luật sư phân tích những chi tiết, tình huống của vụ việc ngân hàng SCB và công ty Manulife liên kết bán bảo hiểm đang gây bức xúc cho nhiều khách hàng.
Nhiều ngày nay, hàng trăm người cầm đơn đến công an TP.HCM tố sản phẩm Tâm An Đầu Tư, sản phẩm liên kết giữa Bảo hiểm nhân thọ Manulife và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) khiến họ mất tài sản. Nguyên nhân là những hợp đồng đầu tư tiết kiệm mà khách ký kết bỗng hóa thành bảo hiểm nhân thọ mà họ không hề hay biết.
Phân tích về tình tiết này với VTC News, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn luật sư Hà Nội, Chủ tịch SBLaw cho biết, về nguyên tắc, giao dịch mua bán bảo hiểm là giao dịch giữa hai bên mua và bán. Nếu cơ quan chức năng điều tra, làm rõ được rằng nhân viên của SCB hay Manulife cố tình tư vấn sai để chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ thì trường hợp đó có dấu hiệu của tội hình sự hoặc có thể xử phạt hành chính về hành vi lừa dối khách hàng.
Trong khi đó, khách hàng nên làm đơn khởi kiện ra toà dân sự yêu cầu chấm dứt hành vi đó để được bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, tòa sẽ tuyên hợp đồng vô hiệu và người mua bảo hiểm được chi tra toàn bộ chi phí đã nộp.
Ông Hà nói thêm: "Còn nguồn tiền ngân hàng có chuyển cho bảo hiểm hay không, ngân hàng làm gì với số tiền của khách hay bảo hiểm sử dụng như thế nào thì cơ quan chức năng cần làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật”.
Người dân viết đơn tố cáo sản phẩm bảo hiểm Tâm An Đầu Tư của Manulife và SCB trưa 20/4. (Ảnh: Đại Việt)
Đồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Doãn Hồng, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Đà Nẵng nêu ý kiến: Để làm rõ trách nhiệm và bản chất pháp lý của của vấn đề thì cơ quan chức năng cần xem xét cụ thể mối quan hệ giữa SCB và Manulife xem hợp đồng liên kết giữa hai bên đó là gì.
“Cần phải xem nguồn tiền của khách đang nằm ở đâu, SCB hay ở Manulife, đây là cơ sở để xem xét tiền này đưa vào mục đích sử dụng như thế nào. Nếu xuất hiện những hành vi vi phạm thì sẽ cấu thành tội hình sự và hợp đồng bị vô hiệu hóa”, luật sư Hồng nói.
Theo ông Hồng, nếu nhân viên SCB có dấu hiệu tư vấn sai để ép khách mua bảo hiểm thì khách có thể đòi lại được kinh phí đã đóng trước đó, nếu không được trả lại, người dân có quyền tố cáo đến cơ quan công an, nếu có dấu hiệu hình sự thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố để điều tra.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, để bảo vệ người mua hợp đồng bảo hiểm, tại Khoản 2 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định: “Phải có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ nội dung về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Nếu có dấu hiệu và bằng chứng về lừa dối khách hàng, người mua sẽ được trả lại tiền. Nếu có bằng chứng nhưng không đòi được, người mua sẽ phản ánh lên các cơ quan chức năng để hỗ trợ pháp lý và thủ tục khởi kiện đòi lại kinh phí”.
Tuy nhiên, ông Hòe cho rằng, trong trường hợp nhân viên ngân hàng, bảo hiểm tư vấn sai cho khách thì phải xem xét một cách cụ thể trên hợp đồng chứ không thể đơn thuần theo ý kiến phản ánh của khách hàng.
Như VTC News thông tin, rất nhiều khách hàng đã lên tiếng tố nhân viên Ngân hàng SCB và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife có nhiều sai phạm, khiến hợp đồng đầu tư tiết kiệm “hóa" thành bảo hiểm nhân thọ, làm người mua mất tiền.
Chị Trần Huỳnh Bích Thủy (ngụ Thuận An, tỉnh Bình Dương) được nhân viên Ngân hàng SCB chi nhánh Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) và nhân viên Manulife tư vấn sản phẩm Tâm An Đầu Tư có lãi suất cam kết từ 11 - 14%/năm và được tặng kèm quyền lợi bảo vệ sức khỏe lên đến 10 tỷ đồng/năm. Các nhân viên tư vấn chị Thủy sử dụng 300 triệu đồng tiết kiệm chia vào 2 tài khoản.
Tài khoản thứ nhất là 100 triệu đồng, đây là tài khoản tiết kiệm đi kèm quyền lợi bảo vệ sức khỏe. Tài khoản này chỉ được rút hết sau 1 năm và chỉ cần giữ lại bên trong tài khoản tối thiểu 10 triệu đồng để duy trì số dư kèm quyền lợi bảo vệ sức khỏe cho chị Thủy.
Tài khoản thứ hai là 200 triệu đồng, đây là tài khoản đầu tư linh hoạt có thể rút bất kỳ lúc nào. Nếu đóng 300 triệu đồng/năm, sau 3 năm chị Thủy sẽ có 1,3 tỷ đồng bao gồm cả gốc, lãi.
Chị Thủy đã đóng 300 triệu đồng vào sản phẩm Tâm An Đầu Tư. Hợp đồng của chị được cấp vào ngày 5/1/2021 và chị tin rằng mình đã có một hợp đồng đầu tư tiết kiệm. Thế nhưng, 1 năm sau, chị “tá hỏa” khi biết đó là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Chị liên hệ với các nhân viên của Manulife thì các nhân viên này chối bỏ trách nhiệm và thông báo đã nghỉ việc.
Nhiều khách hàng khác cũng cho biết, lúc đầu họ đều được nhân viên Ngân hàng SCB và Manulife tư vấn sản phẩm Tâm An Đầu Tư là sản phẩm đầu tư mới, tiết kiệm có lãi suất cao. Thế nhưng, sau này người dân mới phát hiện đó chính là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Trước nhiều ý kiến phản ánh của khách hàng, đại diện Manulife Việt Nam cho biết, đơn vị này đã ghi nhận việc một số khách hàng không hài lòng với sản phẩm "Tâm An Đầu Tư" được phân phối thông qua đối tác là Ngân hàng SCB.
Manulife cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các yêu cầu của khách hàng, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của công ty phù hợp với quy định của pháp luật và các quy tắc, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng đã ký kết với Công ty Manulife Việt Nam.
“Manulife rất thấu hiểu các quan ngại của khách hàng và hiện đang xem xét giải quyết các yêu cầu của khách hàng một cách nghiêm túc, công bằng và thỏa đáng. Chúng tôi sẽ không khoan nhượng cho bất cứ hành vi sai trái hoặc gian lận nào, và nếu phát hiện các hành vi này, chúng tôi sẽ ngay lập tức chuyển đến cơ quan chức năng liên quan để xử lý”, Manulife Việt Nam nêu rõ.