Từ bài tập nâng cao, chuyên đề giải tích...Điều đáng nói là cuối mỗi đề bài hoặc sau mỗi cuốn sách bao giờ cũng có phần bài giải, vậy thì học sinh sẽ không tư duy
Hiện nay trên thị trường đang tồn tại rất nhiều loại sách tham khảo, bổ trợ dành cho học sinh phổ thông, loại sách này được các nhà xuất bản biên tập, in rồi đưa ra thị trường, đưa vào các trường để bán kèm với sách giáo khoa. Chỉ tính riêng các loại sách này dành cho học sinh lớp 1 đã lên đến vài chục cuốn.
Điều đáng nói là trong khi sách giáo khoa bắt buộc phải mua theo quy định của bộ chỉ có 8 cuốn và 1 sách tiếng Anh nhưng các nhà trường thường đưa ra một “Combo” sách và không nói rõ đâu là sách giáo khoa và đâu là sách tham khảo.
Nhiều phụ huynh choáng váng khi thấy bộ sách nhà trường đưa ra nhưng “Không bắt mua” có giá lên tới gần triệu đồng. Mặc dù không vui nhưng hầu hết phụ huynh bấm bụng mua cho xong để cho con mình bằng các bạn và không bị giáo viên “thăm hỏi”.
Quá nhiều sách tham khảo vây quanh học sinh lớp 1. Ảnh: TD. |
Theo ghi nhận tại các nhà sách của Nhà xuất bản Giáo dục và các nhà sách lớn có bán sách giáo khoa tại Hà Nội thì đều có bán rất nhiều sách tham khảo.
Riêng sách Toán tham khảo dành cho học sinh lớp 1 đã có đến 18 quyển, nào là Để học tốt toán lớp 1, Để giải tốt bài tập toán 1, Bài tập toán cuối tuần, Tự luyện Violympic, Toán lớp 1 nâng cao, ôn tập hè…và chỉ đếm riêng những loại sách có chữ liên quan đến Toán lớp 1 đã là 39 cuốn.
Lớp 1 có 39 quyển sách Toán tham khảo, thì lớp 12 riêng sách tham khảo cho phần giải tích đã lên tới… 42 quyển, trong đó riêng loại có đầu đề “để học tốt giải tích” cũng có đến 20 quyển.
Từ bài tập nâng cao, chuyên đề giải tích… Song điều đáng nói là cuối mỗi đề bài hoặc sau mỗi cuốn sách bao giờ cũng có phần bài giải và như vậy sẽ rất khó khăn để các cháu động não bởi lời giải đã có sẵn rồi.
Vì thế, sách tham khảo nhiều và giá cao, nhưng hiệu quả tham khảo chắc chắn không nhiều.
Trao đổi với phóng viên tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Giáo viên dạy môn Toán Trường Trung học phổ thông Thăng Long - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ:
“Có thể nói vấn đề hiện nay là các loại sách tham khảo, sách bổ trợ ăn theo sách giáo khoa rất nhiều, nếu mà công tâm vì nền Giáo dục thì người ta sẽ không thiếu gì cách để giải quyết một cách triệt để về những loại sách này.
Có thể nói thực tế hiện nay là loạn sách và các em học sinh không biết dùng như thế nào. Theo tôi nếu gắn yếu tố lợi nhuận kinh tế vào sách giáo khoa thì hoàn toàn không ổn.
Trong ngành giáo dục thì sự trong sáng, đạo đức, tính giáo dục…thì cần phải nghiêm cấm làm tiền nhất là trong nhà trường.
Nhu cầu sử dụng sách tham khảo là có nhưng sẽ rất đúng với tên gọi vốn có của nó, đó là sách tham khảo. Vậy tùy từng trình độ tiếp thu của từng em học sinh sẽ có nhu cầu tham khảo khác nhau.Bây giờ các nhà xuất bản in sách ra rồi mang đến nhà trường, rồi thầy cô phát hành sách, họ đưa thông báo cho phụ huynh và lúc nào cũng nói không phải mua? Nhưng nếu phụ huynh không mua thì cũng khó mà vui vẻ được và đó là thực tế hiện nay.
Có em cần lượng thông tin cao hơn, nhưng cũng có em chỉ cần kiến thức trong sách giáo khoa là đủ và thậm chí là có em không tiếp thu được, vì thế việc mua các loại sách tham khảo nên để các em tự quyết định.
Thầy cô không thể “Hướng dẫn” tất cả các em học sinh mua và dùng cùng 1 loại sách tham khảo được, trừ sách giáo khoa bắt buộc phải mua, không mua sẽ không có sách để học.
Cả một bộ vài chục cuốn sách tham khảo có giá gần triệu đồng đổ lên đầu phụ huynh thì quá là mệt mỏi, nhà có 2 con đi học mà bố mẹ lại đang mất việc vì dịch bệnh thì quả là khốn khó, như vậy là không có lương tâm giáo dục.
Tôi kiến nghị là phải nghiêm cấm tuyệt đối việc mua bán các loại sách giáo khoa, sách tham khảo…trong trường học.
Thầy cô với chuyên môn là dạy người chứ không phải là đi bán sách để hưởng hoa hồng. Mà tôi biết là hoa hồng từ bán sách thì ban giám hiệu và Sở, Phòng hưởng chứ thầy cô đâu có được”.
Mỗi cuốn sách giáo khoa lớp 1 cõng theo hàng chục cuốn sách tham khảo. Ảnh: TD. |
Các nước tiên tiến sử dụng sách giáo khoa ra sao?
"Theo dõi thường xuyên nền giáo dục ở Đức và Pháp, tôi đã tham khảo và được biết sách giáo khoa của họ trước hết là in với chất lượng rất tốt. Sách có bìa cứng và ngoài bìa không in mấy hình tuồng chèo như ở ta, rất xấu.
Phía trong trang bìa có mục lý lịch dùng sách và trong đó ghi tên những học sinh trước đó đã dùng cuốn sách này.
Sách giáo khoa ở Pháp là nhà trường cho học sinh mượn, trước khi mượn thì học sinh sẽ có một biên bản ghi nhận chất lượng cuốn sách đó ra sao, sạch, bẩn hay thiếu trang, quăn mép, bị rách…rồi gửi cho nhà trường.
Qua biên bản đó nếu thấy sách không đạt chất lượng thì nhà trường sẽ thu, hủy rồi bổ sung quyển mới cho học sinh. Còn cuối năm cuốn sách đó không đúng như biên bản đầu năm thì học sinh phải đền cuốn khác.
Như vậy sách được dùng trong nhiều năm mà vẫn đạt chất lượng, không lãng phí và phụ huynh học sinh cũng bớt được một khoản đóng góp đáng kể vào đầu năm học.
Sách của họ in đẹp, cho học sinh mượn hàng năm, dùng lâu dài và từng học sinh phải có trách nhiệm. Đặc biệt là học sinh không được viết hay trả lời câu hỏi vào trong sách giáo khoa, tất cả phải viết ra vở làm bài tập.
Còn tôi thấy hiện nay các nhà xuất bản nghĩ ra cách cho học sinh viết thẳng vào sách giáo khoa để sang năm học sinh phải mua sách mới thì đó là sai lầm, lãng phí của dân mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng.
Tôi cho đó là lợi dụng sách giáo khoa để làm kinh tế chứ không phải vì đổi mới giáo dục, cũng dễ hiểu vì các nhà xuất bản đều làm kinh tế và sách là sản phẩm kinh doanh của họ.
Rồi họ lại lấy danh nghĩa đưa sách vào trường học nhưng mang mầu sắc kinh tế, lợi ích nhóm xâm lấn vào nhà trường khiến cho mọi việc rối lên, phụ huynh bức xúc, học sinh có quá nhiều sách gây mất tập trung. Như vậy là góp phần làm lùi nền giáo dục”.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Giáo viên dạy môn Toán Trường Trung học phổ thông Thăng Long - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: TD. |
Sách chính và sách tham khảo là gì ?
Thầy Ngọc cho biết: “Tôi là giáo viên dạy môn Toán, và cũng giống như bất cứ một phụ huynh nào có chút học thức thì ai cũng muốn học sinh và con mình học tốt và cao hơn yêu cầu trong nhà trường.
Sách giáo khoa là kiến thức cơ bản, đại trà và học sinh nào cũng sử dụng được. Còn đối với những em nào có tố chất muốn vươn cao hơn thì lúc đó sẽ có sách tham khảo nâng cao. Cái đó phụ thuộc vào nhu cầu của từng học sinh.
Chữ tham khảo có từ lâu rồi và theo tôi là rất chuẩn về từ ngữ, chỉ ra đây là sách tham khảo mà đã là tham khảo thì không bắt buộc phải mua.
Còn tôi thấy người ta dùng từ sách bổ trợ thì hơi lạ, chữ bổ trợ là lập lờ đánh tráo khái niệm, áp đặt và như vậy dễ làm cho phụ huynh nhầm lẫn và dẫn đến phải mua.
Có thể nói họ dùng từ bổ trợ là lập lờ, không có tâm, không nghiêm chỉnh và rõ ràng vì lợi ích kinh tế chứ không phải vì học sinh thân yêu, vì nền giáo dục. Tham khảo chứ không phải bổ trợ.
Trong lớp có khoảng chục em rất giỏi và đương nhiên các em đó sẽ cần những loại sách tham khảo tốt. Còn lại vài ba chục em có lực học vừa phải thì chỉ cần đến sách bài tập của môn đó là tốt rồi.
Còn lại hai chục em làng nhàng thì cứ sách giáo khoa mà học là được rồi. Vậy nên giáo viên bộ môn và phụ huynh tùy theo lực học của học sinh sẽ định hướng, hướng dẫn các em tìm loại sách thích hợp.
Sách tham khảo hiện nay trên thị trường quá nhiều, cứ mỗi cuốn sách giáo khoa lại đi kèm với vài cuốn sách tham khảo dẫn đến học sinh và phụ huynh không biết đâu mà lần.
Hiện nay trên mạng Internet cũng có nhiều kiến thức giúp ích cho học sinh, thời đại 4.0 rồi mà còn phụ thuộc vào mấy cuốn sách thì làm sao mà tiến lên kịp với thế giới.
Tôi thấy hiện nay sách giáo khoa mới có có cả bản Online điện tử, vậy tại sao không làm nốt các loại sách tham khảo cũng Online để giảm bớt lãng phí cho xã hội”.
Thầy Ngọc nhấn mạnh: “Việc giáo viên trong nhà trường “Hướng Dẫn” các em học sinh mua sách tham khảo, bổ trợ trong trường học là một hành động phản giáo dục và không có lương tâm, đạo đức”.
Học sinh lớp1 chưa đọc thông viết thạo mà lại có quá nhiều sách tham khảo thì không biết cháu có đủ thời gian để đọc hết chỗ sách đó hay không? Ảnh: TD. |
Chưa biết hết mặt chữ thì đâu đã cần đến sách bổ trợ
Đồng quan điểm trên, nhà giáo Nguyễn Thị Thu - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ quan điểm: “Tôi thấy một cháu học sinh lớp 1 phải cõng hơn 20 cuốn sách tham khảo thì rất là phản giáo dục.
Trong khi chúng ta cứ hô hào đổi mới, cải cách giáo dục, giảm tải cho học sinh nhưng lại bắt các em dùng quá nhiều đầu sách như thế là đi ngược lại với xu thế giáo dục hiện đại.
Cháu tôi đang học lớp1, chưa đọc thông viết thạo mà lại có quá nhiều sách tham khảo thì không biết cháu có đủ thời gian để đọc hết chỗ sách đó hay không?
Mà bản thân cháu còn chưa biết hết mặt chữ thì đâu đã cần đến sách bổ trợ. Đến bố mẹ cháu cũng không đủ thời gian đọc chỗ sách đó.
Mà tôi dám chắc là ở trường các giáo viên cũng không đủ thời gian để hướng dẫn học sinh dùng đến các loại sách đó vì thật sự là nó quá nhiều.
Vậy nên áp dụng sách tham khảo đối với học sinh lớp 1 tôi cho là phản giáo dục, hơn nữa quá nhiều loại sách như vậy còn làm cho các em học sinh bị ngợp, phân tán tư tưởng thì học làm sao mà vào được.
Bố mẹ thì bị tăng chí phí mua sách, các con thì loạn vì nhiều sách, thầy cô chỉ dạy theo sách giáo khoa là đã hết giờ trên lớp thì thử hỏi sách tham khảo dùng vào lúc nào?
Các nhà xuất bản đưa ra quá nhiều sách tham khảo như vậy tôi cho là vì mục đích thương mại.
Trong thực tế hiện nay thì Internet đóng góp cho việc tìm kiếm kiến thức rất nhiều, có nhiều cách để cập nhật kiến thức chứ đâu phải chỉ trông vào mấy cuốn sách.
Thử hỏi con cháu các vị làm ra những cuốn sách tham khảo đó có dùng hay không? Trẻ con mới vào lớp 1 còn phải có thời gian để làm quen với môi trường học tập, làm quen với chữ viết thì lấy đâu ra thời gian đọc mấy cuốn tham khảo kia”.