Italy có dân số già, trong khi người cao tuổi với nhiều bệnh lý nền khi nhiễm nCoV dễ dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng.
Số ca tử vong vì nCov ở Italy liên tục tăng mạnh trong những ngày gần đây. Nước này hôm 12/3 ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày cao kỷ lục là 2.651, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 15.113.
Italy cũng là quốc gia có số người chết vì nCoV cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với 1.016 trường hợp. Tỷ lệ tử vong là gần 7%, cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu 3,4%, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nữ nhân viên y tế bước ra từ lều dựng trước khoa cấp cứu bệnh viện Cremona, vùng Lombardy hôm 29/2. Ảnh: AP. |
Một yếu tố tác động tới tỷ lệ tử vong vì nCoV của Italy nằm ở độ tuổi dân số. Nước này có độ tuổi trung bình là 47,3, thuộc nhóm dân số già nhất châu Âu với khoảng 23% người dân trên 65 tuổi. Rất nhiều ca tử vong trong dịch Covid-19 của Italy đều là những người ngoài 80, 90 tuổi, độ tuổi dễ xảy ra những biến chứng nặng sau khi nhiễm nCoV.
Theo Aubree Gordon, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Michigan, tỷ lệ tử vong chung luôn phụ thuộc vào đặc điểm nhân khẩu học của dân số. Trong trường hợp Italy, "chúng ta sẽ nhìn thấy tỷ lệ tử vong của họ cao hơn trung bình, với tất cả những yếu tố khác được giữ ngang bằng" so với một quốc gia có dân số trẻ hơn, giáo sư Gordon cho hay.
Ngoài ra, khi độ tuổi càng cao, khả năng xuất hiện ít nhất một yếu tố khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, chẳng hạn ung thư hay tiểu đường, cũng tăng lên, theo Krys Johnson, chuyên gia dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Đại học Temple, Mỹ. Những yếu tố như vậy cũng làm cho tình trạng của bệnh nhân dễ trở nặng hơn khi nhiễm nCoV.
Một nguyên nhân khác có thể nằm ở yếu tố số lượng người trong một khu vực nhất định cần đến chăm sóc y tế. Khi nhiều người ốm nặng chỉ tập trung tại một vùng nào đó sẽ, hệ thống y tế địa phương sẽ trở nên quá tải, Gordon lưu ý.
Gordon lấy Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nơi Covid-19 bùng phát, làm ví dụ. Một báo cáo mới đây do WHO công bố cho thấy tỷ lệ tử vong vì nCoV tại Vũ Hán là 5,8%, cao hơn nhiều lần so với mức 0,7% ở phần còn lại của Trung Quốc.
Cuối cùng, Italy có thể không phát hiện được nhiều ca nhiễm nCoV nhẹ, khiến tổng số ca nhiễm thực tế thấp. Thông thường, khi xét nghiệm được mở rộng ra cộng đồng, nhà chức trách sẽ phát hiện thêm nhiều ca bệnh nhẹ hơn, qua đó gia tăng số ca nhiễm và làm giảm tỷ lệ tử vong chung. Đây là trường hợp của Hàn Quốc, nước đã tiến hành hơn 140.000 xét nghiệm nCoV và có tỷ lệ tử vong chỉ 0,6%.
"Chúng ta không biết chính xác có bao nhiêu người thực tế bị lây nhiễm", Johnson nói. Những người chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ hay người trẻ tuổi có thể không được xét nghiệm. Vì thế, Johnson đoán rằng tỷ lệ tử vong thực của Italy chỉ ngang bằng tỷ lệ tử vong toàn cầu là 3,4%.
Italy đã tiến hành hơn 42.000 xét nghiệm nCoV (số liệu tính đến ngày 7/3). Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và nhiều khả năng sẽ bùng phát với quy mô lớn hơn, đòi hòi nhiều xét nghiệm hơn cần thực hiện, Gordon nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Scientific American)
Số ca tử vong do nhiễm nCoV ở Italy vượt qua 1.000
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, hôm 12/3, Italy có thêm 189 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do nhiễm nCoV ở ... |
Người Italy thấm nỗi sợ nCoV
Trên con phố vắng tanh gần đấu trường cổ ở Verona, nơi từng vô cùng nhộn nhịp, hai người bạn hội ngộ sau nhiều năm, ... |