Lý do người Nhật không bỏ "loa phường"

Đúng 17h hàng ngày, chiếc loa phát ra một bản nhạc truyền thống trong khoảng 20-30 giây rồi tắt. 

"Những chiếc loa phát cùng một bài hát mỗi ngày mà tôi không thể nhận ra đó là ca khúc gì, thực sự ồn ào. Thi thoảng, người ta cũng phát đi một thông báo. Dù biết tiếng Nhật, tôi phải tự hỏi mình có hiểu họ đang nói gì không, vì chất lượng âm thanh khá tệ", Belinda, một khách nước ngoài tại tỉnh Saitama, viết.

Đồng nghiệp người Nhật nói với cô rằng, đó là tín hiệu để lũ trẻ biết giờ chơi đã hết và đến lúc chúng trở về nhà. Nhưng mọi đứa trẻ cô biết đều học trường tư, và không ai về nhà cho đến khi trời tối hẳn. Loa đều đặn vang lên lúc 5h chiều hàng ngày khiến cô thắc mắc.

Thực tế, thứ Belinda nghe thấy hàng ngày thường được gọi là goji no chaimu (tiếng chuông lúc 5h chiều), còn thuật ngữ chính xác phức tạp hơn: shichōson bōsai gyōsei musen hōsō (hệ thống phát sóng cảnh báo thảm họa của chính quyền địa phương), hay ngắn gọn là bōsai musen.

Theo đó, nhiều người có thể hình dung rằng thứ âm nhạc vang lên hàng ngày không nhằm giúp người dân thư giãn. Bản hòa nhạc ngắn lúc chiều muộn này thực ra là một bài kiểm tra thường nhật của hệ thống khẩn cấp, cảnh báo tới người dân những hiểm họa như sóng thần hay tai nạn công nghiệp.

Hơn 90% thành phố, thị trấn và làng mạc tại xứ sở hoa anh đào sử dụng những hệ thống tương tự, nhưng thời gian và âm nhạc có thể khác nhau. Nhiều nơi kiểm tra hệ thống loa phóng thanh một lần mỗi ngày vào buổi trưa, hoặc hai lần một ngày vào 12h và 18h. Thời điểm phát loa được tính toán để có thêm vài tác dụng khác, và phổ biến nhất là nhắc lũ trẻ về nhà trước khi trời tối.

ly do nguoi nhat khong bo loa phuong
Tại nhiều địa phương, giờ kiểm tra hệ thống phát thanh là 17h vào mùa đông, và 17h30 hoặc 18h khi ngày dài hơn. Ảnh: Alice Gordenker.

Những chiếc loa trông có vẻ lạc hậu, nhưng thực ra tất cả đều kết nối với hệ thống có thể truyền tải cảnh báo tới chính quyền địa phương trên toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản, trong vòng 7 giây. Hệ thống cảnh báo thảm họa toàn quốc này được khởi động sau khi một trận động đất nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Niigata vào năm 1964, với nhiều thay đổi và cải tiến qua thời gian. Mối quan tâm hiện tại của chính quyền là liên tục nâng cấp thiết bị lên hệ thống kỹ thuật số tân tiến hơn.

Fujitsu General là một trong những nhà sản xuất bōsai musen lớn nhất tại Nhật Bản. Hệ thống kỹ thuật số hiện đại có nhiều công năng hơn những chiếc loa phát thanh thông thường. Chúng có thể truyền cảnh báo tới điện thoại di động, máy fax và những thiết bị dành cho người khiếm thính, gửi tin nhắn qua hệ thống radio và vô tuyến, thậm chí tự động đăng tải thông tin trên website của chính quyền.

Tuy nhiên, bōsai musen không được toàn dân đón nhận. Phần lớn giới chức địa phương dùng loa để báo tới người dân những thông tin khác như nhắc nhở ngày bầu cử. Tại một số nơi, hệ thống này bị lạm dụng để liên tục phát đi những thông báo như đăng ký khám sức khỏe định kỳ, vứt rác đúng quy định, nhắc nói năng nhẹ nhàng với trẻ nhỏ...

Người Nhật cũng chỉ trích hệ thống loa này gây ra ô nhiễm tiếng ồn, phát âm thanh với cường độ 85dB trong khoảng cách 50 m (tiếng ồn từ 85dB trở lên có khả năng gây tổn thương thính giác nếu con người phải nghe trong thời gian dài, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ).

Điều này còn gây phiền toái với người lao động vào ban đêm - những người cần nghỉ ngơi vào ban ngày. Song những lời phàn nàn giảm dần sau thảm họa kép Động đất và sóng thần Tōhoku 2011, khi nhiều người phớt lờ cảnh báo hoặc chủ quan, cho rằng tình hình không quá nghiêm trọng.

Bōsai musen được dự đoán là có thể xuất hiện tại nhiều quốc gia khác ngoài Nhật Bản, khi các nhà sản xuất và chuyên gia quản lý khủng hoảng nhìn thấy tiềm năng của nó. Thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 là một bài học điển hình, cho thấy không phải mọi quốc gia đều có đủ phương tiện để cảnh báo người dân kịp thời về thiên tai.

Bảo Ngọc (Theo Japan Times)

ly do nguoi nhat khong bo loa phuong "Làm việc suốt đời" - Bí quyết giúp Nhật vươn mình thành siêu cường
ly do nguoi nhat khong bo loa phuong Người Trung Quốc ở Mỹ từng phải dán nhãn để tránh nhầm với người Nhật
ly do nguoi nhat khong bo loa phuong [ẢNH] Khám phá những bí quyết "trẻ mãi không già" của người Nhật Bản
ly do nguoi nhat khong bo loa phuong Lý do người Nhật có lối sống "siêu sạch"
ly do nguoi nhat khong bo loa phuong Tăng thuế tiêu dùng, nhiều người Nhật Bản lo sợ các tác động tiêu cực

/ vnexpress.net