Đối tượng Q. đã dùng dao đâm khiến nạn nhân phải nhập viện điều trị hơn 2 tuần. Sau khi ra viện được vài ngày, đối tượng Quốc được xác định mang xăng đốt nhà hàng xóm khiến 5 người tử vong.Vậy vì sao trước đó công an không bắt đối tượng này?
Ngày 13/3, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, cơ quan CSĐT công an tỉnh này đã xác định được nghi can gây ra vụ hỏa hoạn khiến 5 người chết tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào tối 12/3. Nghi can được xác định là Trần Văn Q. (49 tuổi, hàng xóm nhà nạn nhân).
Theo ông Sơn, qua trích xuất camera cho thấy hình ảnh Q. cầm theo một chiếc khò gas mini và can nhựa nghi đựng xăng đi vào nhà nạn nhân. Bên cạnh đó, các dấu vết và vật chứng để lại tại hiện trường cho thấy, có thể Q. đã dùng xăng phóng hỏa đốt chết gia đình nạn nhân và chết theo.
Theo một người dân, Q. là hàng xóm của gia đình nạn nhân, sống độc thân. Trước Tết Mậu Tuất, do mâu thuẫn, Q. đã dùng dao đâm ông Nguyễn Thông Th. (43 tuổi, nạn nhân tử vong trong vụ cháy) trọng thương. Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ thì Q. tiếp tục là nghi can trong vụ dùng xăng đốt chết 4 người trong gia đình ông Th..
Hiện trường vụ hỏa hoạn khiến 5 người chết |
Ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra khiến 5 người tử vong, nhiều người không khỏi thắc mắc lý do vì sao cơ quan công an không tiến hành bắt giữ đối với Q. khi dùng dao đâm ông Th. trước đó.
Chia sẻ góc nhìn về vụ việc, Trung tá Trần Ngọc Sơn, Đội trưởng đội Hướng dẫn điều tra án (phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – PC45, Công an tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, bộ luật TTHS và BLHS 2015 có quy định khá chặt chẽ về việc tạm giam tạm giữ đối với những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Trung tá Sơn, thứ nhất, tội Cố ý gây thương tích có nhiều khung hình phạt khác nhau, trong đó có khoản thuộc trường hợp tội ít nghiêm trọng (khoản 1), có khoản thuộc tội đặc biệt nghiêm trọng (khoản 6).
Hành vi gây thương tích bình thường, kết quả giám định cố ý gây thương tích của nạn nhân 11% chẳng hạn, hoặc dưới 11% thì sẽ thuộc khoản nào, với khung hình phạt lên đến bao nhiêu năm tù để xác định mức độ tội phạm. Căn cứ vào đó để thực hiện biện pháp ngăn chặn như tạm giam, tạm giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú…
Thứ hai, trường hợp tỉ lệ thương tật thấp hơn 11% vẫn có thể bắt giữ đối tượng nếu đối tượng có hành vi bỏ trốn hoặc gây cản trở quá trình điều tra hoặc có ý định tiếp tục phạm tội.
Trong vụ việc ở Lâm Đồng, cơ quan công an đang đợi kết quả giám định thương tật để làm căn cứ thực hiện biện pháp ngăn chặn là bắt tạm giam đối với đối tượng. Nếu cơ quan công an xác định được đối tượng Q. tiếp tục có ý định phạm tội hoặc phát hiện đối tượng chuẩn bị phóng hỏa đốt nhà nạn nhân thì có thể bắt khẩn cấp được luôn.
"Nếu có căn cứ xác định đối tượng tiếp tục phạm tội trong trường hợp tội ít nghiêm trọng thì cơ quan công an cũng có thể bắt giữ được đối tượng. Tuy nhiên, trong vụ này, cơ quan công an tuân thủ đúng các quy định của pháp luật", Thiếu tá Sơn chia sẻ.
Nhìn nhận vụ việc này, một số chuyên gia pháp lý cho rằng, đối tượng Q. đã có hành vi xâm hại đến sức khỏe của ông Th.. Sau đó, khi nạn nhân ra viện thì dùng xăng phóng hỏa đốt nhà khiến cả gia đình nạn nhân và bản thân tử vong. Khó có thể lý giải nguồn cơn của hành động tội ác này, nhưng hậu quả để lại thật nặng nề và đau xót. Nhiều người vô tội đã bị tước đi quyền sống của mình.
Theo quy định tại Điều 119 BLHS về tạm giam quy định, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm, không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can, tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội.
Điều 9 BLHS 2015 quy định về Phân loại tội phạm Theo đó, tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn khung hình phạt là từ trên 3 năm đến 7 năm tù. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 7 năm đến 15 năm tù; Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. |
Cả gia đình chết cháy ở Đà Lạt do hàng xóm phóng hỏa
Qua hình ảnh camera cùng dấu vết thu được tại hiện trường, Công an Lâm Đồng xác định nghi can đã chết cùng gia đình ... |
"5 người chết cháy trong khu biệt thự cổ ở Đà Lạt" là án mạng nghiêm trọng
Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, khẳng định vụ 5 người chết cháy trong khu biệt thự cổ ở ... |