Sách “Đạo đức - Công nghệ giáo dục lớp 1”, cuốn sách duy nhất còn lại trong bộ sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng vừa bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới đánh giá là không đạt, chính thức bị loại sau 2 vòng thẩm định.
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua 2 vòng thẩm định, có 38/49 bản thảo sách giáo khoa đạt yêu cầu và đáp ứng đủ 9 môn học, còn 11 bản thảo sách bị đánh giá “không đạt".
Trong số các bản thảo bị loại có sách “Đạo đức -Công nghệ giáo dục lớp 1” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên, tác giả là Ngô Thị Tuyên.
Trước đó, hai cuốn “Toán và Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục” đã bị loại ở vòng 1. Như vậy, sau 2 vòng thẩm định, không cuốn sách nào của Công nghệ giáo dục được đánh giá “đạt”, để có thể trở thành sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thông tin này đang nhận những tranh cãi trái chiều từ dư luận, bởi bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được đưa vào thử nghiệm ở các trường học hơn 40 năm qua, với hơn 900.000 học sinh đang theo học.
Sách “Đạo đức lớp 1 công nghệ giáo dục” được xây dựng dựa trên sách “Giáo dục lối sống” của chương trình Công nghệ giáo dục đang là tài liệu thí điểm trong nhiều trường học. |
“Nhiều từ ngữ và tình huống không phù hợp với học sinh lớp 1”
Theo thông tin của Lao Động, một trong những lý do khiến Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Đạo đức lớp 1 đánh giá sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại không đạt là có "nhiều từ ngữ và tình huống không phù hợp với học sinh lớp 1".
Theo hội đồng, bản mẫu sách của Giáo sư Đại còn sử dụng một số từ ngữ chưa phù hợp với học sinh lớp 1 như từ “mô phỏng”, “sống tốt”, “quy trình”, “công dân”.
Nhiều câu hỏi, tình huống không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và điều kiện sống của học sinh, như: "Em đã bao giờ bị điện giật chưa?", "Em đã bao giờ bị bỏng chưa?", “Em đã bao giờ bị lạc chưa?”.
Về nội dung sách, Hội đồng thẩm định đánh giá sách có nhiều bài học đảm bảo sát chủ đề trong chương trình, chú trọng giáo dục các hành vi đạo đức cụ thể, chú trọng tích hợp kỹ năng sống. Tuy nhiên, còn một số chủ đề thực hiện chưa chính xác các yêu cầu cần đạt của chương trình môn học ví dụ như chủ đề “Yêu thương gia đình”, “thật thà”…
Ngoài ra, hội đồng cũng đánh giá cấu trúc sách chưa thể hiện đúng với định hướng đổi mới phương pháp dạy học của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học, chưa đáp ứng được các quy định của Thông tư 33.
Với những lý do này, cả 8 thành viên Hội đồng có mặt tham gia đều đánh giá sách “Không đạt”.
Hội đồng can thiệp quá sâu vào nội dung bài học?
Về phía nhóm tác giả viết sách "Đạo đức lớp 1- Công nghệ giáo dục", theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại, cuốn sách được ông và các tác giả xây dựng dựa trên sách “Giáo dục lối sống” của chương trình Công nghệ giáo dục đã được áp dụng dạy và học trong nhiều năm nay.
Cuốn sách chứa đựng quan điểm “lấy học sinh làm trung tâm”, phụ huynh cũng có sách riêng, sẽ tạo thành một sự thống nhất trong việc dạy cho học sinh từ trên lớp cho đến khi về nhà. Ông không có ý kiến về việc cuốn sách vừa bị loại.
Còn theo bà Ngô Thị Tuyên - tác giả cuốn "Đạo đức 1 - Công nghệ giáo dục", nhóm tác giả đã rất cầu thị sửa theo những yêu cầu của hội đồng thẩm định, tuy nhiên vẫn bị loại.
Bà cho rằng trong biên bản nhận xét lần 2, những đánh giá của hội đồng thẩm định có nhiều điểm không thuyết phục. Hội đồng can thiệp quá sâu vào nội dung bài học thay vì căn cứ vào mục tiêu, kỹ năng cần đạt của chương trình.
Hiện Phó Giáo sư Nguyễn Kế Hào -nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục - đã tiếp tục gửi thư kiến nghị tới Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc bộ sách "Công nghệ Giáo dục" do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên vừa bị hội đồng thẩm định loại. |