Xếp hàng đăng ký, thậm chí vật nài xin vào các lớp học luyện thi vào lớp 6, nhưng nhiều trung tâm luyện thi vẫn lắc đầu vì “đã đủ lớp” hay “đã ôn từ đầu năm, không nhận học sinh mới”.
Với phương châm “nhạc nào cũng nhảy”, dù 3 năm qua Bộ GDĐT đã cấm mọi hình thức thi tuyển vào đầu cấp THCS nhưng dịch vụ ôn luyện thi vào các trường chuyên, trường có danh tiếng vẫn “đắt như tôm tươi”.
Lò luyện chuyển hướng
Dù Bộ GDĐT mới chỉ công bố dự thảo cho phép các cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu được phép tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh nhưng trên thực tế việc dạy thêm, học thêm, luyện “gà nòi” tại các trung tâm luyện thi vẫn diễn ra nhộn nhịp. Nhiều trung tâm vẫn sống tốt, sống khoẻ với đa dạng các hình thức, các lớp luyện thi được mở ra liên tục, danh sách học sinh đăng ký luyện thi cứ mỗi ngày một dài hơn, thậm chí, phụ huynh nào chậm chân là hết chỗ.
Liên hệ trung tâm luyện thi có địa chỉ tại một ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội) - một giáo viên tại đây - cho biết, hiện bên trung tâm này chỉ còn lớp luyện tiếng Anh và tiếng Việt thôi. Còn lớp toán đã học được khá lâu, bây giờ các bạn đều bước vào luyện thi rồi chứ không phải ôn tập kiến thức nữa. Người này cho biết thêm, vì số lượng phụ huynh “xếp hàng” đăng ký luyện thi cho con khá đông, nên không phải học sinh nào cũng sẽ nhận. Để có một suất học, các con phải vượt qua bài kiểm tra đầu vào bằng tiếng Anh. Vượt qua kỳ thi, học sinh được phân thành nhiều lớp với các trình độ khác nhau.
Để nhấn mạnh về dịch vụ và chất lượng của mình, người này cho biết: “Trung tâm có tổ chức ôn thi từ lớp 3, rất uy tín và nổi tiếng rồi. Ở nước ta, chuyện thi chưa ngã ngũ, mỗi năm một kiểu nhưng tất cả các bạn đều chuẩn bị hành trang theo kiểu “nhạc nào cũng nhảy”. Các bố mẹ cũng xác định ngay từ nhiều năm trước để chọn lớp cho con. Chương trình học sẽ ôn theo chuyên đề, sau đó được luyện đi luyện lại, nhào đi nhào lại nên cuộc thi nào thì kiến thức cũng rất vững” - giáo viên này khẳng định.
Tương tự, tại một lớp luyện thi trên đường Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết đã có đủ 5 lớp luyện thi rồi. Nếu muốn học phải đợi mở thêm lớp mới. “Nếu các con chỉ học trên lớp thì khó có thể đỗ vào các trường chuyên, trường chất lượng cao. Thi như thế nào thì cũng đều học theo dạng bài cơ bản với 10 chuyên đề. Học phí là 150.000 đồng/buổi cho lớp cơ bản và 180.000 đồng/buổi cho lớp nâng cao. Cam kết nếu đi học đầy đủ, hoàn thành bài tập của giáo viên với khoảng 80% lượng kiến thức thì sẽ thi đỗ. Nếu không đỗ sẽ được bồi hoàn 50% học phí” - đại diện lớp luyện thi này chia sẻ.
Vào vai một phụ huynh xin học cho con, dù PV đã “vật nài” đủ kiểu để mong xin cho con vào học tại các lớp đã ôn thi từ trước nhưng đều nhận được những cái lắc đầu vì “đã đủ lớp” hay “đã ôn từ đầu năm, không nhận học sinh mới”.
Có khảo sát thì có luyện thi
Trước những lo ngại về tình trạng dạy thêm, học thêm bùng phát, theo ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT: Điều chỉnh về phương thức thi được nêu trong dự thảo thông tư lần này nhằm cụ thể hóa quy định tại Công văn 1258 năm 2015 của bộ. Công văn nêu rõ việc giao cho cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học đông hơn so với chỉ tiêu thì được quyền xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện.
“Chúng ta đang đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Việc quy định đánh giá năng lực học sinh cần phải được nhận thức và thực hiện đúng đắn. Điều này khác với đánh giá kiến thức vì kiến thức là nguyên liệu để hình thành nên năng lực. Đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh có được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể” - ông Thành cho hay.
Ông Thành nhấn mạnh thêm, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta đang có định hướng sẽ phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực cho học sinh vì thế tùy mục tiêu, yêu cầu, nhà trường có thể lựa chọn để đánh giá năng lực nào đó của học sinh cho phù hợp.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nói: “Việc thi và kiểm tra đánh giá sẽ có tác động trở lại đối với quá trình dạy học. Các thầy cô không chỉ trang bị kiến thức, mà con phải làm sao cho học sinh biết vận dụng kiến thức đó để giải quyết tình huống phù hợp”.
Còn ông Nguyễn Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng cho rằng nếu thực hiện đánh giá năng lực thì học thêm, dạy thêm không “có cửa”.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) - cho rằng có khảo sát, có thi tuyển, kiểm tra thì sẽ có luyện thi. Lò luyện thi sinh ra là một nhu cầu tất yếu, có cầu ắt có cung.
Một giáo viên có kinh nghiệm luyện thi cho biết, các trường có thể đưa ra các hình thức kiểm tra khác nhau nhưng cơ bản thì cơ cấu đề thi theo ba môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh sẽ không có sự thay đổi nhiều. Bên cạnh ôn kiến thức cơ bản như vậy, tại trung tâm chuyển sang học các môn toán và khoa học bằng tiếng Anh để bắt kịp xu thế. Giáo viên này cũng cho biết, sau ba năm áp dụng hình thức khảo sát, tình trạng học sinh đi ôn luyện “chạy đua” vào các trường chuyên dường như không giảm nếu không muốn nói là còn có phần căng thẳng hơn vì phải học thêm nhiều nội dung mang tính tích hợp kiến thức hơn.
Tuyển sinh vào lớp 6 và lớp 10 của Hà Nội năm 2018 có gì mới?
Trong tuyển sinh vào lớp 6, Hà Nội sẽ khảo sát để có phương án phù hợp nhất. Còn thi vào lớp 10 trong những ... |
Tuyển sinh lớp 6 bằng kiểm tra năng lực: Luyện thi sẽ \'bùng nổ\'?
Một số ý kiến cho rằng nếu áp dụng hình thức thi tuyển vào lớp 6 mà có các môn văn hóa, chắc chắn sẽ ... |