(GDVN) - Không có điều kiện mua tặng các thầy cô những món quà đắt tiền, học sinh vùng cao làm những bức tranh từ hạt ngô, hạt gạo chứa đựng trong đó nhiều tình cảm.
Tình cảm ấm áp của học sinh vùng cao
Tráng A Chu, học sinh lớp 6B, trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ khoe với chúng tôi những bức tranh từ hạt ngô, hạt gạo do chính tay các em tự làm.
A Chu giới thiệu: “Bức tranh này lớp em sử dụng nguyên liệu chính là hạt gạo được rang sau đó dính với nhau bằng bột nếp và phơi khô.
Trường học bán trú đã thay đổi giáo dục vùng cao |
Đây là ý tưởng của một bạn cùng lớp. Chúng em cùng nhau thực hiện trong thời gian khoảng 1 tháng thì xong”.
Do không có điều kiện để mua tặng các thầy cô những món quà đắt tiền, học sinh trường cấp 2 Tả Ngài Chồ có ý tưởng làm những bức tranh ơn thầy, ơn cô từ hạt gạo, hạt bí, hạt ngô…
Nhìn những bức tranh có nội dung, đường nét rõ ràng, màu sắc hài hòa, chúng tôi không khỏi cảm phục các em học sinh nơi đây.
Những bức tranh này vừa có tính nghệ thuật, thẩm mỹ lại thể hiện được tình cảm của học sinh dành cho thầy cô nuôi dạy mình.
A Chu giải thích: “Bọn em làm những bức tranh từ hạt gạo, hạt ngô…để thể hiện sự biết ơn đối với thầy cô đã dạy dỗ chúng em lên người.
Cô giáo dạy hạt gạo là hạt ngọc trời. Hạt gạo Mường Khương cũng được coi là sản vật.
Trong hạt gạo này có mồ hôi, công sức của cha mẹ, có tinh túy của núi rừng. Vì thế chúng em quyết định sử dụng hạt ngô, hạt gạo để làm những bức tranh tặng thầy cô”.
|
|
Những bức tranh nhiều màu sắc của học sinh vùng cao (Ảnh:V.N) |
Nghe cậu bé “thuyết trình” vanh vách chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự tự tin của học sinh người H’Mông.
Vàng Thị Lầu, học sinh lớp 6B, miêu tả: “Đầu tiên bọn em cần một bạn vẽ phác thảo bằng bút chì.
Sau đó các bạn sẽ sử dụng hạt gạo hoặc hạt ngô, hạt bí để đính lên bức tranh. Bọn em dùng bột nếp để dính các hạt vào với nhau.
Về màu sắc, bọn em sử dụng màu sắc tự nhiên. Ví dụ như màu đen sẽ sử dụng hạt gạo rang bị cháy, màu nâu thì hạt gạo rang vừa tới. Sau khi gạo rang để nguội sẽ dùng bột nếp đính vào bức tranh”.
Nghe Vàng Thị Lầu kể tỉ mỉ từng công đoạn cũng có thể hình dung được sự công phu trong cách thực hiện. Học sinh dùng nhíp nhỏ đính từng hạt gạo lên phông của bức tranh (được làm bằng giấy và có trát qua một lớp bột nếp hoặc hồ dán).
Mỗi bức tranh như vậy có hàng trăm, hàng nghìn hạt gạo. Học sinh cứ nhẩn nha xếp từng hạt gạo nhỏ vào trong bức tranh lớn. Điều đó thể hiện tình cảm biết ơn chân thành của học sinh đối với giáo viên.
|
|
Tình cảm của học sinh được thể hiện thông qua những bức tranh giản dị, mộc mạc như thế này (Ảnh:V.N) |
Cô giáo Hà Thị Hoa cảm động: “Học sinh trên đây là vậy. Các em không có tiền để mua những món quà đắt giá tặng các thầy cô.
Cách thể hiện tình cảm của các bạn rất mộc mạc, giản dị. Đôi khi chỉ là một khóm hoa rừng, một bông cúc dại cũng chứa chan tình cảm.
Chúng tôi sống ở trên đây là sống vì tình cảm chứ không phải vì vật chất, đồng lương. Nhìn học sinh tíu tít, trìu mến mình thấy ấm áp vô cùng”.
Chúng tôi dạy các cháu: “Uống nước nhớ nguồn”
Trong các tiết học của học sinh trường Trung học cơ sở thị trấn Mường Khương, nhà trường luôn lưu ý lồng ghép văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc giúp các em không quên nguồn cội.
Thầy Nguyễn Văn Thành, hiệu phó nhà trường, người dân tộc Nùng cũng là một người con trưởng thành từ mảnh đất Mường Khương.
Chùm ảnh: Học sinh trường Nấm Lư rèn kỷ luật như quân đội |
Nhận thức được ý nghĩa của việc học, thầy Thành chia sẻ: “Tôi cũng là một người trưởng thành từ mảnh đất Mường Khương. Nhờ ơn giáo dục tôi có ngày hôm nay.
Cho nên tôi ý thức được ý nghĩa của việc học vô cùng quan trọng.
Học tập gần như là con đường duy nhất để thoát nghèo.
Bên cạnh đó nhà trường cũng muốn các em lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Dạy các em uống nước nhớ nguồn”.
Thầy Thành dẫn chúng tôi thăm quan một vòng các lớp học, trong đó có phòng truyền thống của nhà trường.
Tại đây có những bộ quần áo đặc trưng của người H’Mông, những chiếc khèn, những món trang sức truyền thống…
Những món đồ này do chính các bạn học sinh làm. Thông qua những hoạt động như vậy nhà trường muốn nhắc nhở học sinh phải luôn nhớ nguồn cội và bản sắc văn hóa của dân tộc.
|
|
Chất liệu chính của những bức tranh được làm từ hạt ngô, hạt gạo được học sinh phối màu sắc khéo léo (Ảnh:V.N) |
Thầy Thành tâm sự: “Các em xuống đây, điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng hơn hẳn ở trên bản.
Chúng tôi muốn răn dạy các em phải luôn biết yêu quê hương, đất nước, yêu dân tộc, đồng bào mình.
Những giờ sinh hoạt ngoại khóa cũng là thời gian giúp học sinh ôn bài và không bị lãng quên văn hóa, nguồn cội của mình”.
Tại trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa lồng ghép các chương trình văn nghệ hát tiếng đồng bào dân tộc.
|
|
Tình cảm của học sinh được thể hiện thông qua những bức tranh tặng thầy cô từ hạt lúa, hạt gạo (Ảnh:V.N) |
Những cô cậu học sinh, xúng xính áo quần, trang sức, múa khèn, đánh trống thuần thục theo sau cô Hoa hát những bài hát truyền thống của người Mông, người Dao, người Nùng.
Cô Hoa bắt nhịp, học sinh đồng thanh hát như đi trẩy hội. Không khí giáo dục vùng cao thực sự ấm áp và vui tươi.
Cô Hoa nói: “Chúng tôi ở đây đi dạy các em không mong cầu các em thành đạt, kiếm được nhiều tiền, thành ông nọ, bà kia mà chỉ mong các em có thể thay đổi được nhận thức, nếp sinh hoạt.
Thay đổi nhận thức cho các em và cho chính thế hệ sau này, cho tương lai của mảnh đất nơi đây”.
Vũ Ninh 03/12/2019
Chàng trai Hà Nội nhặt ve chai, xây trường, nuôi ăn cho trẻ vùng cao
Hàng nghìn đứa trẻ vùng cao được nuôi cơm trưa, hàng chục điểm trường bằng tre nứa được xây mới bởi một chàng trai Hà ... |
Cảm phục những cô giáo cắm bản nơi lũ dữ, lặn lội đến từng nhà "bắt" học sinh đến trường
Giữa đại ngàn biên giới, những nữ giáo viên vẫn ngày đêm kiên trì bám bản gieo chữ, vì tương lai của những học sinh ... |
Tôi đã tắm, giặt cho học sinh của mình để các em không bỏ học!
Cô giáo Lương Thị Hải thổ lộ, ngày đầu nhận lớp cũng nản nhưng nghĩ học trò như con mình, lại thiếu ăn, thiếu mặc... ... |